Chiến lược Iran của ông Trump đang 'phản tác dụng'
Chiến lược 'áp lực tối đa' của Nhà Trắng đối với Iran đang chứng tỏ phản tác dụng theo cách rất nguy hiểm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, ông muốn đảm bảo Iran không bao giờ đạt được vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, trong một bài viết trên báo NY Times, giáo sư John J. Mearsheimer chuyên về khoa học chính trị ở Đại học Chicago cho rằng, chính sách mà vị tổng tư lệnh Mỹ theo đuổi đang có tác dụng ngược: Nó mang lại cho Iran một động lực mạnh để phát triển hạt nhân, đồng thời khiến Mỹ ngày càng khó ngăn chặn điều đó.
Hôm 1/7, hãng thông tấn Iran thông báo nước Cộng hòa Hồi giáo đã vượt qua các giới hạn về làm giàu uranium được đặt ra trong thỏa thuận quốc tế 2015. Thực tế, chính sách của Mỹ nhằm vào Iran trong năm qua càng cho thấy các nhà chức trách ở Tehran đã quá dại dột khi không phát triển năng lực răn đe hạt nhân từ đầu những năm 2000.
Tuy chưa xảy ra một cuộc đối đầu quân sự lớn nào, Mỹ đã tuyên chiến chống lại Tehran. Washington áp cấm vận hàng loạt trên diện rộng nhằm bóp nghẹt nền kinh tế Iran, với hy vọng buộc quốc gia Trung Đông này phải từ bỏ vĩnh viễn năng lực tái chế plutonium và làm giàu uranium – hai con đường chính dẫn tới bom hạt nhân. Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng tuyên bố Iran phải thay đổi toàn bộ chính sách đối ngoại theo cách phù hợp với các lợi ích của Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông.
Theo giáo sư Mearsheimer, chưa có bằng chứng Iran sẽ đáp ứng các yêu sách của Mỹ. Nếu có, ghi chép lịch sử cho thấy các cường quốc lớn có thể khởi xướng trừng phạt đối với kẻ thù của mình – phong tỏa, cấm vận, bao vây và đánh bom - nhưng sự đau đớn hiếm khi khiến các nước mục tiêu đầu hàng. Chẳng hạn, cấm vận của Mỹ đã cướp đi mạng sống hơn 100.000 dân thường Iraq hồi những năm 1990, nhưng Saddam Hussein vẫn bất chấp.
Các nước thường không đầu hàng trước áp lực, bởi điều đó càng khiến các cường quốc leo thang yêu sách. Nếu "áp lực tối đa" từng phát huy hiệu quả thì Tổng thống Trump và phe diều hâu Mỹ có thể lại vận dụng chiến lược này lần nữa. Nhưng Tehran đang cho thấy họ không thể bị đánh bại.
Thực tế, Iran tuyên bố sẽ không ngồi vào bàn đàm phán trong khi người dân đang thiếu ăn còn xã hội bị suy yếu. Nước này có đủ khả năng tiến hành nhiều cuộc tấn công bí mật nhằm vào các tàu dầu và cơ sở dầu lửa ở Vịnh Ba Tư, huy động các lực lượng ủy nhiệm tấn công vào binh lính và các cơ sở của Mỹ. Thậm chí, Iran còn đủ sức thực hiện các cuộc tấn công mạng tinh vi nhằm vào Mỹ và các đồng minh.
Đáp trả, Tổng thống Trump có thể leo thang thêm áp lực nhằm vào Iran. Mục tiêu sẽ là "tái lập răn đe" với Iran và buộc nước này phải đầu hàng. Tuy nhiên, các biện pháp đó sẽ tác dụng ngược, vì hai bên đang sa vào vòng xoáy leo thang thường thấy. Iran sẽ nỗ lực gấp đôi, và chắc chắn sẽ tiến tới xây dựng kho hạt nhân của riêng mình.
Vũ khí hạt nhân được xem là lá chắn tối thượng vì lý do chính đáng: Kẻ thù không thể đe dọa sự tồn vong của một quốc gia có vũ khí hạt nhân, đặc biệt là nước có năng lực răn đe đủ mạnh để trụ được một cuộc tấn công đầu tiên. Đó là bởi vì nước đó có thể sử dụng đến các vũ khí hạt nhân.
Chẳng hạn, khó có thể nghĩ đến viễn cảnh Israel hoặc Mỹ tấn công Iran – kể cả với vũ khí thông thường – nếu nước Cộng hòa Hồi giáo có bom nguyên tử, đơn giản là vì có thể sự leo thang sẽ dẫn đến sử dụng vũ khí hạt nhân. Hơn nữa, nếu bị lâm nguy, Iran có thể đe dọa sử dụng một số vũ khí hạt nhân để chặn đứng dòng chảy dầu lửa ở Vịnh Ba Tư.
Khó có thể tưởng tượng Iran sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên trong một cuộc khủng hoảng, nhưng lịch sử cho thấy các nước bị dồn vào chân tường thường sẵn sàng viện tới các chiến lược nguy hiểm. Điển hình, Nhật quyết định tấn công một nước Mỹ hùng mạnh hơn nhiều vào năm 1941 còn Ai Cập tấn công Israel năm 1973.
Chính quyền ông Trump chắc chắn ý thức được sự nguy hiểm khi kích động một Iran có vũ khí hạt nhân. Nói ngắn gọn, các vũ khí hạt nhân sẽ giúp Iran ở vào tình huống chiến lược tốt hơn.
Mỹ chắc chắn sẽ không xâm lược hay chiếm đóng Iran – để đảm bảo nước này không đạt tới vũ khí hạt nhân. Thay vào đó, những người cứng rắn sẽ ủng hộ ném bom các cơ sở hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo. Nhưng người Iran sẽ cố gắng hết sức để không bị tấn công từ trên không.
Sức mạnh không quân có thể đẩy lùi nỗ lực sản xuất bom của Iran vài năm. Nhưng khó có chuyện Mỹ đánh bom Iran năm này qua năm khác để đảm bảo điều này. Thêm nữa, chính sách của Tổng thống Trump đã đẩy Mỹ vào chân tường. Vì nhiều lý do, các lãnh đạo Iran không tin tưởng ông, và họ tin chắc ông Trump rốt cuộc có thể sẽ rút khỏi bất kỳ một thỏa thuận nào họ đạt được với ông.
Còn nếu Tổng thống Trump cố gắng xuống thang căng thẳng bằng cách giảm bớt cấm vận, điều mà Iran khẳng định ông phải làm trước khi nước này có thể đồng ý đàm phán, thì ông có thể sẽ bị chỉ trích bởi những nhân vật diều hâu vốn đóng vai trò quan trọng trong cứ địa chính trị của ông. Điều này còn có thể khiến Israel, Ảrập Xêút và các nước Vùng Vịnh bất bình và nổi giận.