Chồng chất khó khăn, doanh thu, lợi nhuận của VTC tiếp tục giảm mạnh
6 tháng đầu năm 2019, doanh thu, lợi nhuận của Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC tiếp tục giảm mạnh và cũng là kỳ kinh doanh đầy khó khăn của VTC...
Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 của Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC, cho thấy doanh thu, lợi nhuận tiếp tục giảm mạnh và cũng là kỳ kinh doanh đầy khó khăn của VTC.
Theo VTC, 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu công ty mẹ VTC đạt 694 tỷ đồng, hoàn thành 48% kế hoạch năm, giảm 39% so với cùng kỳ 2018. Lợi nhuận công ty mẹ đạt 6,6 tỷ đồng, hoàn thành 52% kế hoạch năm, giảm 46%.
Nộp ngân sách nhà nước đạt 86 tỷ đồng, hoàn thành 51% kế hoạch năm, và giảm 40% so với cùng kỳ 2018.
Ông Đàm Mỹ Nghiệp, Tổng giám đốc Tổng công ty VTC cho biết, doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đó là lép vế trước các đơn vị có yếu tố nước ngoài, các đơn vị này đã liên tục đưa ra các chính sách mạnh tay nhằm cạnh tranh và thu hút khách hàng, chiếm lĩnh thị trường.
Theo lãnh đạo VTC, các doanh nghiệp lớn không những cạnh tranh về khách hàng, về doanh số, còn tiếp tục đẩy mạnh cạnh tranh về chi phí, trong đó có chi phí về bản quyền nội dung quảng cáo. Do có nguồn sản phẩm và nền tảng kỹ thuật tốt nên các đơn vị này đang nắm quyền chủ động, chi phối thị trường.
"Thực trạng trên đã đẩy các đơn vị vừa và nhỏ như Tổng công ty VTC đã khó khăn lại càng khó khăn hơn", ông Nghiệp cho biết.
Ngoài ra, Tổng công ty VTC với nguồn lực hạn chế đã gặp không ít khó khăn trong việc nâng cấp, cải thiện chất lượng dịch vụ, cũng như tiếp cận và triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới có chất lượng. Điều này đã dẫn đến hoạt động kinh doanh đi xuống, trong khi các định hướng kinh doanh mới chưa rõ ràng, khiến VTC gặp khó khăn trong việc giữ chân các nhân sự có chất lượng.
Khó khăn chưa dừng lại với VTC. Theo Tổng giám đốc Đàm Mỹ Nghiệp, công tác bàn giao Đài VTC (từ Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC sang Đài Tiếng nói Việt Nam VOV) kéo dài trong nhiều năm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Theo VTC, việc chưa được phê duyệt cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền đã dẫn đến các chỉ tiêu tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động của Tổng công ty VTC không thể thực hiện và có diễn biến không tốt. Nguồn lực giảm sút, qui mô nhỏ lại, tài chính thu hẹp, dòng tiền hạn chế đã dẫn đến VTC gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đường hướng phát triển.
Cũng theo lãnh đạo VTC, sự biến động của thị trường kinh doanh ngày càng khó lường, rủi ro tăng lên, trong khi đó VTC lại không có vốn chủ sở hữu, dẫn đến Tổng công ty VTC phải tiến hành cắt giảm nhiều loại chi phí trong đó có chi phí đầu tư, chi phí nhân sự...
Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp tiếp tục chậm, nguyên nhân là Đài VTC chưa có phương án trả nợ, nhiều tồn tại chưa được giải quyết, các chỉ tiêu tài chính ngày một xấu dẫn đến khó khăn trong việc xác định giá trị doanh nghiệp, một công đoạn quan trọng để cổ phần hóa.
Bên cạnh đó, việc chuyển giao quyền đại diện vốn nhà nước của Tổng công ty VTC từ Bộ Thông tin và Truyền thông sang Tổng công ty SCIC chậm so với dự kiến.
Ông Đàm Mỹ Nghiệp cho biết, dẫu vậy VTC cũng có một số thuận lợi, như một số sản phẩm, dịch vụ truyền thống như game Audition, VTC Pay, quảng cáo trực tuyến, dịch vụ truyền hình trả tiền, truyền dẫn vệ tinh của VTC tiếp tục duy trì hoạt động có doanh thu và tập khách hàng tốt; hệ thống phân phối và hệ thống thanh toán của VTC tiếp tục phát huy tốt hiệu quả hoạt động…
Lãnh đạo VTC cho biết, 6 tháng cuối năm 2019, Tổng công ty sẽ đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn đà suy giảm, cũng như tiết kiệm tối đa chi phí, duy trì hiệu quả; nghiên cứu thử nghiệm và chuẩn bị các sản phẩm dịch vụ mới, sẵn sàng triển khai kinh doanh khi có cơ hội.
Đồng thời hạn chế tối đa các rủi ro trong công tác bàn giao tài chính với Đài VTC; giải quyết dứt điểm việc chia tách Đài VTC, cũng như làm các thủ tục chuyển quyền đại diện vốn về SCIC, tiếp tục thực hiện các bước để cổ phần hóa.