Chơi sang giấu lãi?

DoanhNhanOnline – Ước lãi cao để rồi phải điều chỉnh xuống sau kiểm toán – cách làm này là khá phổ biến với các công ty đại chúng Việt Nam. Tuy nhiên, đã và đang có một lựa chọn ngược...

DoanhNhanOnline – Ước lãi cao để rồi phải điều chỉnh xuống sau kiểm toán – cách làm này là khá phổ biến với các công ty đại chúng Việt Nam. Tuy nhiên, đã và đang có một lựa chọn ngược lại.

Năm nay, vào mùa đại hội cổ đông và công bố báo cáo tài chính 2013, nhiều doanh nghiệp đã chọn cách ước lãi thấp, thậm chí lỗ, để sau kiểm toán sẽ gây bất ngờ với các con số lãi dương, lãi chênh lệch cao thêm hàng chục tỷ đồng.

Hiện tượng ngược

Báo cáo tài chính (BCTC) Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) công bố lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2013 có sự chênh lệch số liệu trước và sau kiểm toán tương đương 42,8 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp khác, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS) có chênh lệch cộng thêm vào lợi nhuận sau kiểm toán tới 88 tỷ đồng. Công ty cổ phần Đầu tư tổng hợp Hà Nội (SHN) báo lãi hợp nhất sau thuế sau kiểm toán tăng gấp 6 lần. Công ty Đại lí Liên hiệp Vận chuyển Gemadept (GMD) ghi nhận lãi tăng thêm tới 54 tỷ đồng sau kiểm toán. Còn Quốc Cường Gia Lai (QCG), một doanh nghiệp được dự báo có nguy cơ bị hủy niêm yết trong năm 2013 do liên tục thua lỗ trong các quí gần đây, nay cũng đột biến tăng lãi ròng gấp đôi với BCTC đã qua kiểm toán…

Trường hợp PAN – CTCP Xuyên Thái Bình Dương – lại có tình trạng “lãi tiền thật, lỗ sổ sách”. Tức công bố lỗ nhưng trên thực tế là lãi. Nguyên do là trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào Công ty Thủy sản An Giang (AGF), nhưng trên thực tế khi thoái vốn, khoản đầu tư này đã mang lại cho PAN gần 8,2 tỷ đồng lợi nhuận chênh lệch.

Điều gì khiến các doanh nghiệp phải giấu lãi, trong khi xu hướng “xấu che, tốt khoe” vẫn thịnh hành xưa nay? Phải chăng, doanh nghiệp muốn chơi sang, khiến thị trường và các cổ đông bất ngờ… cho vui? Hay còn có mục đích khác?

Cái lí của người cầm đằng chuôi

Lí giải về các con số lãi chênh lệch tăng theo kiểm toán, mỗi doanh nghiệp có một cách khác nhau. Khoản lãi bất ngờ của ITA trong cả lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của công ty mẹ là 12,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế TNDN hợp nhất là 42,8 tỷ đồng đều được doanh nghiệp giải trình chung, ngắn gọn là: “tính lại phần lợi ích thuế TNDN hoãn lại”.

Tương tự, khoản lãi chênh lệch tăng thêm của PVS cũng có nguyên do liên quan đến thuế. Trong khi đó, khoản tăng thêm 54 tỷ đồng của GMD lại đến từ “lợi nhuận khác” với 16 tỷ đồng, giúp doanh nghiệp thoát “án” lỗ 3 tỷ đồng như công bố trước đó. Cùng với đó, chi phí thuế TNDN hoãn lại cũng biến động nhiều khi hoàn nhập 59 tỷ đồng thay vì chi phí 224 triệu đồng. Dù chưa biết “lợi nhuận khác” này cụ thể là gì nhưng ít nhất việc GMD tránh được khoản lỗ như công bố quí IV cũng đã giúp cổ đông thở phào nhẹ nhõm.

Đối với Quốc Cường Gia Lai, lợi nhuận ròng đột biến là do hạch toán lại một số các khoản mục. Trong đó có thêm 123% lợi nhuận trước thuế sau kiểm toán, yếu tố quyết định của QCG chính là hạch toán lại chi phí, bao gồm giảm chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lí và theo đó doanh thu thuần tăng lên.

Rõ ràng doanh nghiệp luôn có lí do của mình, và với những lí do khó bắt bẻ được ấy, chỉ trước và sau kiểm toán trong gang tấc, các con số của doanh nghiệp đều có thể điều chỉnh lên hay xuống chẳng khó khăn gì. Cổ đông hay nhà đầu tư cũng chẳng có căn cứ gì để bắt doanh nghiệp phải “tiền hậu nhất nhất” như ước tính, bởi cái gì chưa qua dấu kiểm toán thì không thể được xem là số liệu sau cùng.

Các động cơ…

Suy cho cùng dù báo lãi khống hay giấu lãi thì doanh nghiệp cũng đều có những động cơ riêng. “Thường các doanh nghiệp sẽ sử dụng một số thủ thuật kế toán để chuyển lãi. Việc sau kiểm toán có lợi nhuận cũng có khả năng là do doanh nghiệp muốn đưa ra những thông tin tươi sáng nhằm giúp giá cổ phiếu tăng để phát hành thêm cổ phiếu huy động vốn trong lúc thị trường tốt. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp không phải đi vay ngân hàng. Ngoài ra, cũng có một số doanh nghiệp cho biết rằng, việc nền kinh tế tốt lên giúp họ bất ngờ thu được những khoản lợi nhuận đột biến hoặc thu được những khoản nợ khó đòi hay khoản phải thu (trước được coi là không thu được), cũng giúp họ cải thiện BCTC của mình”, ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Nghiên cứu Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cho biết.

Đồng quan điểm, Thạc sĩ Ngọc Hoàn, Khoa Tài chính Đại học Mở TP.HCM, nhận xét, đa phần các doanh nghiệp ban đầu giấu bớt lãi để rồi sau đó công bố lãi tăng là đều đã có kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn. Theo lý giải của ông Hoàn, bên cạnh đó, việc hoãn lại ghi nhận lợi nhuận, giảm lãi, giúp thuế thu nhập doanh nghiệp giảm xuống, cũng đồng nghĩa doanh nghiệp có thêm một nguồn tiền mà không phải đi vay, đặc biệt ở thời điểm trước đây khi lãi suất vay còn rất cao. Nay lãi suất vay đã xuống thấp, doanh nghiệp không gặp áp lực về dòng tiền lưu động và vốn vay mới, cũng có thể ghi nhận doanh thu và lợi nhuận từ các khoản đã “gác” lại năm trước, giúp cải thiện hình ảnh trước kì đại hội đồng cổ đông. Lại có trường hợp báo lỗ trước, lãi sau là để tạo cơ hội cho cổ đông là lãnh đạo doanh nghiệp thâu tóm doanh nghiệp.

Trên sàn chứng khoán Hà Nội, hiện đang có một doanh nghiệp thuộc “họ” Sông Đà sẽ bị hủy niêm yết trong tháng 4. BCTC có kiểm toán cho thấy doanh nghiệp tiếp tục lỗ lũy kế 3 năm, riêng năm 2014 lỗ tới 28 tỷ đồng, mà nguyên do là chi phí quản lí tăng gấp 4 lần so với cùng kì 2012, trong khi doanh nghiệp không hề có hoạt động mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh nào. Lẽ dĩ nhiên kiểm toán cũng chẳng có lí do để lưu ý ngoại trừ, còn nhà đầu tư nghe tin doanh nghiệp hủy niêm yết sẽ phải bán cổ phiếu đi.

Với trường hợp PAN, theo chia sẻ của ông Michael Rosen, Tổng giám đốc, PAN đang có sự tham dự của 3 tổ chức nước ngoài. Trong đó TAEL Partners, một quỹ đầu tư từ Singapore, đã rót tới 12,2 triệu USD vào PAN. Nhiều nhà đầu tư nội cũng căn cứ điểm này để đặt nghi vấn: liệu các quỹ có gây áp lực tới kết quả kinh doanh của PAN, theo hướng PAN chủ động hướng tới hủy niêm yết để thực thi kế hoạch tái cơ cấu, dễ dàng tiến hành hoạt động M&A các doanh nghiệp khác với nguồn vốn vừa huy động lên tới 650 tỷ đồng?

Hiện tượng này cho thấy, cơ chế giám sát, quản lí công bố thông tin trên thị trường dường như vẫn đang còn bị xem nhẹ. Còn cổ đông và nhà đầu tư thì vẫn bị các ông chủ doanh nghiệp qua mặt dài dài.

Trung Nhật

admin

Admin Creativa

Nguồn Doanh Nhân Online: https://doanhnhanonline.com.vn/choi-sang-giau-lai/