Chống siêu vi khuẩn tại các bệnh viện

Các trang thiết bị và dụng cụ y tế tại các bệnh viện như ống nghe, máy đo huyết áp, xe lăn, thanh chắn giường bệnh... là những nơi có thể chứa các ổ vi khuẩn bao gồm cả siêu vi khuẩn. Để ngăn chặn các bệnh nhiễm khuẩn có thể đe dọa đến tính mạng, các bệnh viện ở Mỹ đang thiết lập các tiêu chuẩn vệ sinh cho các trang thiết bị, dụng cụ khám chữa bệnh phổ dụng.

Bác sĩ Daniel Federman nói rằng ông cảm thấy khiếp đảm khi thấy hình ảnh vi khuẩn tích tụ trên ống nghe của ông. Ảnh: WSJ

Vi khuẩn tích tụ trên ống nghe của bác sĩ

Trong suốt 32 năm hành nghề, bác sĩ Daniel Federman dùng ống nghe để kiểm tra tim và phổi của các bệnh nhân.

Song một nghiên cứu gần đây được thực hiện tại bệnh viện cựu chiến binh VA Connecticut Healthcare System ở West Haven, bang Connecticut (Mỹ), nơi bác sĩ Federman đang làm việc, đã khiến ông kinh hãi.

Bác sĩ Federman, một trong 50 bác sĩ điều trị, bác sĩ thực tập và sinh viên y khoa tham gia cuộc nghiên cứu, đã nộp ống nghe của họ để kiểm tra vi khuẩn.

Sau khi nhìn hình ảnh vi khuẩn tích tụ trên ống nghe của mình, ông thừa nhận: “Tôi cảm thấy khiếp đảm... Thực tế là tôi không nhớ mình từng lau chùi ống nghe”.

Ông cho biết, dường như mọi người đều sốc trước kết quả kiểm tra. Ông nói, các bác sĩ lớn tuổi có thể dễ phớt lờ nguy cơ nhiễm khuẩn ở dụng cụ khám bệnh hơn các đồng nghiệp trẻ tuổi, những người được đào tạo trong kỷ nguyên của siêu vi khuẩn.

Louise Dembry, giáo sư môn dịch tễ học và các bệnh lây nhiễm ở Đại học Yale, là người hướng dẫn cuộc nghiên cứu trên.

Bà cho rằng, rất khó để chứng minh việc sử dụng một ống nghe chứa nhiều vi khuẩn để khám bệnh nhân tạo ra rủi ro trực tiếp về mặt y khoa, bác sĩ phải có trách nhiệm hạn chế rủi ro này.

Một nghiên cứu vào năm 2014 ở Bệnh viện Đại học Geneva, Thụy Sĩ, cũng phát hiện thấy rằng, “mức độ ống nghe bị nhiễm khuẩn là rất lớn sau mỗi lần bác sĩ sử dụng để khám bệnh nhân”.

Giáo sư Didier Pittet, Giám đốc chương trình ngăn ngừa nhiễm khuẩn ở Bệnh viện Đại học Geneva, người đứng đầu cuộc nghiên cứu này, cho biết, vệ sinh tay vẫn là vấn đề cần ưu tiên trong chống lây nhiễm vi khuẩn, ông cũng thiết lập quy định bắt buộc lau chùi ống nghe tại Bệnh viện Đại học Geneva.

Bệnh viện Langone thuộc Đại học New York gần đây đã tiến hành một cuộc thử nghiệm lâm sàng để kiểm tra vi khuẩn ở ống nghe.

Sau khi phân tích kết quả cuộc kiểm tra, bác sĩ nội khoa Marwa Moussa cho biết, một số tai ống nghe là nơi chứa các ổ vi khuẩn bao gồm siêu vi khuẩn MRSA (tụ cầu vàng kháng Methicillin), có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng chết người vì kháng thuốc. Bác sĩ Moussa nói, các bác sĩ rửa tay nhưng không bao giờ lau chùi ống nghe bằng dung dịch diệt khuẩn.

Các chuyên gia về kiểm soát nhiễm khuẩn cho rằng, vệ sinh ống nghe quan trọng chẳng kém việc bác sĩ phải rửa tay sau khi khám bệnh nhân.

Tình trạng nhiễm khuẩn tại bệnh viện rất phổ biến

Các căn bệnh lây nhiễm trong quá trình chăm sóc y tế, đặc biệt là những căn bệnh do siêu vi khuẩn (vi khuẩn kháng thuốc) gây ra, giết chết hàng chục ngàn bệnh nhân mỗi năm tại các bệnh viện của Mỹ.

Theo Trung tâm Ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), trung bình mỗi ngày, cứ 25 bệnh nhân lại có ít nhất một bệnh nhân mắc một bệnh do nhiễm khuẫn nào đó trong quá trình chăm sóc y tế tại bệnh viện. Con số này cho thấy tính cấp bách của vấn đề cải thiện kiểm soát tình trạng nhiễm khuẩn tại các cơ sở chăm sóc y tế tại Mỹ.

“Chúng ta có đủ kiến thức để ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm vi khuẩn ở dụng cụ khám bệnh nhưng chúng ta thiếu ý chí để làm việc này. Những lỗ hổng trong vấn đề vệ sinh cho phép vi khuẩn lây lan khắp bệnh viện, gây ốm đau cho bệnh nhân này đến bệnh nhân khác”, Betsy McCaughey, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Reduce Infection Deaths, chuyên vận động các bệnh viện ngăn ngừa các mối nguy hiểm của siêu vi khuẩn, nói.

Bệnh viện Stamford Health ở Stamford, bang Connecticut, cho biết bệnh viện này xem vấn đề vệ sinh môi trường bệnh viện là vấn đề ưu tiên. Bác sĩ Michael Parry, trưởng khoa truyền nhiễm bệnh viện Stamford Health, nói có nhiều ngóc ngách tại bệnh viện để vi khuẩn làm ổ như máy điện bàn, cột truyền dịch, ống nghe…

Một trong những mối lo ngại lớn của ông là bàn phím máy tính tại bệnh viện. Hiện nay, bệnh viện Stamford Health trang bị máy tính trong các phòng của bệnh nhân để bác sĩ có thể truy cập hồ sơ bệnh án của họ.

Thiết lập các tiêu chuẩn vệ sinh khắt khe hơn

Ống nghe, máy đo huyết áp, cột truyền dịch, xe lăn, thanh chắn của gường bệnh ở bệnh viện rất dễ bị nhiễm khuẩn. Ảnh: WSJ

Để kiểm soát các bệnh lây nhiễm tại môi trường khám chữa bệnh, các bệnh viện ở Mỹ đang thiết lập các tiêu chuẩn vệ sinh khắt khe hơn, tập trung vào các dụng cụ khám chữa bệnh phổ dụng như ống nghe, vòng bít của máy đo huyết áp, những nơi có thể thu hút vi khuẩn.

Các bệnh viện ở Mỹ cũng đang đẩy mạnh các nỗ lực để bắt buộc các bác sĩ phải rửa tay thường xuyên và kỹ càng. Một số trung tâm y tế đang sử dụng cách diệt khuẩn trên tay bằng tia cực tím.

Trong khi đó, bệnh viện Sentara Healthcare ở Norfolk, bang Virginia, đang sử dụng một vũ khí mới để chống siêu vi khuẩn, đó là đồng.

Tin rằng đồng có những đặc tính chống vi khuẩn, bệnh viện này đã đầu tư để phủ đồng lên các bề mặt của bồn rửa, các thanh chắn của giường bệnh và các đồ đạc khác.

Bệnh viện Sentara Healthcare cũng bắt đầu sử dụng chất liệu loại vải lanh được nhuộm đồng cho áo quần bệnh nhân, khăn trải giường, khăn lau tay và khăn tắm.

Môt cuộc nghiên cứu so sánh một bệnh viện kiểu mới được trang bị đồ đạc bằng đồng với một bệnh viện theo kiểu cũ cho thấy tỷ lệ siêu vi khuẩn ở bệnh viện mới giảm hẳn, theo Howard Kern, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch của bệnh viện Sentara Healthcare.

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/278333/chong-sieu-vi-khuan-tai-cac-benh-vien.html