Chiến khu Đ, Chiến khu Vĩnh Lợi - Hào khí miền Đông, vang mãi sử vàng

Giữa vùng đất đỏ miền Đông gian lao mà anh dũng, có hai địa danh không chỉ mang dấu ấn lịch sử mà còn khắc sâu trong tâm khảm bao thế hệ, đó là Chiến khu Đ và Chiến khu Vĩnh Lợi. Đây là hai biểu tượng lịch sử của miền Đông Nam bộ, ghi dấu những năm tháng kháng chiến oanh liệt, thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất và lòng yêu nước nồng nàn của quân dân ta.

Ông Tống Văn Bính trở lại thăm Chiến khu Đ trong một ngày tháng 4 đầy xúc cảm, gợi nhớ ký ức một thời bom đạn

Theo chân ông Tống Văn Bính, cựu chiến binh xã Thường Tân trở lại Chiến khu Đ, vùng đất từng là “trung tâm kháng chiến” của miền Đông Nam bộ trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Bước chân chậm rãi, ánh mắt lặng lẽ dừng lại trước từng cái cây, từng hiện vật… tất cả gợi mở một thời máu lửa mà oai hùng.

Nơi đây, vào tháng 2-1946, Chiến khu Đ ra đời từ 5 xã của huyện Tân Uyên (tỉnh Biên Hòa cũ), rồi dần trở thành biểu tượng bất khuất, là nơi ra đời các lực lượng vũ trang đầu tiên, nơi vang vọng câu nói từng khiến kẻ thù e ngại: “Chiến khu Đ còn, Sài Gòn mất”.

Chiến khu Đ không chỉ là căn cứ địa vững chắc của các lực lượng vũ trang từ cấp xã, huyện cho đến Trung ương Cục, mà còn là nơi ra đời của các đơn vị quân sự đầu tiên của miền Đông như Chi đội 1, Trung đoàn 301, Tiểu đoàn 303… Những cái tên gắn liền với lịch sử kháng chiến dân tộc.

Nhắc đến Chiến khu Đ là phải nhắc đến Huỳnh Văn Nghệ, thi tướng tài ba, vừa đánh giặc giỏi vừa làm thơ hay. Từ nhóm vũ trang nhỏ ban đầu, ông quy tụ, rèn luyện, biến họ thành đơn vị Vệ quốc đoàn đầu tiên của Biên Hòa, lực lượng nòng cốt chống trả những đợt tái chiếm khốc liệt của thực dân Pháp. Trong ánh lửa chiến tranh, ông vẫn lặng lẽ gieo vào lòng người những vần thơ “miền Đông gian lao mà anh dũng”.

Trận đánh đầu tiên đêm 1-1-1946 do chính ông chỉ huy đã tạo tiếng vang lớn, khích lệ tinh thần chiến đấu của toàn vùng. Từ đây, hàng loạt trận đánh vang dội ra đời như Bảo Chánh, Đồng Xoài, La Ngà… và đỉnh cao là Chiến dịch giải phóng Long Khánh - bước ngoặt quyết định trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Chiến khu Vĩnh Lợi (khu phố 3, phường Vĩnh Tân, TP.Tân Uyên ngày nay) là biểu tượng lặng lẽ mà kiên cường của lòng yêu nước và tinh thần hậu phương bền bỉ. Trong suốt hai cuộc kháng chiến, đây là căn cứ của huyện Châu Thành (tỉnh Thủ Dầu Một xưa), nơi người dân vừa chiến đấu, vừa làm hậu cần, bảo vệ căn cứ địa trong muôn vàn gian khó.

Chiến khu Vĩnh Lợi đã đóng vai trò như một bàn đạp chiến lược, tiếp sức cho những trận đánh quan trọng, góp phần làm nên thắng lợi của cả dân tộc, đặc biệt là trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày nay, Chiến khu Vĩnh Lợi không chỉ là một “địa chỉ đỏ” trong hành trình về nguồn của thế hệ trẻ, mà còn là nơi hội tụ ký ức thiêng liêng qua những buổi sinh hoạt truyền thống.

Chiến khu Đ và Chiến khu Vĩnh Lợi không chỉ là những địa danh ghi dấu một thời máu lửa, mà còn là biểu tượng sống động của tinh thần quật cường, lòng yêu nước nồng nàn và ý chí bất khuất của nhân dân miền Đông Nam bộ. Trên vùng đất từng trải qua biết bao bom đạn, hôm nay đã nở hoa cuộc sống, với những thế hệ trẻ trưởng thành, mang trong mình niềm tự hào về lịch sử và ý thức trách nhiệm với tương lai đất nước.

Để cùng sống lại không khí hào hùng của một thời kháng chiến, cảm nhận sâu sắc giá trị lịch sử và tinh thần bất khuất từ hai Khu di tích Chiến khu Đ và Chiến khu Vĩnh Lợi, mời quý độc giả đón xem chương trình “Tôi yêu Bình Dương” do Báo Bình Dương thực hiện. Chương trình được phát vào lúc 6 giờ sáng chủ nhật (ngày 27-4- 2025), tại địa chỉ: www. baobinhduong.vn và trên các nền tảng mạng xã hội của Báo Bình Dương, như: YouTube, Facebook…

THỤC VĂN

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/chien-khu-d-chien-khu-vinh-loi-hao-khi-mien-dong-vang-mai-su-vang-a346067.html