Chính sách đặc thù nào để quy hoạch Hà Nội phát triển chùm đô thị vệ tinh?

Hơn một thập kỷ qua, Hà Nội luôn xác định phát triển chùm đô thị vệ tinh. Với Hà Nội, đây là mô hình phù hợp với thực tiễn phát triển Thủ đô hiện tại và tương lai. Áp dụng mô hình này, TP sẽ có thêm một số cực tăng trưởng về công nghiệp, giáo dục, dịch vụ thương mại, văn hóa, thể dục - thể thao... giảm áp lực vào đô thị trung tâm, nhất là về môi trường, kết cấu hạ tầng. Liên quan đến quy hoạch chùm đô thị vệ tinh, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam về những bài học, và định hướng cho tương lai của các đô thị này.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.

Phóng viên: Thưa ông, qua nhiều lần lập và điều chỉnh quy hoạch Thủ đô, Hà Nội đều xác định sẽ phát triển chùm đô thị vệ tinh. Là một người tham gia tư vấn vào các quy hoạch của Hà Nội, xin ông cho biết cụ thể về định hướng phát triển cũng như ý nghĩa các đô thị vệ tinh này.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Hà Nội đã 4 lần mở rộng địa giới, mỗi lần mở rộng đều xem xét mô hình cơ cấu đô thị như thế nào. Vì đây là một vấn đề rất quan trọng. Ví dụ như là năm 1992, chúng ta định hướng phát triển Hà Nội chủ yếu ở phía Nam sông Hồng, nhưng đến năm 1998, Hà Nội đặt ra phát triển là cả hai bên sông Hồng và quận Long Biên là quận tiên phong, quận đầu tiên trong lịch sử phát triển Hà Nội đô thị trung tâm vượt sông Hồng sang phía Đông. Đến năm 2008, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, diện tích lên đến 3344km2, gấp 3,6 lần so với trước đây. Cùng với việc mở rộng địa giới hành chính, dân số cũng có những biến động tăng theo. Hà Nội lại được Trung ương giao định hướng là trung tâm phát triển, động lực phát triển vùng.

Chính vì vậy, phải chọn cơ cấu mô hình đô thị thế nào cho thích hợp với định hướng này. Quy hoạch năm 2011 đã xác định Thủ đô là mô hình chùm đô thị gồm đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn. Đây là mô hình phù hợp với thực tiễn Hà Nội, dựa trên kinh nghiệm phát triển London (Anh), Paris (Pháp), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc)... và sự sáng tạo của Việt Nam.

Hà Nội cuối cùng đã lựa chọn phát triển theo cấu trúc chùm đô thị, có đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh, 21 thị trấn sinh thái. Mô hình đô thị vệ tinh của Hà Nội kế thừa mô hình của các nước, giảm áp lực ở trung tâm, tạo ra đa cực phát triển. Đồng thời, tạo thuận lợi cho khởi nghiệp sáng tạo mới, phù hợp cơ cấu dân số tương lai của Hà Nội.

Gần đây nhất, Nghị quyết số 15/NQ-TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: "Tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới, từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh...".

Để thực hiện định hướng này cần thống nhất nhận thức và lộ trình phù hợp. Với Hà Nội, đây là mô hình phù hợp với thực tiễn phát triển Thủ đô hiện tại và tương lai. Áp dụng mô hình này, TP có thêm một số cực tăng trưởng về công nghiệp, giáo dục, dịch vụ thương mại, văn hóa, thể dục - thể thao... giảm áp lực vào đô thị trung tâm, nhất là về môi trường, kết cấu hạ tầng. Các đô thị vệ tinh có liên kết với trung tâm, song có chức năng hoạt động độc lập, kết nối yếu tố tự nhiên và giữ gìn văn hóa truyền thống, tạo nên không gian xanh, không gian sinh thái. Nhìn xa hơn nữa, đô thị vệ tinh còn là các khu vực tạo thuận lợi cho khởi nghiệp, sáng tạo, thích ứng với giai đoạn dân số vàng và cả dân số già hóa. Theo đồ án quy hoạch 5 đô thị vệ tinh gồm: Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn với tổng diện tích gần 25.000ha. Theo đó, đô thị vệ tinh có mục tiêu: kéo giãn dân cư, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; phát triển hài hòa giữa khu vực trọng tâm và vùng ngoại thành... tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, đổi mới cơ cấu đầu tư, thúc đẩy vai trò liên kết của Hà Nội với các tỉnh trong khu vực.

Phối cảnh bản đồ quy hoạch đô thị Hòa Lạc đến 2030.

Phối cảnh bản đồ quy hoạch đô thị Hòa Lạc đến 2030.

Phóng viên: Như ông đã nhận định, phát triển chùm đô thị vệ tinh là định hướng đúng đắn của Hà Nội, là sự kế thừa bài học kinh nghiệm của các nước có chọn lọc phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, dường như chúng ta chưa thành công trong việc phát triển tạo ra chùm đô thị vệ tinh. Ông có nhận xét gì về vấn đề này?

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Đúng là đã hơn chục năm trôi qua, kết quả mô hình chùm đô thị này lại không như mong muốn. Ở các nước phát triển, đô thị vệ tinh có tính chất độc lập. Nhưng ở Hà Nội, các đô thị vệ tinh chỉ có tính độc lập tương đối, vẫn lệ thuộc và có tác động đến đô thị trung tâm. Hà Nội cũng đã tạo ra được một số mối liên kết giữa đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh như các tuyến đường mới đi qua sân bay Nội Bài, qua Hòa Lạc, huyện Phú Xuyên.

Chúng ta đã cố gắng tạo ra mối liên kết nhưng chưa đủ sức hấp dẫn và chưa được như mong muốn. Chúng ta đặt ta mục tiêu đến năm 2030, 5 đô thị vệ tinh này phải có khả năng dung nạp 1,4 triệu dân nhưng hiện nay mới chỉ đạt 50 vạn dân. Các doanh nghiệp cũng ít quan tâm đến các đô thị vệ tinh. Chúng ta tính các đô thị vệ tinh với các chức năng khác nhau. Ví dụ như đô thị Hòa Lạc là đô thị khoa học, đô thị Phú Xuyên là đô thị logicstic… nhưng không đạt được yêu cầu vì các doanh nghiệp không mặn mà vào đầu tư. Bởi chúng ta thiếu chính sách tạo điều kiện thuận lợi để huy động vốn. Ở nhiều nước, nếu doanh nghiệp đang ở đô thị nội đô, chuyển ra đô thị vệ tinh sẽ được giảm tiền sử dụng đất. Nhưng chúng ta chưa làm được điều đó.

Đây là một vấn đề đòi hỏi Hà Nội phải có những quyết sách mới và đổi mới. Đáng mừng là trong Luật Thủ đô (sửa đổi) mới được thông qua, đã có một số chính sách đổi mới. Tôi hy vọng với những chính sách mới của Hà Nội, chúng ta sẽ thực hiện thành công. Chúng ta nhìn thấy, hiện có 3 động thái có thể thúc đẩy phát triển chùm đô thị vệ tinh. Thứ nhất là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, thứ hai là Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045 định hướng đến năm 2065 và thứ ba là Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được thông qua. Tôi gọi đây là 3 "chân kiềng" giúp cho Hà Nội thực hiện được mô hình được xác định là hợp lý, ưu việt, là phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Phóng viên: Từ 5 đô thị vệ tinh, Hà Nội hiện nay đang định hướng phát triển 2 đô thị vệ tinh và 2 TP trực thuộc. Xin ông cho biết, điều này có gì khác so với mục tiêu 5 đô thị vệ tinh? Theo ông, cần phải có những quyết sách gì để tránh bài học thất bại hơn 10 năm qua, phát triển thành công các đô thị vệ tinh?

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Để có 2 TP mới là TP Hòa Lạc và TP phía Bắc (sẽ bao gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) thì các khu vực ấy phải là khu vực đô thị đã. Bởi vì trong các tiêu chí để thành lập TP trực thuộc Thủ đô thì phải trở thành đô thị, tức là phải từ huyện lên thành quận mới được phát triển thành TP. Và muốn trở thành quận thì phải phát triển các đô thị vệ tinh. Hiện nay, trong nghiên cứu quy hoạch cũng đã đặt ra mục tiêu phát triển Sơn Tây trở thành TP. Nhưng trước mắt, Hà Nội vẫn phải giữ hướng phát triển chùm 5 đô thị vệ tinh. Và trong 2 TP tương lai sẽ có các đô thị vệ tinh. Như vậy, ở đây chúng ta hiểu rằng, phát triển các đô thị vệ tinh là tiền đề để triển khai các quy hoạch phát triển, thành lập các TP trực thuộc Hà Nội.

Chúng ta phải có nhận thức đúng về mô hình chùm đô thị, nhất là 5 đô thị vệ tinh để kế thừa, định hướng phát triển trong quy hoạch Thủ đô giai đoạn tới gắn với mô hình chính quyền địa phương là cần thiết và quan trọng. Tuy nhiên, từ những hạn chế tồn tại thời gian qua, nên rà soát lại quy mô, khả năng kết nối và nguồn lực cũng như xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để quy hoạch mới có tính thực tiễn. Chúng ta phải tiếp tục định hướng trong các quy hoạch mới, phải đổi mới cách quản lý đô thị. Tôi rất kỳ vọng các chính sách cụ thể trong Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ có tác động thúc đẩy. Bởi vì thực tế hiện nay, rất nhiều lực lượng khởi nghiệp sáng tạo không có đất dụng võ. Chính 5 đô thị vệ tinh này, nếu có những chính sách ưu đãi hợp lý, sẽ tạo điều kiện cho tuổi trẻ khởi nghiệp thành công. Đô thị vệ tinh đã có định hướng và xác định quy mô cụ thể, song thực tiễn không thành hình do Hà Nội vừa không có kinh phí vừa không có cơ chế chính sách. TP cần chuyển định hướng ngân sách giảm đầu tư trong nội đô, tăng đầu tư ngoại thành, ưu tiên cho các đô thị vệ tinh.

Để thực hiện định hướng này, cần tuyên truyền, phổ biến để thống nhất nhận thức, từ đó có lộ trình phù hợp. Với TP Hà Nội, đây là mô hình có đặc thù, có sáng tạo để phù hợp với thực tiễn phát triển Thủ đô hiện tại và tương lai. Áp dụng mô hình này là để tạo thêm một số cực tăng trưởng, giảm áp lực vào đô thị trung tâm về công nghiệp, giáo dục, dịch vụ thương mại, văn hóa, thể dục - thể thao..., nhất là về môi trường, kết cấu hạ tầng. Các đô thị vệ tinh có liên kết với trung tâm, song có chức năng hoạt động độc lập, kết nối yếu tố tự nhiên và giữ gìn văn hóa truyền thống, làng nghề truyền thống, tạo nên không gian xanh, không gian sinh thái. Ngoài 5 đô thị vệ tinh nói trên, còn có khả năng phát triển các thị trấn sinh thái từ hơn 10 thị trấn đã hình thành (Tây Đằng, Kim Bài, Vân Đình, Chúc Sơn...) và hơn 10 thị trấn mới..., góp phần tạo nên diện mạo mới về không gian đô thị. Nhiều chuyên gia đánh giá, nếu trước đây, các quy hoạch của Hà Nội thường được phát triển theo phương thức dàn hàng ngang thì đến thời điểm này, TP chọn cách phát triển có trọng tâm, trọng điểm là hướng đi phù hợp. Trong 5 đô thị vệ tinh, đô thị Hòa Lạc được chọn để đi trước và là mũi nhọn đầu tiên cho phát triển vì đã hội tụ đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Việc xây dựng thành công đô thị này sẽ là bài học quý để Thủ đô thực hiện phát triển các đô thị vệ tinh còn lại kết nối theo chức năng chuyên biệt, giảm áp lực quá tải cho khu đô thị lõi.

Phóng viên: Nhưng, sẽ phải làm thế nào để Hòa Lạc có sức hút, thưa ông?

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Để đô thị Hòa Lạc tạo sức hút với quy mô 60 vạn dân đến sống, theo tôi, Hà Nội cần đẩy nhanh quy hoạch phân khu còn lại để kêu gọi các nhà đầu tư, hình thành các mô hình đô thị hiện đại, đồng bộ, có chất lượng cuộc sống cao. Đáng lưu ý, đô thị chủ yếu chuyển đổi từ đất nông nghiệp nên cần bảo đảm an ninh lương thực và hài hòa trong phát triển quỹ đất. Chế độ đền bù đất đai phải bảo đảm, có hướng chuyển dịch cho lao động nông thôn. Đô thị vệ tinh Hòa Lạc có diện tích lớn nhất trong số các đô thị vệ tinh của Hà Nội, khi hình thành sẽ tạo động lực phát triển cho một vùng rộng lớn phía Tây Thủ đô. Khu vực Hòa Lạc có điều kiện địa chất, địa hình ổn định, đã hình thành điều kiện hạ tầng giao thông cơ bản kết nối với đô thị trung tâm theo Đại lộ Thăng Long, kết nối giao thông Bắc - Nam theo đường Hồ Chí Minh. Thời gian tới TP cần đẩy mạnh việc hình thành nhiều tuyến đường nối trung tâm với đô thị Hòa Lạc như trục Tây Thăng Long, trục Hồ Tây - Ba Vì (đoạn Vành đai 4 đến Hòa Lạc)… Các tuyến đường sắt Hòa Lạc - Văn Cao, Hòa Lạc - Sơn Tây, Hòa Lạc - Xuân Mai.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Ngọc Yến (thực hiện)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/chinh-sach-dac-thu-nao-de-quy-hoach-ha-noi-phat-trien-chum-do-thi-ve-tinh--i749143/