Chủ động phòng, chống bệnh dại trên vật nuôi

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm từ virus dại gây ra, chúng lây truyền chủ yếu từ động vật, như: chó, mèo... sang người. Thời tiết nắng nóng bệnh dại dễ phát sinh trên đàn vật nuôi, cần có các biện pháp chủ động để ngăn chặn, đảm bảo an toàn cho người dân, tránh trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Bác sỹ thú y tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hoa, Tiểu khu 5, thị trấn Yên Châu (Yên Châu) thường xuyên nuôi từ 4-5 con mèo và 2 con chó sinh sản. Bà thường xuyên đăng ký các đợt tiêm phòng dại và tiêm phòng các bệnh khác cho đàn chó, mèo. Bà Hoa cho biết: Kinh phí tiêm phòng dại cho chó, mèo không quá cao, nên năm nào gia đình tôi cũng đăng ký tiêm phòng dại đầy đủ.

Là người yêu động vật, anh Phạm Văn Cương, tổ 11, phường Quyết Tâm, chia sẻ: Thông qua các kênh thông tin và hệ thống loa truyền thanh của tổ dân phố. Tôi và người dân trong khu dân cư đã biết đến sự nguy hiểm của bệnh dại đối với con người. Do đó, để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và những người xung quanh, tôi đã chủ động tiêm phòng dại cho vật nuôi của gia đình.

Theo thống kê trên địa bàn toàn tỉnh hiện có khoảng 120.000 hộ nuôi gần 200.000 con chó, mèo. Chủ động phòng, chống bệnh dại trên chó, mèo, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã đôn đốc, hướng dẫn Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp các huyện, thành phố, các xã, phường tập trung tuyên truyền nội dung của Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra, hướng dẫn UBND xã, phường, thị trấn thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dại ở động vật, nhất là công tác tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó nuôi; đồng thời, mở lớp tập huấn phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn các quy định về phòng, chống bệnh dại tại cơ sở.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: Thực hiện kế hoạch tiêm vắc xin phòng dại cho đàn vật nuôi, chúng tôi đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của người dân về Luật Thú y cũng như mục đích, ý nghĩa của việc tiêm phòng. Từ đó, bà con đã chủ động đăng ký, tiêm phòng đầy đủ cho đàn chó, mèo. Hiện nay, 12 huyện, thành phố đang tổ chức tiêm phòng dại cho chó, mèo, với 3.660 liều vắc-xin. Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dại động vật tại các địa phương. Phối hợp với cơ quan y tế trong việc giám sát, xử lý bệnh dại do động vật truyền sang.

Hiện nay, việc tiêm phòng dại cho chó, mèo còn gặp khó khăn, do nhiều hộ dân chưa nắm được những quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại, chưa chấp hành việc tiêm phòng cho chó nuôi, phải đôn đốc nhắc nhở nhiều lần. Việc mở sổ quản lý đàn chó, mèo chưa được UBND các xã, thị trấn quan tâm chỉ đạo cập nhật thường xuyên. Trong khi đó, địa bàn rộng, cùng với tập quán chăn nuôi thả rông, nên việc bắt giữ chó để tiêm phòng rất khó khăn, nhất là những địa bàn vùng sâu, vùng xa và vùng cao. Công tác xử lý chủ nuôi chó không chấp hành tiêm phòng theo quy định tại một số địa phương ít được quan tâm thực hiện.

Hiện đang là thời điểm nắng nóng, các địa phương cần tiếp tục tiêm phòng bổ sung cho đàn chó, mèo chưa được tiêm phòng hoặc đã hết thời gian miễn dịch. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở người, nêu cao trách nhiệm của người dân trong việc tiêm phòng dại bắt buộc cho đàn chó, mèo và không thả rông chó, mèo. Đặc biệt là các trường hợp bị chó, mèo cắn cần phải đến ngay các cơ sở y tế để tiêm phòng dại kịp thời, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Đức Anh

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chu-dong-phong-chong-benh-dai-tren-vat-nuoi-40799