Chống sạt lở: 'Vai' có lành thì 'gấu' cũng rách

Tình hình sạt lở ở ĐBSCL diễn ra ngày càng nghiêm trọng và thời gian qua, không ai có thể ngờ nhiều điểm trên Quốc lộ 91 gần như bị hà bá nuốt chửng.

Một trong số đó là điểm sạt lở ở đoạn qua ấp Bình Tân - xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang - chỉ còn cách nhà dân khoảng 1 m. Ở đây cũng xuất hiện nhiều hàm ếch rất nguy hiểm, nhà dân có thể bị sập xuống sông bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, có vẻ như việc chống sạt lở ở tuyến quốc lộ này nói riêng đang làm theo kiểu "giật gấu vá vai" mà không lường tính hết các tác nhân gây ra sạt lở.

Quốc lộ 91 đoạn qua ấp Bình Tân - xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: CA LINH

Quốc lộ 91 đoạn qua ấp Bình Tân - xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: CA LINH

ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL, cho biết sông ngòi ĐBSCL ngày nay thiếu hụt bùn, cát và đáy sông đã hạ thấp hơn so với trước đây, vì vậy, sạt lở sẽ còn tiếp diễn. Riêng Quốc lộ 91 có đặc điểm riêng là sông phía trên rộng nhưng tại điểm sạt lở bị hẹp và cong, tạo ra bên vịnh và bên doi. Khi nước ở thượng nguồn chảy xuống đây bị hẹp nên tăng vận tốc và do dòng chảy bị quẹo nên tạo ra lực ly tâm, làm cho tim sông đi sát vào bờ phía vịnh. Mực nước phía bên vịnh cũng lên cao hơn so với phía doi. Do mực nước bên vịnh cao hơn, bị trọng lực kéo xuống nên tạo ra dòng chảy xoắn. Như vậy, phía vịnh luôn chịu áp lực xói lở, phía doi có thể bồi lắng. "Trước đây không sao nhưng ngày nay, sông đã sâu hơn, dòng nước thiếu bùn cát thì hình thành "nước đói". Dòng chảy xoắn này nay bị "đói" nên đào xuống tạo vực thẳm bên dưới và ăn vào bờ sông" - ông Thiện phân tích.

Từ phân tích trên, ông Thiện cho rằng việc khắc phục sạt lở không nên hấp tấp mà cần tính toán cẩn thận mọi phương án. Hiện tại, cơ quan chức năng đang chống sạt lở bằng biện pháp chèn bao cát. Ông Thiệt lo lắng phương án này sẽ thất bại nếu không hiểu rõ cơ chế dòng chảy. Do đó, cần tính đến các phương án phương chỉnh trị nắn dòng, đưa tim sông ra giữa hoặc sang bờ bên kia; làm đường tránh, tái định cư cho dân.

"Số tiền 25 tỉ đồng mà tỉnh An Giang đề xuất chi để đem cát thả xuống lẽ ra có thể làm được rất nhiều việc. Lưu ý rằng cát này cũng từ nơi nào đó trên sông Cửu Long mà thôi. Lấy cát nơi khác đem lấp nơi này thì tạo ra thiếu hụt cát nơi khác, "giật gấu vá vai", dù "vai" có lành thì "gấu" cũng rách. Bởi vì sạt lở ĐBSCL sẽ còn nhiều trong tương lai, cần có phương pháp tiếp cận phù hợp" - ông Thiện khuyến cáo.

DUY NHÂN - CA LINH - THỐT NỐT

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/chong-sat-lo-vai-co-lanh-thi-gau-cung-rach-20190823221005024.htm