Trang Avia-pro hôm 17/4 đã đăng tải thông tin cho biết, các tay súng phiến quân cố thủ tại tỉnh Idlib cáo buộc không quân Nga đã ném bom tiêu diệt ít nhất 3 thành viên của nhóm Jaish al-Nasr thân Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo thông báo, cả lực lượng phòng không Syria lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đều không nhận thấy máy bay Nga bất chấp được trang bị các loại radar tối tân, điều đó làm dấy lên câu hỏi liệu có phải Moskva đã sử dụng tiêm kích tàng hình trong cuộc tấn công vừa rồi?
Đáng chú ý là có nguồn tin từ lực lượng phiến quân khẳng định rằng đây không thể là một tiêm kích có người điều khiển mà là một máy bay không người lái.
Tuyên bố trên cũng làm nổ ra tranh cãi, bởi vì tòa nhà nơi những kẻ khủng bố trú ẩn đã bị hư hại rất nghiêm trọng bởi những mảnh đạn cỡ lớn, cho thấy phương tiện mang đạn có kích cỡ không hề nhỏ.
Hãng thông tấn khu vực Trung Đông Al Masdar News cho rằng máy bay không người lái cảm tử có thể đã được huy động, nhưng hiện tại kho vũ khí của Nga chưa có UAV với khả năng hoạt động ở khoảng cách xa như trên.
Các chuyên gia quân sự đang nghiêng về giả thiết có thể Nga đã âm thầm đưa máy bay không người lái tàng hình S-70B Okhotnik sang Syria để "thử lửa", thậm chí có cả chiếc Su-57 đi kèm để phối hợp.
Nhưng nhận định này bị đánh giá là rất ít khả năng, bởi chiếc Okhotnik gần đây mới chỉ thực hiện chuyến bay ngắn và vẫn hạ càng đáp trong suốt hành trình, cho thấy tính năng bay của nó chưa hoàn thiện.
Từ việc hoàn thiện tính năng bay cho tới thử nghiệm thành công hệ thống điện tử hàng không, rồi tới khả năng mang và triển khai vũ khí là quãng thời gian rất dài.
Giới quân sự Nga hẳn cũng chẳng mạo hiểm đưa chiếc UAV Okhotnik tới Syria để tác chiến, nhất là khi hoàn cảnh chiến trường không yêu cầu cấp thiết đến vậy.
Ngoài ra cũng cần lưu ý rằng xung quanh tỉnh Idlib đã có sự hiện diện dày đặc của các hệ thống tên lửa phòng không Thổ Nhĩ Kỳ, bởi vậy Moskva sẽ cần phải "giữ miếng" đối với vũ khí tương lai của mình.
Nhận định tương tự cũng được đưa ra với chiếc Su-57, nó cũng đang ở trong tình trạng hoàn thiện tính năng, nhất là khả năng mang phóng vũ khí hay hệ thống động lực.
Sau vụ tai nạn xảy ra với chiếc Su-57 thuộc lô sản xuất hàng loạt đầu tiên, Nga đang rất cẩn thận trong mọi hoạt động thử nghiệm với chiếc tiêm kích này, vì vậy thật khó tin họ lại mạo hiểm mang nó tới chiến trường Syria.
Hơn nữa Su-57 không phải loại máy bay vô hình hoàn toàn, nguyên tắc thiết kế của Nga đó là họ chấp nhận hy sinh tính năng tàng hình của Su-57 để ưu tiên cho độ cơ động, nên khó có khả năng nó biến mất hoàn toàn trên màn hình radar như đã báo cáo.
Cho tới thời điểm hiện tại, cả Bộ Quốc phòng Nga lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đều chưa đưa ra tuyên bố về vụ việc vừa xảy ra tại Idlib, điều đó càng làm cho "màn sương" bí ẩn thêm phần dày đặc.
Theo Việt Dũng/An ninh Thủ đô