Chờ 'lực đẩy' thoái vốn

Bộ Kế hoạch và Ðầu tư vừa trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 1232/2017/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp (DN) có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020.

Ðộng thái này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiến trình thoái vốn đang bị ách tắc, có nguy cơ không hoàn thành tiến độ đề ra.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2017 - 2020, có 314 DN phải thoái vốn với số tiền thu về khoảng 60 nghìn tỷ đồng. Ðây là nguồn vốn quan trọng cho ngân sách nhà nước phục vụ mục tiêu đầu tư trung và dài hạn. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2019, cả nước mới có 92 DN thoái vốn với giá trị theo sổ sách hơn 4.700 tỷ đồng, thu về 8.964 tỷ đồng, chỉ đạt gần 8% kế hoạch. Trên cơ sở kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương và DN, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đề xuất Thủ tướng sửa đổi, bổ sung quyết định nêu trên; trong đó điều chỉnh một số nội dung như đề nghị giảm tỷ lệ thoái vốn để tăng tỷ lệ vốn nhà nước cần nắm giữ tại một số DN; không thoái vốn để giữ toàn bộ vốn nhà nước tại một số DN hoạt động trong lĩnh vực công ích hoặc DN có vướng mắc về xử lý tài chính, về đất đai.

Ðồng thời, đề nghị được sắp xếp riêng theo chỉ đạo của Thủ tướng đối với một số DN khác vì có quy mô lớn, đặc thù trong hoạt động, hoặc không đủ điều kiện chuyển giao về Tổng công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC),... Trong danh sách đề xuất điều chỉnh tỷ lệ thoái vốn có những tên tuổi lớn như Tổng công ty Dược Việt Nam, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam,...

Cùng với cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN là một trong những giải pháp trọng tâm của đề án cơ cấu lại DN nhà nước nhưng cả hai nhiệm vụ này đều đang thực hiện rất ì ạch. Việc chậm thoái vốn kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của chính DN, thậm chí có thể làm "đứt mạch" hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với những DN có nhu cầu đầu tư mà chưa thoái được vốn. Không những thế, hệ lụy của việc chậm thoái vốn còn khiến Nhà nước phải duy trì cổ phần tại DN không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ, làm cho việc phân bổ nguồn lực nhà nước kém hiệu quả.

Áp lực thoái vốn đang dồn cả vào năm 2020 do đây là năm cuối cùng của kế hoạch. Việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 1232/2017/QÐ-TTg được kỳ vọng sẽ mở lối cho tiến trình thoái vốn đang bị ách tắc, tuy nhiên, để quá trình này diễn ra đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng, không gây thất thoát tài sản nhà nước, cần có sự phối hợp đồng bộ và ý thức trách nhiệm của các bên liên quan. Bởi nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng kể trên đã được nhận diện không chỉ ở những bất cập trong cơ chế, chính sách mà còn do sự thiếu quyết liệt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương và bản thân lãnh đạo DN.

BÍCH NGÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/43449802-cho-luc-day-thoai-von.html