Chỉ có ở Hội làng Ngọc Tiên: Đàn ông đánh lửa, gánh bếp trên vai chạy vòng quanh thổi cơm tới chín

Đánh lửa chỉ bằng hai thanh tre, vừa gánh bếp vừa thổi cơm là nét đặc sắc nhất của Hội làng Ngọc Tiên (Xuân Trường, Nam Định), góp phần thu hút du khách hằng năm tới dự hội.

Tháng Giêng là thời điểm người dân làng Ngọc Tiên (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) mở hội làng truyền thống. Những lo toan thường nhật từ cơm áo, gạo tiền đến công việc đồng áng đều được gác lại, những người đi làm ăn xa cũng tranh thủ nán lại sau kỳ nghỉ Tết hoặc xếp sắp công việc để về kịp ngày hội làng.

Những người già trong làng kể lại rằng: Tại làng Ngọc Tiên, vào thời Hậu Lê, triều đình cử một vị tướng tài là Hoàng Văn Quảng về chiêu mộ quân sĩ dẹp giặc trấn biên, ổn định cuộc sống. Hàng năm vào dịp này, làng mở hội tưởng nhớ tới công đức của ông.

Nhiều trò chơi dân gian trong lễ hội vẫn được tổ chức, thu hút rất đông người tham gia. Trong đó có trò đánh lửa thổi cơm thi do các trai làng thực hiện.

Để chuẩn bị cho phần thi này, người dân đã phải lên kế hoạch và chuẩn bị trước đó nửa năm trời. Cuộc thi có 3 phần chính: Địch thẻ (chạy từ chùa Ngọc Tiên ra đến đò Cựa Gà để lấy thẻ số thứ tự), địch thủy (cầm nậm nước chạy ra bến Cựa Gà, lội ra giữa dòng sông Ninh lấy đầy nậm nước) và địch hỏa (đánh lửa châm bếp).

Tham dự hội làng năm nay có 6 giáp, được chia theo đơn vị xóm. Mỗi giáp phải có đủ 14 người đều là nam giới, tuổi từ 18 trở lên, có phẩm chất đạo đức tốt, khỏe mạnh, nhanh nhẹn.

Hội làng Ngọc Tiên không chỉ thu hút người dân địa phương mà rất đông du khách cả nước đến tham gia.

Lễ hội Làng Ngọc Tiên vẫn giữ được nhiều giá trị cốt lõi, phụ nữ chỉ tham gia phần dâng hương, còn phần hội sẽ tuyệt đối không.

Phần thi địch hỏa được coi là gay cấn nhất. Các đội phải vượt qua được phần thi này mới được tiếp tục tham dự ở vòng kế tiếp.

Từ những vật liệu đơn giản gắn bó với đời sống nông nghiệp như tre, rơm, rạ và vài động tác ngọn lửa được tạo ra một cách rất nhanh với phương pháp thủ công.

Việc đánh lửa chỉ diễn ra trong vòng vài chục giây, nhưng để đánh được lửa thì phải rất kỳ công.

Ngay khi có lửa, các giáp nhanh chóng chạy đến đốt lá cờ đánh số để giành điểm cao nhất.

Các đội đều sẽ phải hoàn thành phần thi này. Ngọn lửa tiếp tục được các giáp mang về thực hiện phần hấp dẫn nhất của lễ hội đó là nấu cơm thi.

Cuộc thi thu hút nhiều người tham dự cổ vũ cho các Giáp.

Phần nấu cơm cũng là phần thi 'độc nhất vô nhị'. Gạo phải được tuyển lựa mười hạt như một và được nấu trong niêu đồng.

Gạo thổi cơm, đồ xôi, làm bánh phải được trồng riêng. Quá trình trồng cấy, thu hoạch, bảo quản gạo, đều do các lão nông đảm nhận.

Những chiếc chõ đồng hàng trăm năm này chỉ khi Lễ hội mới được dùng đến.

Việc nấu cơm thi tại Lễ hội truyền thống Làng Ngọc Tiên rất khác biệt: 12 nghệ nhân của 6 đội treo trên mình 12 chiếc cần trúc uốn cong; mỗi chiếc cần có một chiếc niêu để vừa đi vừa nấu cơm (không có sự hỗ trợ của người thứ 2). Hết vòng quanh khu di tích, các nghệ nhân phải thực hiện xong phần nấu cơm của mình.

Khi cơm sôi, hai bó đuốc được dồn cả về một bên tay, tay còn lại cầm một chiếc móc vừa mở vung nồi, vừa quay đầu kia lại ghế cơm.

"Cuộc thi phản ánh lại tài thao lược nuôi quân của tướng quân Hoàng Văn Quảng. Trên đường hành quân vốn không có nhiều thời gian nên phải vừa đi vừa nấu, mà tham gia đánh giặc thì chỉ có đàn ông. Sau này tái hiện lại, các cụ vẫn giữ nguyên tinh thần chỉ tuyển đàn ông tham gia”, đại diện ban tổ chức cho biết.

Vì sự độc đáo này mà nhiều năm trôi qua, người làng luôn bảo nhau rằng: “Dù ai đi khắp ba miền/Nhớ ngày lễ hội Ngọc Tiên thì về".

Chùm ảnh, video: Lê Phú/Báo Tin Tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/anh/chi-co-o-hoi-lang-ngoc-tien-dan-ong-danh-lua-ganh-bep-tren-vai-chay-vong-quanh-thoi-com-toi-chin-20230213093011972.htm