Chống hàng gian, hàng giả : DN tự nỗ lực là chính !

Dù ai cũng biết là trách nhiệm chống hàng gian, hàng giả là của cả người tiêu dùng, DN và Nhà nước nhưng thực tế tại VN hiện nay, cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả gần như phó thác cho chính DN bị thiệt hại tự lo.

Hàng thật và hàng giả để cạnh nhau nhưng người tiêu dùng không thể phân biệt Bà Trương Tứ Muối - Giám đốc Trung tâm phát triển kinh tế Chợ Lớn trao đổi với DĐDN rằng dường như vai trò của các cơ quan nhà nước trong vấn đề chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) quá yếu. Khó khăn nhất của công cuộc bảo vệ quyền SHTT hiện nay là khi DN phát hiện hàng của mình, thương hiệu của mình bị xâm hại thì cơ quan xử lý quá chậm chạp, có khi kéo dài vài năm... Nhiều khi DN phải tự bỏ tiền ra mua lại hàng giả, điều đình với người làm và bán hàng giả để giữ uy tín cho hàng hóa của mình. Nhà nước chưa mạnh tay Theo Cục SHTT, để xảy ra tệ nạn vi phạm quyền SHTT có ba nguyên nhân cơ bản gồm: Làm hàng giả thu lợi nhuận rất cao; trình độ công nghệ phát triển khiến cho hàng thật và hàng giả giống nhau rất khó phân biệt; đường biên giới khó kiểm soát nạn nhập lậu hàng hóa... Về phía người tiêu dùng thì nhận thức chưa cao về vấn đề này, chưa có ý thức chống hàng gian hàng giả... Về phía DN thì còn thiếu trách nhiệm, ngại kiện cáo, sợ mất uy tín khi hàng của mình bị làm giả... Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa và quan trọng khiến công cuộc chống hàng gian hàng giả tại VN thiếu hiệu quả là các cơ quan quản lý chưa thực sự thể hiện những hành động cụ thể. Ông Nguyễn Thanh Bình- Trưởng văn phòng phía Nam Cục SHTT cho biết: Hiện tệ nạn xâm hại quyền SHTT tại VN ngày càng gia tăng, đa dạng trong mọi lĩnh vực, ngành hàng mà một trong các nguyên nhân gây nên tình trạng trên là do bộ máy nhà nước chưa thật sự hiệu quả trong vấn đề này. Dù Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về bảo vệ quyền SHTT nhưng việc thực thi chưa thực sự hiệu quả. Hiện đang có đến 5 cơ quan tham gia có chức năng và thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về SHTT gồm: Cơ quan quản lý thị trường (QLTT), Thanh tra chuyên ngành khoa học công nghệ và văn hóa thể thao du lịch, Công an kinh tế, UBND các cấp và Hải quan. Việc phân công quá nhiều cơ quan nêu trên khiến cho trách nhiệm bị đùn đẩy và chồng chéo, không rõ cơ quan nào xử lý... Lại thêm lực lượng của cơ quan nào cũng thiếu người, yếu nghiệp vụ. Ông Bình nêu một ví dụ: TP HCM có đến hàng trăm ngàn DN nhưng bộ phận phụ trách vấn đề SHTT của Bộ KHCN chỉ có 2 - 3 người. Thực tế là DN khi bị xâm hại quyền SHTT chỉ biết “kêu” đội quản lý thị trường (QLTT), đội QLTT dù rất ít người nhưng còn phải làm rất nhiều công việc khác. Việc phân công quá nhiều cơ quan tham gia xử lý khiến trách nhiệm bị đùn đẩy và chồng chéo. Bà Nguyễn Thị Bạch Nga- Trưởng ban bảo vệ quyền của người tiêu dùng Cục quản lý cạnh tranh trong cuộc trò chuyện với Cty TNHH Toàn Thạnh, khi nghe DN này than thở vì bị làm giả hàng hóa quá nhiều đã thừa nhận: Bộ máy nhà nước chống hàng gian hàng giả chưa hiệu quả. Khi DN bị làm giả hàng hóa thì DN phải tự thân vận động là chính, các cơ quan chức năng dù có trách nhiệm chính trong công cuộc chống hàng gian hàng giả nhưng do thiếu người, thiếu phương tiện... nên không thể làm xuể. Bà Nga cũng khuyên DN phải tự mình phát hiện, theo dõi, bắt quả tang những cơ sở kinh doanh hoặc sản xuất hàng giả để báo cho ngành chức năng. Giải pháp nào Quan điểm của bà Trương Tứ Muối là ngành chức năng phải tạo niềm tin cho DN bằng cách phải cụ thể và kiên quyết hơn nữa trong xử lý. Bà Muối cho rằng không thể đổ hết trách nhiệm cho người tiêu dùng vì hầu hết họ không có khả năng phân biệt hàng thật và hàng giả, không biết cơ sở nào đã vi phạm. Hiện tượng có cơ sở bị bắt đi bắt lại vài chục lần vì làm hàng giả, hàng kém chất lượng là do ngành chức năng đã không kiên quyết cấm cơ sở đó hoạt động. Dù có thể có nhiều cơ quan cùng theo dõi kiểm tra từng lĩnh vực, ví dụ ngành hải quan kiểm tra hàng nhập khẩu, ngành quản lý thị trường kiểm tra hàng đang lưu hàng trên thị trường... nhưng việc xử lý phải giao cho một cơ quan duy nhất. Khi phát hiện hàng giả, cơ sở làm hàng kém chất lượng... phải cùng báo chí đăng tin rộng rãi để người tiêu dùng biết và tẩy chay... - bà Muối nhận xét. Còn ông Bạch Văn Mừng - Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh thì cho rằng: để công cuộc chống hiệu quả hàng gian, hàng giả thì phải kết nối ba lực lượng gồm: Nhà nước - DN - người tiêu dùng mà trong đó mỗi lực lượng đều phải làm tốt trách nhiệm của mình. Đặc biệt phải đề cao vai trò xã hội thông qua báo chí, các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để tẩy chay hàng giả, hàng kém chất lượng. Chống hàng giả hàng gian là một cuộc chiến gian khổ, lâu dài... và Cục QLCT đang tiến hành một số biện pháp cụ thể như: Công bố danh sách các cơ sở làm hàng giả, buộc người bán hàng cam kết không bán hàng giả, phạt bằng tiền... Khắc Dũng

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/2010032310373991cat104/chong-hang-gian-hang-gia--dn-tu-no-luc-la-chinh-.htm