Chủ động kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi
Trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp để giữ tăng trưởng và tăng tổng đàn vật nuôi.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thời gian qua, các dịch bệnh nguy hiểm như tai xanh, lở mồm long móng trên đàn gia súc, cúm gia cầm đều được kiểm soát tốt, qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển chăn nuôi. Hà Nội có đàn gia súc, gia cầm vẫn đứng tốp đầu cả nước với tổng đàn trâu khoảng 28.000 con, đàn bò 130.000 con, đàn lợn 1,4 triệu con, đàn gia cầm k39,6 triệu con (gà khoảng 28 triệu con).
Tuy nhiên, thực tế cho thấy dịch bệnh trên gia súc, gia cầm vẫn có nguy cơ bùng phát. Sau một thời gian khống chế, mới đây, bệnh dịch tả lợn châu Phi lại tái phát ở một số địa phương như Đông Anh, Thường Tín, Phú Xuyên… Về cúm gia cầm, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 7 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại các hộ chăn nuôi ở các huyện Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa… Đáng ngại, từ giữa tháng 10/2020 đến nay, bệnh viêm da nổi cục đã xảy ra tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn và Quảng Ninh, nguy cơ lây lan trên địa bàn Thành phố có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Từ thực tiễn phát triển chăn nuôi và tình hình dịch bệnh mới trên đàn gia súc, gia cầm, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp để giữ tăng trưởng và tăng tổng đàn vật nuôi. Theo dõi chặt chẽ, giám sát dịch bệnh ngay từ hộ chăn nuôi, phát hiện và xử lý kịp thời, không để lây lan.
Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở việc tái đàn lợn bảo đảm đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Kịp thời phát hiện các hộ nhập đàn không khai báo, nếu xảy ra dịch đề nghị chính quyền địa phương xử lý vi phạm hành chính; tăng cường giám sát các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, giết mổ, bán chạy lợn mắc bệnh.
Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn chủ động hướng dẫn người chăn nuôi giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, ghi bị bệnh viêm da nổi cục, báo cáo chính quyền địa phương, cơ quan thú y về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực nuôi. Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định, bao gồm tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho gia súc. Thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cung theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.
Song song với việc thực hiện các giải pháp trên, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; chuẩn bị đầy đủ vắc xin, hóa chất, vật tư để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới.