Chủ động ứng phó với tình huống bất thường Kỳ thi tốt nghiệp THPT

Chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, lên phương án sớm, từ xa cho các tình huống bất thường là yếu tố quan trọng giúp tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Giờ học tại Trường THPT Cát Bà (Cát Hải, Hải Phòng) trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: NTCC

Giờ học tại Trường THPT Cát Bà (Cát Hải, Hải Phòng) trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: NTCC

Với kinh nghiệm nhiều năm, công tác này được địa phương triển khai thuận lợi, nhưng không vì thế chủ quan, lơ là.

Sẵn sàng cơ sở vật chất

điểm thi duy nhất trên đảo Cát Bà, Trường THPT Cát Bà (Cát Hải, Hải Phòng) sẵn sàng các điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Nhà trường đã kiểm tra toàn diện hạng mục theo quy định. Khẳng định điều này, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Trung Thành chia sẻ: Phòng thi đầy đủ bàn ghế, bảng, quạt, ánh sáng; phòng chờ; phòng làm việc hội đồng có đủ bảng điều hành, tủ đựng đồ, điện thoại cố định; phòng bảo quản đề thi có đủ tủ sắt, camera, màn hình giám sát, lưu điện; phòng làm việc và phòng nghỉ của lãnh đạo điểm thi, công an; phòng y tế, khu vực để đồ dùng cá nhân học sinh…

An ninh khuôn viên điểm thi an toàn tuyệt đối, tường bao đầy đủ. Hệ thống điện có máy phát dự phòng; bảo đảm đủ bình chữa cháy và sẵn sàng văn phòng phẩm, hậu cần phục vụ kỳ thi.

“Việc chuẩn bị cơ sở vật chất về cơ bản như mọi năm. Tuy nhiên, năm nay nhà trường tăng cường hơn phương án để đề phòng mất điện; đồng thời lên kế hoạch chi tiết hơn nếu thời tiết bất lợi, đi lại qua phà khó khăn cho cán bộ làm thi và vận chuyển đề thi, bài thi. Năm nay, trường có 176 thí sinh, dự kiến số nhân sự cho điểm thi là 40 người”, thầy Nguyễn Trung Thành cho biết thêm.

Thầy Nguyễn Ngọc Hiền - Hiệu trưởng Trường THPT Đặng Trần Côn, Thừa Thiên Huế cho biết: Năm nay, trường có 268 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Số phòng thi sử dụng tối đa 12; cùng đó là 2 phòng thi dự phòng, phòng trực đề thi, bài thi, Hội đồng, y tế, bảo vệ và phục vụ.

Về trang thiết bị, nhà trường chuẩn bị tủ đựng đề thi, bài thi, hồ sơ thi tại phòng Hội đồng, máy photocopy, điện thoại có loa ngoài, máy vi tính kết nối Internet, máy phát điện dự phòng, camera giám sát phòng chứa đề thi, bài thi; phương án bảo đảm an toàn phòng chống cháy, nổ…

Như vậy, đến thời điểm này, nhà trường đã chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực cho kỳ thi… Cùng đó, phối hợp với đơn vị chức năng triển khai phương án đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông hợp lý các tuyến đường cạnh điểm thi; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe cán bộ làm nhiệm vụ và thí sinh tham dự kỳ thi… Chủ động nắm bắt dự báo thời tiết những ngày diễn ra kỳ thi để thông tin kịp thời đến thí sinh và có kế hoạch ứng phó. Các hoạt động hỗ trợ thí sinh, người nhà cũng được lên phương án.

Lên phương án cho tình huống bất thường

Tại Hà Nội, trong hướng dẫn tổ chức kỳ thi, sở GD&ĐT lựa chọn một số trường THPT, THCS, trung tâm GDNN-GDTX làm điểm thi. Các trường được chọn làm điểm thi có trách nhiệm tổ chức kiểm tra kỹ hiện trạng cơ sở vật chất nhà trường để phục vụ cho kỳ thi; sửa chữa nếu chưa bảo đảm như:

Cổng, tường rào trường thi, phòng thi, phòng làm việc, bàn, ghế, bảng, tủ; hệ thống điện, máy tính kết nối Internet; điện thoại cố định có loa ngoài, có chức năng ghi âm; máy photocopy, máy phát điện dự phòng; thực hiện lắp đặt camera an ninh giám sát phòng bảo quản bài thi, đề thi theo đúng Quy chế.

Ông Bùi Minh Nhựt - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre cho biết, sở đã yêu cầu các đơn vị được chọn đặt điểm thi chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ tổ chức thi; có biện pháp hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự thời gian diễn ra kỳ thi.

Công tác phòng chữa cháy; phòng chống lụt bão, thiên tai được địa phương đặc biệt quan tâm. Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Công an tỉnh kiểm tra, rà soát, chuẩn bị phương án, phương tiện phục vụ phòng chữa cháy tại nơi tổ chức in sao đề thi.

Lãnh đạo các trường phổ thông nơi đặt điểm thi phối hợp với cảnh sát phòng cháy chữa cháy kiểm tra, rà soát, chuẩn bị phương tiện phòng chữa cháy tại nơi tổ chức các điểm coi thi, chấm thi, đảm bảo đủ phương tiện xử lý nếu sự cố xảy ra.

Đồng thời, tuyên truyền nâng cao ý thức về công tác này cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, thí sinh để chủ động phòng ngừa và xử lý khi có sự cố. Nhắc nhở, phổ biến số điện thoại đường dây nóng của lực lượng phòng cháy chữa cháy để nhờ hỗ trợ khi cần thiết.

“Kỳ thi diễn ra trong mùa mưa, có thể xảy ra mưa dông bất ngờ. Các trường phổ thông nơi đặt điểm coi thi, chấm thi chủ động sửa chữa cơ sở vật chất, đảm bảo phòng thi và nơi làm việc các điểm coi thi, chấm thi không bị dột, tạt, hư hỏng khi mưa lớn; phòng ngừa gió lớn làm bay bài thi của thí sinh.

Phối hợp với chính quyền địa phương chuẩn bị phương án để xử lý tốt tình huống khi mưa dông hay bão bất ngờ, không làm ảnh hưởng đến thí sinh khi tham gia dự thi.

Các khó khăn, vướng mắc phải báo cáo kịp thời về Ban Chỉ đạo cấp tỉnh (qua sở GD&ĐT) để được chỉ đạo giải quyết. Khi có thiên tai bất ngờ phải phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý tốt nhất các tình huống và báo cáo kịp thời về Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để được hỗ trợ”, ông Bùi Minh Nhựt chia sẻ.

Tại Hòa Bình, theo bà Đinh Thị Hường - Phó Giám đốc sở GD&ĐT, thời điểm diễn ra kỳ thi có thể xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lũ, sạt lở đất đá làm ách tắc, chia cắt mạng lưới giao thông đường bộ; hoặc nắng nóng gay gắt, diện rộng, thiếu và mất điện ảnh hưởng đến việc di chuyển, sức khỏe thí sinh, cán bộ làm thi.

Các điểm thi đã xây dựng phương án dự phòng. Theo đó, ngoài phòng thi dự phòng, mỗi điểm thi đã bố trí thêm 1 điểm thi dự phòng là các đơn vị trường học đóng trên địa bàn và gần với điểm thi chính thức. Điểm thi dự phòng bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất tổ chức kỳ thi theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Các thành viên Ban Chỉ đạo như Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Công ty Điện lực Hòa Bình… xây dựng kế hoạch triển khai phương án cụ thể với những tình huống bất thường có thể xảy ra.

Theo đó, nếu xảy ra lũ lụt, sạt lở đất, đá làm ách tắc, chia cắt mạng lưới giao thông đường bộ, Công an tỉnh hỗ trợ ca nô vận chuyển đề thi bằng đường thủy trên lòng hồ Hòa Bình đối với 2 điểm thi: Trường THPT Yên Hòa, Trường THPT Mường Chiềng thuộc huyện Đà Bắc.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hỗ trợ xe chuyên dụng để đưa đón thí sinh ở vùng cao, sâu, xa trong trường hợp mưa lũ chia cách giao thông. Điện lực có phương án hỗ trợ, cho mượn máy phát điện để dự phòng tại các điểm thi…

Đối với yếu tố dịch bệnh, sở GD&ĐT phối hợp với sở Y tế xây dựng kế hoạch triển khai phương án trong trường hợp có dịch bệnh và bảo đảm sức khỏe của cán bộ Ban In sao đề thi.

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chu-dong-ung-pho-voi-tinh-huong-bat-thuong-ky-thi-tot-nghiep-thpt-post684584.html