Chủ động ứng phó với bão số 3 và mưa lớn diện rộng

Bão số 3 (tên quốc tế Wipha) đang tiến gần vào biển Đông, khả năng cao sẽ đổ bộ lên đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh – Nghệ An, gây mưa lớn trên diện rộng. Đường đi, tốc độ của bão Wipha mang “dáng dấp” của cơn bão số 3 (Yagi) hồi tháng 9/2024. Thời điểm này tại các địa phương trong tỉnh, lúa mùa mới cấy đang bén rễ hồi xanh, đẻ nhánh. Cây có múi đang cho quả. Nếu bão vào sẽ gây thiệt hại lớn.

Cơn bão số 3 năm 2024 đã gây thiệt hại hơn 2 tỷ đồng cho gia đình ông Nguyễn Văn Ba ở thôn Bồ Trang 3, xã Minh Thọ khi nước lũ dâng cao khiến gần 30 tấn cá diêu hồng có trọng lượng 1,5 – 2,5 kg/con bị chết. Do đó, khi nghe thông tin về cơn bão số 3 có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Hưng Yên, ông Ba khẩn trương thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn lồng nuôi cá. Ông Ba cho biết: Tôi đã kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích lồng, bè; tăng gấp đôi lượng dây chão gia cố lại hệ thống lồng nuôi cá, chủ động chèn, chống, lót đáy lồng... để tránh trôi dạt khi có gió to, bão vào. Tôi cũng tiến hành thu hoạch sớm các lứa cá đạt, gần đạt kích cỡ, tiêu chuẩn nhằm hạn chế thất thoát, thiệt hại khi có thiên tai.

Toàn tỉnh hiện có trên 1,2 nghìn lồng nuôi cá trên sông; diện tích nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 20 nghìn héc - ta; tổng sản lượng thu hoạch thủy sản ước đạt 94,5 nghìn tấn. Bà Trịnh Thị Hải Yến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Biển và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: Để chủ động ứng phó với bão, hạn chế ảnh hưởng và thiệt hại do mưa bão trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, Chi cục Biển và Thủy sản đã có công văn đề nghị các xã, phường khuyến cáo người dân thu hoạch các đối tượng thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm; hướng dẫn người dân gia cố lồng, bè, bờ ao, đầm, vây lưới nuôi ngao, hệ thống cấp thoát nước; trong thời gian mưa lớn duy trì việc xả tràn nước ngọt trên tầng mặt, hạn chế phân tầng nước trong ao nuôi; tăng cường bổ sung men tiêu hóa, vitamin C, khoáng chất vào thức ăn trước và sau mưa, bão; đồng thời sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý môi trường ao nuôi sau bão. Đối với khai thác thủy sản, Chi cục thông báo cho chủ các phương tiện tàu, thuyền và thuyền trưởng, chính quyền địa phương và người dân biết để chủ động các biện pháp phòng, tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

Người dân ở xã Minh Thọ gia cố lại lồng nuôi cá.

Người dân ở xã Minh Thọ gia cố lại lồng nuôi cá.

Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, bão số 3 (bão Wipha) sẽ gây mưa lớn trên diện rộng khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Nghệ An). Phân bố mưa sẽ tùy theo hướng di chuyển của bão. Lượng mưa được dự báo 200 - 300 mm, một số nơi trên 500 mm. Ngoài ra, sau khi bão số 3 đi vào đất liền khả năng sẽ xuất hiện một cơn bão khác và có hướng di chuyển lên phía Bắc, tạo rãnh thấp gây ra mưa kéo dài từ ngày 24 đến 25/7. Mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày nguy cơ cao gây ngập úng cho lúa mùa mới gieo, cấy. Trên địa bàn tỉnh có trên 2,2 nghìn trạm bơm điện, trong đó có trên 1,6 nghìn trạm bơm tưới, 46 trạm bơm tiêu và 511 trạm bơm tưới, tiêu kết hợp; trên 2,6 nghìn cống đập nội đồng; 4.514 km kênh trục dẫn, trên 13.600 km kênh mương các cấp.

Ông Phí Quốc Việt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Ngày 18/7, Sở đã có công văn yêu cầu các đơn vị thủy nông trên địa bàn tỉnh chủ động hạ thấp mực nước trong hệ thống đề phòng mưa lớn gây ngập úng cho lúa và hoa màu; UBND các xã, phường chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương khơi thông dòng chảy, điều tiết mực nước trên mặt ruộng hợp lý bảo đảm sinh trưởng cho cây trồng.

Ông Bùi Xuân Khả, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, để chủ động phòng, chống ngập úng, từ sáng ngày 16/7, công ty đã chỉ đạo đóng tất cả các cống tưới, mở cống tiêu để hạ thấp mực nước trong đồng, đồng thời thông báo yêu cầu tới các công nhân trực tại các công trình. Tất cả các trạm bơm tiêu do công ty quản lý đều được tu sửa, bảo dưỡng trước khi bước vào mùa mưa bão, sẵn sàng vận hành khi có mưa lớn gây ngập úng cho cây trồng. Bên cạnh đó, những ngày tới, thủy triều xuống, thuận lợi cho tiêu trọng lực.

Tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Tân Sơn.

Tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Tân Sơn.

Với tinh thần khẩn trương, chủ động, ngành nông nghiệp và môi trường quyết tâm bảo đảm an toàn cho sản xuất, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa, bão gây ra.

Ngân Huyền

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/chu-dong-ung-pho-voi-bao-so-3-va-mua-lon-dien-rong-3182696.html