Chợ Sài Gòn đẹp đất, đẹp tình

Trong lịch sử hơn 300 năm của Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh, chắc chắn chợ cũng đã hiện diện trên đất này từng đó năm bởi khi một vùng đất có cư dân sinh sống thì ắt có nhu cầu tiêu dùng và nơi trao đổi hàng hóa, cung ứng cho nhu cầu ấy chỉ có thể là chợ từ hồi xa xưa ấy.

Vào những năm cuối thế kỷ 20, nhiều người mạnh miệng bảo “Sài Gòn sẽ nhanh chóng mất dần chợ khi siêu thị, trung tâm thương mại mọc lên liên tục”.

Đến bây giờ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi đi đâu cũng thấy, rồi có cả chợ trên mạng ngập tràn, vậy mà ở Sài Gòn người người vẫn đi chợ mỗi ngày. Chưa kể, người địa phương khác tới, bà con Việt kiều về, khách du lịch nước ngoài đến Sài Gòn cũng thích vô chợ để biết, để nhớ và để yêu đời sống, con người Sài Gòn.

Dấu xưa có làng, có chợ

Theo những ghi chép về lịch sử Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh, vào đầu thế kỷ 17, Bến Nghé - Sài Gòn bắt đầu ghi dấu chân những người Việt đi khai phá. Tuy hoang sơ nhưng vùng đất này đã là đầu mối trao đổi hàng hóa quan trọng khi nằm trên đường thủy giao thương của các thương nhân Việt Nam, Cao Miên (Campuchia) và Xiêm La (Thái Lan).

Năm 1623, chúa Nguyễn lập hai trạm thu thuế, một trạm ở Bến Nghé (trên đất chợ Cầu Kho, quận 1 hiện nay) và một trạm ở Sài Gòn (khu quận 5 ngày nay, khi đó vùng Chợ Lớn gọi là Sài Gòn).

Bản đồ của Trần Văn Học năm 1815 có ghi tên chợ Điều Khiển

Bản đồ của Trần Văn Học năm 1815 có ghi tên chợ Điều Khiển

Sự có mặt của hai đồn thu thuế từ năm 1623, trước khi chúa Nguyễn lệnh cho Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh kinh lý vào Nam (năm 1698) lập các đơn vị hành chính, chính thức xác lập chủ quyền của Đại Việt trên vùng đất mới cho thấy vùng đất này xưa đã là một trung tâm thương mại lớn.

Đâu là chợ đầu tiên trên vùng đất Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn hơn 300 năm trước, chưa tìm được tài liệu lịch sử nào khẳng định, nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu, học giả thì những ngôi chợ được định danh xa xưa nhất và đã từng được nhắc đến nhiều nhất ở Sài Gòn quả là có cách nay gần 300 năm.

Năm 1731, nhà Nguyễn lập "Điều khiển sự sở Gia Định" (còn gọi là Nha Điều Khiển) giữ gìn an ninh trật tự địa phương do ông Trương Phước Vĩnh chỉ huy. Đồn lính gần sở dinh hình thành một chợ của người Việt xưa cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm cho lính và người dân. Tên chợ Điều Khiển được người dân gọi theo sở chỉ huy này.

Đối chiếu những ghi chép của học giả Trương Vĩnh Ký, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu và nhà nghiên cứu Huỳnh Minh thì vị trí chợ Điều Khiển ở giao lộ Nguyễn Trãi - Phạm Ngũ Lão – Cống Quỳnh ngày nay và chợ Thái Bình, quận 1 hiện thời được xây dựng trên phần đất còn lại của chợ Điều Khiển xưa khi phố xá mọc lên theo thời gian lấn dần chợ.

Một chợ cũng được người Việt lập sớm vào thế kỷ 18 là chợ Tân Kiểng (chợ Tân Cảnh), được lập năm 1748, trên đất làng Tân Kiểng (làng Tân Cảnh), gần nơi đình cổ Tân Kiểng.

Khoảng năm 1862, làng Tân Kiểng cùng với hai làng Nhơn Giang và Bình Yên được hợp thành khu Chợ Quán. Tên gọi Chợ Quán được cho là đặt theo đặc điểm chợ Tân Kiểng có nhiều quán xá. Chợ Tân Kiểng này không còn, nhưng đình Tân Kiểng còn tồn tại đến nay.

Địa danh Sài Gòn trên 300 năm trước từng được dùng để chỉ một khu vực có đông người Hoa sinh sống, địa bàn đó tương ứng với khu Chợ Lớn ngày nay. Năm 1680, người Hoa đến khu vực này, năm 1789 "Minh Hương xã" chính thức được lập và người Hoa lập chợ Sài Gòn để trao đổi hàng hóa.

So với chợ Tân Kiểng thì chợ Sài Gòn (khu vực Bưu điện Chợ Lớn ngày nay) lớn hơn nên được người dân gọi là Chợ Lớn. Dần dà hai từ “Chợ Lớn” được dùng để chỉ cả một vùng rộng lớn chung quanh chợ có cư dân sinh sống.

Khi người Pháp phân chia lại địa giới hành chính của Sài Gòn xưa, đã chính thức gắn cách gọi dân gian vào tên địa phương - thành phố Chợ Lớn (năm 1865). Sau nhiều lần chính quyền thay đổi, từ năm 1956, địa danh "Chợ Lớn" chỉ còn được dùng trong dân gian để chỉ toàn khu vực có đông người Hoa sinh sống nhất ở Sài Gòn.

Chợ Bến Thành là biểu tượng của Sài Gòn trước đây và thành phố Hồ Chí Minh hiện nay

Chợ Bến Thành là biểu tượng của Sài Gòn trước đây và thành phố Hồ Chí Minh hiện nay

Một chợ có mặt rất sớm vào thế kỷ 18 và dù không chính thức, nhưng đã trở thành biểu tượng Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh đến nay đó là chợ Bến Thành.

Nói chợ Bến Thành có trên 100 năm tuổi là tính từ năm 1914 khi chợ được khánh thành ở vị trí hiện hữu, còn theo nhiều tài liệu về lịch sử hơn 300 năm Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh thì khi thành Quy (thành Bát Quái) được chúa Nguyễn xây dựng năm 1790, đã có một chợ buôn bán nhộn nhịp bên sông Bến Nghé, ở một bến cận thành Quy, nên được dân chúng thời ấy gọi là chợ Bến Thành. Vị trí chợ xa xưa được cho là vào khoảng từ cột cờ Thủ Ngữ đến đầu đường Nguyễn Huệ hiện nay.

Sài Gòn chợ đầu mối

Sài Gòn khi mới hình thành đã được định hình là chợ, là đầu mối giao thương phía nam Việt Nam và là nơi cập bến của thương nhân nước ngoài.

Trong “Gia Định thành thông chí”, Trịnh Hoài Đức mô tả quang cảnh chợ Bến Thành: “Bến này có đò ngang đón chở khách buôn tàu biển lên bờ. Đầu phía bắc là ngòi Sa Ngư, có bắc cầu ván ngang qua, hai bên nách cầu có phố lợp ngói, tụ tập hàng trăm thứ hàng hóa, dọc bến sông thuyền buôn lớn nhỏ đậu nối liền nhau”.

Thời triều Nguyễn, người xưa đã nhìn thấy vị trí chiến lược về kinh tế - thương mại của Sài Gòn trên vùng đất phương Nam, nên trong bản đồ qui hoạch thành phố vào giữa thế kỷ 19, ngoài đường thủy, đã thấy có 3 con đường thiên lý: đường thiên lý đi Cao Miên; đường thiên lý đi miền Tây; đường thiên lý đi Biên Hòa và ra Huế.

Những con đường này hợp cùng hệ thống đường thủy kết nối từ miền Đông xuống miền Tây làm cho Sài Gòn theo năm tháng đã thật sự trở thành trung tâm tập hợp và phân phối hàng hóa với hàng loạt chợ đầu mối.

Chợ vải Soái Kình Lâm (Thương xá Đồng Khánh, quận 5) bao lần thịnh, suy vẫn là chợ vải đầu mối lớn nhất miền Nam. Nhiều bạn hàng ở tỉnh vẫn thích bổ hàng ở chợ vải Thương xá Đồng Khánh vì gần đó chưa đầy 100 thước là Thương xá Đại Quang Minh – một chợ đầu mối nguyên phụ liệu may mặc. Nói đến đầu mối quần áo may sẵn phải kể chợ Tân Bình, chợ An Đông.

Các chợ Ông Lãnh, Hòa Bình, Sân 50 từng là những chợ cá biển, cá đồng đầu mối ở Sài Gòn. Chợ Phạm Văn Hai, chợ An Lạc từng là những chợ đầu mối thịt heo, thịt bò. Chợ Mai Xuân Thưởng, chợ Cầu Muối từng là chợ rau củ quả đầu mối.

Sự phát triển đô thị, cần bộ mặt đẹp cho trung tâm thành phố và chỉnh trang các khu dân cư, những chợ đầu mối trên được tập trung, sắp xếp lại trong 3 chợ đầu mối mới hình thành cách nay gần 20 năm là chợ Nông sản thực phẩm Hóc Môn, chợ Nông sản thực phẩm Thủ Đức và chợ Bình Điền.

Chợ Bà Hoa rất nhiều món ăn của người miền Trung

Chợ Bà Hoa rất nhiều món ăn của người miền Trung

Hàng thực phẩm khô không đâu nhiều như ở chợ Bình Tây. Còn mua, bán thực phẩm, đặc sản miền Trung thì chợ Bà Hoa được chọn là đầu mối.

Không chỉ có chợ đầu mối cho những sản phẩm ăn, mặc, Sài Gòn còn đủ chợ đầu mối cho nhu cầu tiêu dùng khác. Kiếm tất cả những gì liên quan xe máy thì có chợ Tân Thành. Hàng kim khí đã có chợ Kim Biên, chợ Vật tư quận 5 cung cấp. Hàng mã thì đến chợ Thiếc, muốn tìm gì gửi cho người đã khuất đều có.

Lo cho trang trí nhà cửa tươi đẹp, Sài Gòn có 2 – 3 chợ hoa tươi đầu mối, lớn nhất là chợ hoa Hồ Thị Kỷ. Vào mỗi dịp Tết, cả Sài Gòn là một chợ hoa khổng lồ, đầu mối tiêu thụ hoa kiểng cho rất nhiều vùng miền trên cả nước, từ hoa đào ở miền Bắc, mai kiểng của Bình Định, hoa Sa Đéc, mai kiểng Chợ Lách, Vĩnh Long từ miền Tây…

Chợ “điểm đến” cho du khách

Sài Gòn qua hơn 300 năm thay đổi theo lịch sử, chợ cũng thay đổi, đến giờ còn trên 200 chợ lớn, nhỏ. Hầu hết chợ ở Sài Gòn là nơi buôn bán. Từ khi du lịch phát triển, các chợ Bến Thành, Tân Định, Bình Tây trở thành một trong các điểm “check-in” cho du khách trong nước và nước ngoài khoe “Tôi đã tới Sài Gòn”.

Từ thuở chợ Bến Thành mới được sinh, người ta ấn định trong suy nghĩ đây là chợ dành cho giới thượng lưu, nhà giàu luôn kén chọn, khiến tiểu thương phải có hàng ngon mới bán được. Qua bao thế hệ kinh doanh nối tiếp nhau, nhiều tiểu thương vẫn duy trì truyền thống chọn “hàng nhứt” để bán.

Với uy tín kinh doanh đó của tiểu thương, Việt kiều, khách nước ngoài đến Sài Gòn muốn đi chợ thì thường nghĩ đến chợ Bến Thành để nhìn ngắm một biểu tượng cổ xưa ở thành phố và an tâm mua sắm hàng chất lượng nhất.

“Đi xa cứ nhớ” là tâm trạng của nhiều người từng sinh sống ở quận 1, quận 3 chia sẻ về chợ Tân Định - chợ mang nét kiến trúc thời Pháp thuộc. Gần 100 năm, chợ Tân Định vẫn giữ được kiến trúc cổ xưa trong kết cấu xây dựng, đặc biệt nhà lồng chợ không có cột, thế mà mái chợ vẫn vững chãi bảo bọc cho tiểu thương buôn bán.

Con đường Mã Lộ phía sau chợ đúng với nghĩa “đường cho ngựa”, người dân và tiểu thương lớn tuổi ở chợ Tân Định nhớ đó là nơi xe ngựa vận chuyển hàng hóa vào chợ cách nay 50 – 60 năm.

Chợ Tân Định xưa cũng được xếp cùng hàng “chợ nhà giàu” như chợ Bến Thành bởi những khu dân cư chung quanh chợ rất nhiều gia đình văn nghệ sĩ, bác sĩ, luật sư, giáo sư, thương gia… sinh sống, chưa kể người khá giả ở mấy nơi khác cũng đi chợ này. Ngoài bán thực phẩm ngon có tiếng thì chợ Tân Định là nơi để mua vải vóc, quần áo, giày dép cập nhật mốt nhanh nhất.

Có một thời, người dân gọi chợ Tân Định là “chợ vải” bởi người bán vải không chỉ trong nhà lồng chợ, mà còn dày dặc trong các nhà trên phố dọc theo đường Hai Bà Trưng.

Chợ Bình Tây tọa lạc trong khu vực gọi là Chợ Lớn nên bản thân nó cũng thường được gọi không chính thức là Chợ Lớn.

Chợ Bình Tây tọa lạc trong khu vực gọi là Chợ Lớn nên bản thân nó cũng thường được gọi không chính thức là Chợ Lớn.

Thượng thọ trên 90 năm, chợ Bình Tây cũng là một trong những ngôi chợ lớn và lâu đời của thành phố, được xây dựng theo kỹ thuật của phương Tây nhưng đậm nét kiến trúc của người Hoa, thêm những nét hoa văn, họa tiết theo phong cách nghệ thuật Chăm, được đánh giá là một trong những ngôi chợ đẹp nhất TP. Hồ Chí Minh, được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2017.

Từ khi hình thành, chợ Bình Tây đã giữ vai trò đầu mối bán buôn khắp trong nước và sang các nước láng giềng Campuchia, Lào cho đến nay. Nhiều năm qua, chợ còn được khách du lịch quốc tế đến tham quan thường xuyên bởi vẻ đẹp kiến trúc cổ xưa.

Tuy là chợ chuyên bán sỉ, nhưng tiểu thương cũng chiều lòng khách du lịch, sẵn sàng bán lẻ từng chiếc nón vải, nón lá, quạt xếp, quạt nan, túi xách, ba lô, vải... cho khách nước ngoài như một cách cho khách lưu giữ kỷ niệm ở khu Chợ Lớn của Sài Gòn ngày nay.

Tiểu thương xuất khẩu hàng Việt

Chợ Bến Thành xuất hiện ngày càng nhiều trên những bức ảnh du khách nước ngoài chia sẻ trên các trang mạng. Đối với tiểu thương trong chợ, không cần một chỉ dẫn địa lý bằng chữ nào, chỉ hình ngôi chợ Bến Thành trên bảng hiệu, trên danh thiếp hay trên bao bì là đủ để “cầu chứng” cho hàng hóa trong chợ và họ luôn ý thức phải bảo vệ uy tín “thương hiệu tập thể” đó.

Hầu như ngành hàng nào trong chợ cũng bán được cho người nước ngoài. Có một điều đặc biệt ở chợ Bến Thành trong hơn 10 năm gần đây là tiểu thương có khuynh hướng chọn hàng Việt Nam bán. Họ giới thiệu với Việt kiều hay du khách nước ngoài một cách đầy tự hào rằng hàng Việt Nam “hạng nhứt”, “number one”.

Tiếp xúc với khách nhiều quốc tịch, tiểu thương đúc kết được thị hiếu khác nhau của khách. Các cô gái Nhật, Hàn Quốc mê túi xách, ví, giày dép thêu hoa, kết cườm. Theo họ thì mẫu mã, đường thêu của thợ Việt Nam khéo hơn những nơi khác. Du khách châu Âu, Nhật rất thích áo dài Việt Nam, mua áo mặc ngay đi dạo phố chụp hình.

Vào chợ Bến Thành thấy vải vóc ở đây nhiều, đẹp, khách hỏi đặt may. Tiểu thương không bỏ qua cơ hội và dịch vụ “may trong một ngày” ở chợ Bến Thành đã phát triển mạnh. Giờ nhiều hàng vải treo bảng “Make suits in one day” để tiếp thị, khách khỏi mất công hỏi như trước đây.

Mỗi gian hàng vải có thợ may riêng, may từ bộ vest, quần tây, áo dài, cho đến áo đầm, áo kiểu nữ, áo thời trang nam và cả trang phục truyền thống của người Hồi giáo.

Hàng thủ công mỹ nghệ thu hút khách mọi quốc tịch tìm mua hàng lưu niệm. Mặt hàng phát triển mạnh nhờ khách nước ngoài nữa là cà phê. Khẩu vị thưởng thức cà phê của người các nước khác nhau, nhưng cứ vào chợ Bến Thành, được tiểu thương cho thử ly cà phê pha phin nóng hổi, thì ai cũng mua về uống, riết rồi quen “gu” cà phê Việt Nam.

Có tiểu thương tìm tòi một số công thức cà phê rang xay châu Âu, châu Á để cà phê có hương vị đáp ứng những khách khó thay đổi “gu”. Nhờ hương vị đúng ý, khách nước ngoài đã nhớ đến cà phê ở chợ Bến Thành.

Tiểu thương ở khu bán trái cây lắm lúc không có thời gian nói chuyện vì mãi lo đóng thùng trái cây cho khách. Khách Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông đóng thùng thanh long, vú sữa; khách Malaysia rất thích sapôchê Việt Nam; khách Hàn Quốc, Nhật thì mê mẫn xoài cát Hòa Lộc.

Chợ Nga là khu chợ 2 tầng tấp nập bán quần áo mùa đông, món ăn và đồ thủ công của Nga

Chợ Nga là khu chợ 2 tầng tấp nập bán quần áo mùa đông, món ăn và đồ thủ công của Nga

So với những chợ có tuổi đời trên và gần trăm năm, chợ Nga trẻ hơn rất nhiều, chỉ mới 12 tuổi vào năm 2021. Chợ Nga không nổi bật về hình thức bên ngoài khi nằm trong tòa nhà Central Garden (trên đường Võ Văn Kiệt, quận 1). Tuy vậy, cái tên chợ Nga đã khiến du khách trong nước lẫn nước ngoài tò mò.

Những ai đã đến Thương xá Tax (đường Nguyễn Huệ, quận 1) vào những năm 1990 - 2000 chắc chắn từng thấy không khí nhộn nhịp đóng hàng may mặc, giày dép Việt Nam xuất đi Liên Xô cũ và các nước Đông Âu.

Khi có chợ Nga, các tiểu thương về bán buôn hàng thời trang xứ lạnh quy tụ về đây để thuận lợi cho nhu cầu trao đổi hàng hóa. Trong chợ, nhiều gian hàng thời trang Việt Nam treo biển hiệu có tiếng Nga, ngay lối thang cuốn có các bảng quảng cáo vận tải hàng hóa chứng tỏ có nhiều thương nhân đóng hàng ở chợ đi Nga và các nước châu Âu.

Chợ Nga đã trở thành “trung tâm mua sắm đồ ấm” không chỉ của du khách nước ngoài, mà người trong nước chuẩn bị đi du lịch ở những xứ lạnh cũng đến đây sắm những áo khoác da, áo lông vũ, bành tô, giày, khăn choàng, nón ấm… trông sang không kém mua hàng ở nước ngoài.

Sức sống chợ đêm thời trang ở Sài Gòn

Họp chợ bán lẻ về đêm đã xuất hiện nhiều nơi ở Sài Gòn. Chợ về đêm kỳ cựu ở Sài Gòn là chợ Minh Phụng (quận 6), phục vụ người lao động ở quận 5, quận 11 và vùng Phú Lâm, Cây Da Xà từ thuở chưa có siêu thị Co.opmart Phú Lâm, Co.opmart Hậu Giang. Trước đây người dân gọi chợ đêm Minh Phụng là chợ kẹp tóc vì các quầy kẹp nằm ở mặt tiền chợ, bán lẻ lẫn bán sỉ.

Dần dà, người đi chợ đêm Minh Phụng mua quần áo, giày dép, túi xách nhiều hơn, nên những hàng kẹp tóc, trang sức xi mạ chỉ còn chưa đến chục gian bên hông chợ, nhường mặt tiền cho hàng quần áo, giày dép, túi xách.

Chợ đêm bán lẻ lâu năm nhộn nhịp là lâu năm nhất ở quận Bình Thạnh nhóm họp ngay chính chợ Bà Chiểu – một trong những chợ có sức mua lớn của Sài Gòn. Thuở trước, chỉ có những tiểu thương hàng hoa, trái cây, bánh ngọt và một số người bày rau củ quả nhỏ bán về đêm.

Cách nay khoảng 15 năm, những người kinh doanh quần áo cũ tập trung về chợ Bà Chiểu bán từ chiều đến gần nửa đêm. Nói là quần áo cũ, nhưng có nhiều kiểu đẹp, lạ nên thu hút rất đông người mua.

Nhiều người thấy không gian trước chợ rộng rãi cũng kéo đến bán quần áo mới, hình thành một chợ đêm thời trang chiếm hết cả mặt tiền chợ, kéo dài đến gần Lăng Ông, đường Bùi Hữu Nghĩa.

Chợ đêm Hạnh Thông Tây nằm ở quận Gò Vấp, được coi là thiên đường mua sắm của giới trẻ Sài Thành

Chợ đêm Hạnh Thông Tây nằm ở quận Gò Vấp, được coi là thiên đường mua sắm của giới trẻ Sài Thành

Còn nhớ năm 2002, chợ Hạnh Thông Tây mới được xây dựng trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp) thay thế cho chợ cũ cách đó chỉ độ một cây số, tiểu thương chợ cũ theo về chợ mới bán.

Chợ mới xây rộng rãi có bãi đậu ô tô, có đường xe chạy chung quanh, thuận tiện cho khách hàng đi mua sắm, nhưng sau khánh thành một năm, chỉ có những tiểu thương hàng thực phẩm tươi sống bán được.

Ban quản lý chợ xin chính quyền địa phương cho tổ chức chợ ẩm thực ban đêm để thu hút sự chú ý đến chợ Hạnh Thông Tây mới. Quả thật, chợ đêm ẩm thực này thu hút khách. Tiểu thương các ngành hàng rau củ quả, trái cây và cả hàng quần áo, giày dép, đồ chơi thấy có khách đến chợ đêm nên nán lại bán thêm buổi tối.

Nào ngờ, chợ đêm vô tình đáp ứng được thời gian cho công nhân làm việc ở các nhà máy trong quận Gò Vấp, sinh viên học ở trường Đại học Công nghiệp, những người ban ngày không thể thong thả mua sắm. Thế là một số người bán hàng quần áo, giày dép, phụ kiện thời trang kéo đến thuê chỗ hai bên chợ bán về đêm ngày càng đông.

Chỉ sau khoảng 5 năm, hàng thời trang đẩy lùi hàng rau củ quả, trái cây, ẩm thực, hình thành một chợ đêm thời trang bình dân thật lớn.

Một khu vực khác đông công nhân và sinh viên hơn cả Gò Vấp đó là quận Thủ Đức. Chợ Thủ Đức tuy có một số gian hàng bán vào từ sáng đến khoảng 9 giờ tối nhưng không hình thành một chợ đêm.

Chợ đêm Từ Đức là nơi mua bán hàng thời trang đẹp, giá rẻ thu hút sinh viên cũng như giới trẻ

Chợ đêm Từ Đức là nơi mua bán hàng thời trang đẹp, giá rẻ thu hút sinh viên cũng như giới trẻ

Còn chợ Từ Đức (mới được đổi tên, trước đó là chợ Bắc Ninh) trên đường Nguyễn Bá Luật từ một chợ nhỏ chỉ người dân ở những khu phố quanh đó biết, gần 10 năm qua bổng nổi tiếng với chợ đêm.

Từ chưa đầy 20 người bán quần áo, giày dép đổ đống bán mỗi tuần vào ba tối cuối tuần ở đầu đường Nguyễn Bá Luật, giờ chợ đêm này kéo dài hết hơn một cây số đường với hàng trăm người bán mỗi tối, 95% là hàng thời trang.

Chợ đêm Hạnh Thông Tây và chợ đêm Từ Đức đã qua mặt chợ đêm Minh Phụng và chợ đêm Bà Chiểu về số người bán và sức mua, được xem là hai chợ đêm thời trang bình dân lớn nhất hiện nay ở Sài Gòn.

Đi chợ Sài Gòn hiểu đất, hiểu người

Vùng Chợ Lớn của Sài Gòn tập trung hầu hết chợ đầu mối hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhưng không thiếu đi những nét văn hóa riêng. Mỗi ngày kinh doanh, tiểu thương chợ Bình Tây luôn thắp một nén nhang tưởng nhớ vị thương gia Quách Đàm, người đã xây nên ngôi chợ này. Họ cầu ông trông coi cho việc kinh doanh của chợ ngày một phát đạt.

Tiểu thương ở chợ Kim Biên thì “đề cử” Cô Ba – người phụ nữ có hình trên những sản phẩm nhãn hiệu cầu chứng của hãng hóa phẩm Trương Văn Bền làm thổ thần hộ mệnh cho chợ.

Điều này khiến người ta tìm hiểu về lai lịch của hãng Trương Văn Bền và mặc dù nay tên hãng không còn nhưng xà bông Cô Ba vẫn được sản xuất và người tiêu dùng thích hương xả đặc trưng vẫn tìm mua.

Chợ Thiếc vừa là một trong những trung tâm kim hoàn lớn của Sài Gòn, vừa là đầu mối tiêu thụ hàng mã lớn nhất. Nó làm cho người ta dễ nghĩ đến hai thái cực trong đời sống con người dưới góc nhìn lạc quan: khi sống có dư cứ mua sắm vàng bạc, chết đi vẫn được lo cho nhà lầu, xe hơi, tiền, vàng, đôla xài thoải mái, thậm chí được cho tiếp cận cả những phương tiện hiện đại như điện thoại di động, máy tính bảng để liên lạc.

Cùng ở quận 11, đến chợ Phú Thọ, khách sẽ hình dung hết tập quán ăn uống của người Việt gốc Hoa cư ngụ tại địa phương và thấy thú vị với những loại thực phẩm mà chỉ ở đây mới có, như: địa sâm, củ thiềng liềng, lá củ kỷ, lá ớt, dưa leo vàng, chân vịt quay…

Hóa ra cư dân ở đây tuy không nhiều người khá giả nhưng họ coi trọng sức khỏe qua việc ăn uống tẩm bổ nên tiểu thương cũng phải theo, bán toàn đồ bổ dưỡng.

Những chợ đêm hầu như phục vụ thị dân nghèo và người nhập cư. Chợ họp mỗi tối nhưng đông nhất là vào ngày đầu tháng và giữa tháng khi công nhân lĩnh lương xong đi mua sắm. Người nghèo sắm Tết muộn, nên những chợ đêm mua sắm bình dân này họp đến tận sang giao thừa rồi mà vẫn còn mua bán.

Chợ Bà Điểm có quy mô khá nhỏ nhưng cũng là một điểm mua sắm độc đáo

Chợ Bà Điểm có quy mô khá nhỏ nhưng cũng là một điểm mua sắm độc đáo

Từ khi thuật ngữ “kinh tế thị trường” được đề cập, ta cũng nghe nhiều đến từ “cạnh tranh”. Đã ra kinh doanh sao tránh được chuyện cạnh tranh. Thế nhưng, trong sự tính toán để thu hút khách hàng cho riêng mình, tiểu thương nhiều chợ ở Sài Gòn vẫn ý thức giữ gìn quan hệ cộng đồng tốt đẹp.

Mấy dì tiểu thương trụ 30 – 40 năm ở chợ Nguyễn Văn Trỗi tâm sự: “Hồi trước, người bán ít, người mua nhiều. Sáng ra, chưa ai mở hàng, trả giá lơ mơ là bị mắng, đốt vía đuổi liền. Còn bây giờ tiểu thương già, trẻ gì cũng phải biết ngọt ngào, học cư xử văn minh để thu hút khách vào chợ”.

Hỏi đến văn hóa chợ, tiểu thương có thể không biết định nghĩa nhưng việc tốt họ làm thường xuyên đã hình thành “nét văn hóa chợ”. Ngày thợ may cúng tổ, tiểu thương chợ nguyên phụ liệu Đại Quang Minh, chợ vải Soái Kình Lâm cũng hướng tâm nguyện cho thợ may có khách thì chợ đắt hàng. Chợ Thiếc vào ngày giỗ tổ ngành kim hoàn, các gian hàng vàng bạc đều cúng kiến tổ phù hộ cho dân chúng làm ăn khấm khá mới có dư sắm vàng.

Không nơi đâu ở Việt Nam nhiều chợ đầu mối như Sài Gòn, tiêu thụ hàng hóa nhiều nhất cho các vùng sản xuất ở các địa phương khác mà chưa có hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại nào gánh nổi. Vậy nên, người trồng hoa ở Đà Lạt, người trồng rau, trái cây ở miền Tây Nam bộ cho dù chưa một lần đi Sài Gòn, cũng thấy cuộc sống của họ gắn bó với những chợ ở Sài Gòn.

Cuộc sống hiện đại, chỉ còn rất ít cụ già ăn trầu, nhưng Sài Gòn vẫn còn hai chợ trầu cau đầu mối ở chợ Bà Điểm và gần bến xe Chợ Lớn. Tiểu thương nói: “Người Sài Gòn văn minh vẫn giữ truyền thống văn hóa cưới hỏi của cha ông mình. Sính lễ mà thiếu trầu cau thì chưa đủ lễ”.

Chợ chưa bao giờ vắng bóng và sẽ không là quá khứ, vẫn đóng vai trò chính để Sài Gòn giữ vị thế là chợ lớn nhất Việt Nam. Sài Gòn mãi chợ! Tôi và nhiều người tin như thế.

Các Ngọc

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/cho-sai-gon-dep-dat-dep-tinh-1609936237545.htm