Chủ động ngăn chặn gian lận xuất xứ

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã và đang tác động ngày càng rõ nét đến kinh tế Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu. Giới chuyên gia khuyến cáo, nguy cơ lớn nhất là tình trạng gian lận xuất xứ khi hàng hóa từ bên ngoài đội lốt hàng Việt Nam trước khi xuất đi.

Sản phẩm dệt may của Việt Nam nằm trong số những mặt hàng dễ bị gian lận xuất xứ.

Sản phẩm dệt may của Việt Nam nằm trong số những mặt hàng dễ bị gian lận xuất xứ.

Tiềm ẩn rủi ro

Kể từ khi xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, một điểm có thể thấy là khả năng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam có thể tăng cao hơn, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam có khả năng tăng mạnh, góp phần vào tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Tuy nhiên, việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ là một tín hiệu đáng mừng song kèm với đó lại cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro khác từ cuộc chiến thương mại này. Thứ nhất là sự gia tăng của dòng vốn FDI vào Việt Nam trong khi cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn lao động trong nước chưa được đảm bảo. Sự quá tải này sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam trong dài hạn nếu như không có những cải thiện và điều chỉnh phù hợp. Thứ hai là tình trạng di dời các cơ sở sản xuất có trụ sở tại Trung Quốc sang Việt Nam, mặc dù sự dịch chuyển này mang lại sự gia tăng cho xuất khẩu và FDI nhưng chỉ là trong ngắn hạn, về dài hạn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.

Như vậy, đi kèm cơ hội, Việt Nam cũng sẽ đối diện với không ít nguy cơ do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gây ra. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất được giới chuyên gia, nhà quản lý cảnh báo nhiều nhất thời gian qua đó là tình trạng gian lận xuất xứ. Hiện nay, ngoài Mỹ, hàng loạt hiệp định thương mại tự do Việt Nam mới ký kết cũng tiềm ẩn nguy cơ hàng hóa xuất khẩu đội lốt xuất xứ Việt Nam gia tăng. Theo khuyến cáo của giới chuyên gia, không loại trừ việc nước ngoài sẽ mượn Việt Nam là nước trung gian bằng cách dán nhãn, xuất xứ “Made in Vietnam” trên sản phẩm hàng hóa để tiêu thụ ở thị trường Mỹ nhằm tránh thuế cao.

Không để hàng Việt Nam bị lợi dụng

Một con số được Bộ Công thương cung cấp cho biết: Nếu năm 2018 chỉ có 13/37 mặt hàng xuất khẩu tăng đột biến, thì 6 tháng đầu năm 2019 có tới 15 mặt hàng kim ngạch xuất khẩu tăng cao khi xuất sang thị trường Mỹ. Trong số đó, có những mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu lớn sang thị trường Hoa Kỳ như xơ sợi dệt tăng 92,87%, sắt thép tăng hơn 81%, thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 51%, điện thoại và linh kiện tăng 13%, dây cáp điện hơn 100%, máy quay phim và thiết bị điện tử 83%, nguyên phụ liệu dệt may da giày tăng hơn 50%…

Có một điểm rất đáng lưu ý ở đây, đó là theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, có sự trùng khớp về việc các mặt hàng tăng xuất khẩu thì nhập khẩu cũng tăng đột biến và đang bị áp dụng các biện pháp phòng vệ. Do đó, người đứng đầu ngành Công thương đưa ra cảnh báo, đây là thực tế cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng bởi những nguy cơ gian lận xuất xứ. Tình trạng này nếu không được ngăn chặn sẽ gây ra những bất lợi rất lớn đối với nền kinh tế nước nhà.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, một khi cơ quan thương mại Mỹ phát hiện có sự không minh bạch về nguồn gốc hàng hóa thì công ty bị trừng phạt sẽ là phía Việt Nam, bên cạnh đó không chỉ một nhóm sản phẩm mà là cả một ngành hàng sẽ bị ảnh hưởng.

Giới chuyên gia kinh tế khuyến cáo, cần sớm ban hành tiêu chuẩn “Made in Vietnam” để tránh việc hàng hóa của DN sản xuất trong nước bị lợi dụng, giả nhãn mác xuất xứ xuất khẩu ra thị trường thế giới. Về phía cộng đồng DN cũng cần tăng cường chuyển hướng sử dụng nguyên liệu từ nguồn trong nước, đồng thời chủ động ứng phó với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới.

Minh Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-truong/chu-dong-ngan-chan-gian-lan-xuat-xu-tintuc444492