Chợ huyện gần 40 tỷ đồng, chỉ 3 tiểu thương bám trụ

Mặc dù được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang thuận tiện nhưng chợ huyện Pơng Drang (Krông Búk, Đắk Lắk) chỉ có 3 tiểu thương bám trụ. Trong khi chợ cũ gần đó lẽ ra phải đóng cửa nhưng thất bại.

Chợ mới hạ tầng đồng bộ vẫn vắng hoe

Chợ Pơng Drang (thị trấn Pơng Drang, huyện Krông Búk) được UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định chủ trương đầu tư theo văn bản số 2764/QĐ-UBND ngày 4/10/2017. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và kinh doanh chợ HTC.

Chợ Pơng Drang nằm ngay trung tâm thị trấn huyện Krông Búk, cạnh Quốc lộ 14 nên rất thuận tiện cho hoạt động giao thương buôn bán. Đây là chợ hạng II, được xây dựng trên tổng diện tích hơn 8.814 với tổng mức đầu tư 37,5 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm.

Chợ huyện có 312 điểm kinh doanh, trong đó nhà chợ chính có 140 vị trí, diện tích xây dựng 1.810m2; nhà chợ bán hàng tươi sống 76 vị trí, diện tích 830m2; có 7 dãy kiốt bán hàng xung quanh chợ với 96 kiốt; sân bán hàng ngoài trời có diện tích 510,5m2.

Chợ Pơng Drang được đầu tư đồng bộ hạ tầng (Ảnh: Trần Hoàn).

Ngoài khu vực kinh doanh buôn bán còn có Văn phòng Ban quản lý chợ, nhà đặt máy bơm PCCC, nhà đặt máy phát điện, khu xử lý nước thải, hệ thống vỉa hè, cây xanh, sân đường nội bộ, bãi để xe và hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Việc xây dựng chợ Pơng Drang nhằm mục đích ổn định và phát triển thương mại, dịch vụ của trung tâm huyện Krông Búk. Chợ có hạ tầng hoàn chỉnh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân trong khu vực; góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho các hộ tiểu thương.

Do đó, dù được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang, thuận tiện nhưng chợ Pơng Drang hiện chỉ có 3 tiểu thương bám trụ.

Trong khu vực bố trí 140 gian hàng, chỉ có duy nhất một tiệm may vá hoạt động. Chị L.T.H. (41 tuổi) cho biết, do chợ không hoạt động nên ít người biết đến, chủ yếu là khách quen. Cũng vì chợ không họp nên chị không dám mua sắm đồ để bán mà chỉ sửa quần áo. Ngày nhiều kiếm được trên trăm bạc, ngày ít được vài chục, cũng có ngày ngồi không.

Khu nhà chợ chính có 140 kiốt nhưng chỉ có vài tiểu thương bám trụ (Ảnh: Trần Hoàn).

Chị H. cho hay, những tưởng chợ trung tâm của huyện sẽ sầm uất nên đã mua kiốt với giá gần 170 triệu đồng, giờ mỗi tháng chỉ thu được trên 2 triệu đồng, không biết đến bao giờ mới lấy lại vốn.

Bà B.T.T. (62 tuổi) cũng không khấm khá gì hơn. Bà mở cửa hàng thuốc tây với mong muốn có thu nhập ổn định. Nào ngờ, chợ không họp, thuốc không bán được, hết hạn phải tiêu hủy mất gần 30 triệu đồng.

Không thể đóng cửa chợ cũ: Huyện 'đá' xuống, xã đẩy lên

Tháng 9/2021, chợ Pơng Drang hoàn thành và đi vào hoạt động, các kiốt trong chợ hầu hết đã có chủ. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, các tiểu thương lần lượt rời bỏ chợ mới, trở về họp tại chợ cũ. Từ đó đến nay, huyện Krông Búk nhiều lần ban hành kế hoạch đóng cửa chợ, chính quyền địa phương cũng nhiều lần ra quân giải tỏa nhưng đều thất bại.

Theo báo cáo của UBND huyện Krông Búk, chợ Pơng Drang không có ban quản lý, chưa có các công trình hạ tầng thiết yếu như hệ thống thống PCCC, hệ thống thu gom, xử lý nước thải, rác thải, không có bãi để xe; các quầy sạp, kiốt trong chợ đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Đặc biệt, chợ này không đủ diện tích và không nằm trong quy hoạch xây dựng đô thị Pơng Drang.

“Chợ cũ không đáp ứng được các điều kiện, yêu cầu cần thiết để đảm bảo an toàn cho các hộ tiểu thương, cho khách hàng. Do đó, không đủ các điều kiện để tiếp tục hoạt động.

Sau khi mua kiốt, nhiều tiểu thương đã đầu tư lắp đặt thiết bị, nâng cấp tiện nghi nhưng rồi cũng phải đóng cửa (Ảnh: Trần Hoàn).

Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Phan Hoàng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Búk, cho biết, huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thị trấn Pơng Drang giải tỏa các chợ tự phát, các tụ điểm kinh doanh buôn bán không đúng quy hoạch, không đúng quy định tại thị trấn.

Ông Phan Hoàng Lâm cho rằng, theo phân cấp chức năng, nhiệm vụ thì trách nhiệm giải tỏa các chợ tự phát, đóng cửa chợ cũ thuộc về chính quyền thị trấn Pơng Drang, huyện không thể làm thay.

“Theo kế hoạch, ngày 6/12, chính quyền thị trấn phải ra quân giải quyết, nếu không huyện sẽ tổ chức họp và đề xuất phương án xử lý”, ông Lâm nói. Ngày 7/12, UBND huyện tiếp tục có công văn hỏa tốc yêu cầu UBND thị trấn Pơng Drang nghiêm túc, khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao và báo cáo về huyện để theo dõi, chỉ đạo.

Còn ông Lục Duy Phương, Chủ tịch UBND thị trấn Pơng Drang, lại khẳng định, chính quyền địa phương đã 6 lần ra quân giải tỏa các chợ tự phát, các tụ điểm kinh doanh buôn bán không đúng quy định. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng có mặt thì người dân đưa hàng hóa vào nhà, lực lượng rời đi thì họ lại mang ra bày bán.

Theo ông Phương, cần có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cơ quan, ban ngành bởi việc người dân dừng đỗ phương tiện trên đường thì chính quyền địa phương không có thẩm quyền xử phạt.

Còn về chợ cũ, ông Phương thông tin, nhiều lần huyện yêu cầu thị trấn đóng cửa nhưng thị trấn không có cơ sở để thực hiện vì chưa giải quyết xong việc đền bù cho người dân.

Tại văn bản thông báo kết luận ngày 3/11 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để chợ Pơng Drang mới đi vào hoạt động, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị yêu cầu huyện Krông Búk khẩn trương tính toán, xây dựng phương án di dời theo lộ trình, thời gian phù hợp; đối với các hộ tiểu thương không đồng thuận vào chợ mới thì thực hiện phương án cưỡng chế theo quy định. Tuy nhiên, huyện Krông Búk lại triển khai một cách thiếu quyết liệt, kém hiệu quả.

Trần Hoàn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cho-huyen-gan-40-ty-dong-chi-3-tieu-thuong-bam-tru-2223470.html