Chợ Mới: 10ha cây hồi bị nhiễm bệnh thán thư

UBND huyện Chợ Mới cho biết, do thời tiết nắng mưa xen kẽ, trời âm u, đêm nhiều sương mù... nên bệnh thán thư phát triển mạnh trên cây hồi tại một số xã.

Cây hồi tại xã Bình Văn bị nhiễm bệnh thán thư.

Huyện Chợ Mới có 03 xã Bình Văn, Yên Hân, Yên Cư trồng hồi với tổng diện tích 786,5ha, trong đó 639ha đã cho thu hoạch. Tại xã Bình Văn diện tích hồi bị nhiễm nhẹ 3ha, nhiễm trung bình 1ha, nhiễm nặng 2ha; xã Yên Cư nhiễm nhẹ 2ha, nhiễm trung bình 0,5ha; xã Yên Hân nhiễm nhẹ 1ha, nhiễm trung bình 0,5ha.

Người dân xã Bình Văn (Chợ Mới) thu hoạch hoa hồi.

Huyện đã chỉ đạo các xã tăng cường tuyên truyền, phối hợp tập huấn cho Nhân dân về cách phòng trừ bệnh thán thư trên cây hồi, như: Vệ sinh đồi trồng, tiêu hủy những cành, lá bị bệnh rụng xuống để tránh nguồn bệnh lây lan ra diện rộng. Những diện tích cây hồi mới trồng, cây tuổi nhỏ thì sử dụng các loại máy phun thuốc trừ sâu đeo vai để phun trừ bệnh ngay khi phát hiện có vết bệnh gây hại. Đối với diện tích hồi trồng lâu năm, cây cao: Sử dụng các loại máy phun động cơ hoặc máy phun thuốc trừ sâu dạng khói để phun phòng, trừ bệnh. Phun các loại thuốc như: Revus Opti 440SC, Cabrio Top 600WG, Ridomil Gold 68WG, Score 250EC... phun nhắc lần 2 cách 5-7 ngày./.

Bệnh thán thư có thể gây hại trên các bộ phận từ lá, cành, chồi non, quả non của cây trồng. Trên bộ phận bị bệnh của cây xuất hiện các vết đốm lớn màu nâu sẫm, có viền nâu đỏ, vết đốm sẽ lan rộng và có thể tạo ra vết hoại tử. Đối với các vết bệnh trên lá, khi nhìn mặt dưới có thể thấy xuất hiện lấm tấm bào tử màu đen. Bệnh thường lây truyền nhờ nước hoặc gió, xuất hiện vào mùa mưa ẩm.

Bích Ngọc

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/cho-moi-10ha-cay-hoi-bi-nhiem-benh-than-thu-post56529.html