Chính kịch có bị lãng quên?

Hài kịch vốn là thể loại sân khấu được khán giả nhiệt tình đón nhận. Nhiều nghệ sĩ còn được gọi một cách nể phục là 'danh hài'. Tất nhiên không phải lúc nào hài kịch cũng kiếm được kịch bản hay và không phải diễn viên hài nào cũng gây cười được.

Việc Nhà hát Kịch Việt Nam dựng lại 2 vở “Bệnh sĩ” (tác giả Lưu Quang Vũ) và “Mặc cha sự đời” (tên gọi khác là “Ả cave nhà hàng Maxim”, kịch bản của Georges Feydeau (1862 - 1921) - nhà viết kịch người Pháp) đã được khán giả hưởng ứng. Nhưng niềm vui cũng không trọn vẹn vì dẫu sao đó cũng vẫn là những vở cũ, cho dù tác phẩm đã vào hàng cổ điển.

Thời gian qua, hài kịch có thể nói là dày đặc, thậm chí hài kịch còn nằm trong chiến lược sản xuất của các nhà hát, đơn vị làm nội dung. Sân khấu trực tiếp lẫn truyền hình, YouTube... cũng đều chộn rộn nhờ hài kịch. Nhiều diễn viên hài làm lu mờ các tên tuổi khác của kịch hiện đại lẫn kịch truyền thống. Tuy nhiên, phần lớn là những vở hài kịch ngắn, tiểu phẩm, “cù” người xem bằng những mảng miếng là chính. Sức hấp dẫn của hài kịch đến độ nhiều người xem vở diễn có yếu tố hài hước như một điều kiện tiêu chuẩn. Nhưng thực ra thì hài hay bi, tiếng cười hay nước mắt cũng chỉ là thủ pháp để chuyển tải nội dung.

Không phủ nhận sự hấp dẫn của hài kịch nhưng cũng không khỏi luyến tiếc với thể loại kịch chính luận khi thẳng thắn đặt ra và đối thoại trực tiếp với khán giả về những vấn đề nóng của xã hội, cùng đó là hành trình tìm kiếm những giá trị thiêng liêng của cuộc sống.

Nhưng, bằng cách nào “lấy lại vị thế cho chính kịch” lại là điều rất khó khi mà kịch bản đã thiếu, lại yếu. Điều đó khiến người ta thêm tiếc nuối cái thời kịch của Lưu Quang Vũ tung hoành, với những tác phẩm còn mãi, như “Tôi và chúng ta”, “Ông không phải là bố tôi”, “Ai là thủ phạm”, “Lời thề thứ 9”, “Người tốt nhà số 5”...

Vậy, phải chăng chính kịch đã bị lãng quên và bây giờ là lúc hài kịch lên ngôi?

Thực ra thì hài kịch, chính kịch, hay kịch truyền thống mỗi loại hình đều có vị trí riêng, giá trị riêng, kể cả khán giả riêng. Vấn đề cốt tử phải là hay mới có thể kéo người xem tới rạp.

Các cuộc liên hoan sân khấu vẫn đều đặn mở ra, các nhà hát vẫn sáng đèn nhưng do khan hiếm kịch bản hay nên sự “đánh thức” không mấy thành công. Một vở diễn hay đến từ sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, tuy nhiên kịch bản chính là yếu tố đầu tiên và quan trọng bậc nhất, là “bột” để “gột nên hồ”. Hiện chúng ta đang thiếu kịch bản hay, lại thiếu cả kịch bản đề tài đương đại. Có thể thấy điều đó ở Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ 5 (năm 2023): Trong số 4 giải Vàng, chỉ có duy nhất 1 kịch bản được viết mới là “Thượng Thiên Thánh Mẫu”. Tương tự, trong số 5 giải Bạc chỉ có duy nhất vở “Lời thề” là viết mới.

Đạo diễn Lê Quý Dương với vở “Làm vua” giành được Huy chương Vàng Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2021 từng chia sẻ, quan trọng nhất của một kịch bản là vấn đề đặt ra. Đó là khởi nguồn đầu tiên cho một kịch bản hay. Khi vấn đề mang tính phát hiện sâu sắc thì hệ thống mâu thuẫn xung đột sẽ trở nên tầm cỡ và các tính cách sẽ mang tính khái quát và điển hình cao. “Có tích mới dịch nên trò”, không có những kịch bản tầm cỡ, sẽ không bao giờ có được một nền sân khấu tầm cỡ.

Điều đạo diễn Lê Quý Dương nói không phải là mới, nhưng tiếc thay nó vẫn là “vấn đề thời sự”, hay nói cách khác chính là “nút thắt” chưa mở nổi của sân khấu nước nhà. Vậy, làm gì để gỡ “nút thắt” này đây?

Xuân Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chinh-kich-co-bi-lang-quen-10292065.html