Cho vay nợ bằng miệng, đòi được không?

Hiện việc vay nợ bằng miệng mà không có giấy tờ chứng minh vẫn diễn ra phổ biến. Dù thân thiết đến đâu, những lời hứa miệng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý, nhất là khi tranh chấp xảy ra.

Bà V (sinh năm 1956), ngụ ấp Sóc Cung, xã Phi Thông, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) cho bà N (sinh năm 1963), ngụ đường Quang Trung, phường Vĩnh Quang (TP. Rạch Giá) vay 145 triệu đồng vào ngày 15-8-2022, trong đó tiền hụi là 45 triệu đồng, vay gốc 70 triệu đồng và tiền lãi 30 triệu đồng. Không có giấy tờ chứng minh, chỉ dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau, bà V nhiều lần yêu cầu bà N trả nợ nhưng không được đáp ứng.

Vụ việc kéo dài đến khi bà V kiện bà N ra tòa án. Tòa án nhân dân TP. Rạch Giá mở phiên tòa sơ thẩm ngày 14-6-2024 xét xử vụ kiện, bà V phải chấp nhận giảm yêu cầu xuống còn trên 22 triệu đồng là số tiền hụi đã đóng 9 lần. Các khoản còn lại không thể chứng minh việc vay nợ.

Một trường hợp khác, ngày 8-8-2022, bà Đ (sinh năm 1970), ngụ đường Phạm Ngọc Thạch, khu phố Mạc Cửu, phường Vĩnh Thanh (TP. Rạch Giá) cho bà T (sinh năm 1971), ngụ đường Quang Trung, phường Vĩnh Quang vay 200 triệu đồng để đáo hạn ngân hàng, với thời hạn vay từ 3 đến 5 ngày. Tuy nhiên, khi đến hạn, bà T không trả đủ tiền vay gốc và lãi.

Tại phiên tòa sơ thẩm mới đây tại Tòa án nhân dân TP. Rạch Giá, bà Đ yêu cầu bà T trả nợ hơn 97,8 triệu đồng là số tiền vay. Tuy nhiên, bà T cho rằng chỉ còn nợ bà Đ 46 triệu đồng nhưng do tin tưởng nhau nên khi trả tiền không có làm biên nhận. Bà T không có gì chứng minh cho lời trình bày về số tiền gốc và lãi đã trả cho bà Đ nên không có cơ sở để tòa án chấp nhận.

Những câu chuyện trên cho thấy rủi ro khi cho vay nợ bằng miệng mà không có giấy tờ chứng minh. Luật sư Đoàn Công Thiện - nguyên Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Kiên Giang cho rằng cho vay nợ bằng miệng cũng là một dạng hợp đồng cho vay bằng miệng, nhưng rủi ro cao, chỉ được xác lập hợp đồng khi hai bên cùng đồng ý là có sự việc vay nợ.

Để tránh những tình huống tương tự, có một số điều cần lưu ý khi cho vay nợ bằng miệng. Trước hết, dù là vay bằng miệng, việc lập văn bản ghi nhớ khoản vay sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của cả hai bên. Văn bản nên ghi rõ số tiền vay, thời hạn vay, lãi suất (nếu có) và chữ ký của các bên liên quan. Bên cạnh đó, các chứng cứ hợp pháp như tin nhắn, email hoặc ghi âm cuộc nói chuyện về việc vay nợ cũng rất quan trọng. Đây là những chứng cứ giúp chứng minh khoản vay trong trường hợp xảy ra tranh chấp.

Tòa án nhân dân TP. Rạch Giá xét xử một vụ án tranh chấp vay tài sản.

Tòa án nhân dân TP. Rạch Giá xét xử một vụ án tranh chấp vay tài sản.

Luật sư Đoàn Công Thiện khuyến cáo: “Khi cho vay nên có người làm chứng để xác nhận giao dịch. Người làm chứng có thể là người thân, bạn bè hoặc người có uy tín trong cộng đồng. Nếu có thỏa thuận về lãi suất nên ghi rõ ràng trong văn bản và tuân thủ theo quy định của pháp luật. Theo Bộ luật Dân sự hiện hành, lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay”.

Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, các bên nên cố gắng giải quyết bằng thương lượng, hòa giải trước khi đưa vụ việc ra tòa án. Nếu không thể hòa giải, cần nộp đơn khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền và chuẩn bị đầy đủ chứng cứ để bảo vệ quyền lợi của mình. Theo Bộ luật Dân sự, hợp đồng vay tài sản được quy định tại Điều 463: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”. Đồng thời, Bộ luật Tố tụng Dân sự cũng có những quy định cụ thể về thủ tục giải quyết tranh chấp.

Theo luật sư Đoàn Công Thiện, việc cho vay nợ bằng miệng tuy đơn giản nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý. Do đó, các bên liên quan cần cân nhắc kỹ lưỡng và thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền lợi của mình để tránh những hậu quả không mong muốn. Những bài học từ các vụ án trên là lời nhắc nhở rằng trong bất kỳ giao dịch tài chính nào, việc có giấy tờ và chứng cứ rõ ràng luôn là điều cần thiết. Việc tuân thủ các quy định của pháp luật không chỉ bảo vệ quyền lợi của bản thân mà còn góp phần vào việc duy trì trật tự, công bằng trong các quan hệ dân sự.

Luật sư Đoàn Công Thiện nhấn mạnh: “Trong bối cảnh pháp lý hiện nay, việc không có giấy tờ chứng minh khoản vay không chỉ gây khó khăn cho việc thu hồi nợ mà còn tạo ra những tranh chấp phức tạp và kéo dài. Do đó, cần hết sức cẩn trọng và nghiêm túc trong việc lập văn bản ghi nhận các khoản vay mượn dù là trong mối quan hệ thân thiết”. Những lời khuyên này không chỉ giúp tránh rủi ro pháp lý mà còn đảm bảo sự minh bạch và công bằng trong các giao dịch tài chính hàng ngày. Hãy cẩn thận trong các giao dịch tài chính để tránh những hệ lụy không mong muốn.

Bài và ảnh: TÂY HỒ

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/ban-doc/cho-vay-no-bang-mieng-doi-duoc-khong-21595.html