Châu Âu tiếp tục là tâm dịch của thế giới

Ngày 6-11, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu Hans Kluge cảnh báo, châu lục này đang chứng kiến một sự bùng nổ số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, đồng thời cho biết tỷ lệ tử vong cũng đang gia tăng mạnh.

Hy Lạp sẽ đóng cửa toàn quốc trong 3 tuần kể từ ngày 7-11.

Châu Âu

Những nước trong khu vực có số ca mắc mới cao nhất trong 7 ngày qua là Pháp (trung bình 44.000 ca/ngày, tăng 11% so với tuần trước đó), Italia (28.600 ca, tăng 43%), Anh (22.400 ca, tăng 2%), Tây Ban Nha (21.100 ca, tăng 13%) và Ba Lan (20.000 ca, tăng 46%).

Xét về số ca tử vong, tình hình dịch bệnh tại châu Âu còn nghiêm trọng hơn. Số ca tử vong của khu vực này trong tuần qua tăng lên thêm 21.500 ca so với 14.403 ca tuần trước đó, tức là tăng gần 50%.

Ngày 6-11, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran đánh giá rằng, làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 tại Pháp sẽ nghiêm trọng hơn so với đợt đầu tiên vào mùa xuân, nếu vi rút SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan với tốc độ hiện tại. Số bệnh nhân Covid-19 phải đưa vào diện chăm sóc đặc biệt có thể tăng từ 4.000 người hiện nay lên 7.000 nếu người dân không tuân thủ các quy định phong tỏa. Ông nhấn mạnh thời gian tiếp theo “sẽ rất khó khăn” và Pháp đang cố gắng đào tạo thêm nhân viên y tế. Các sinh viên y khoa có thể sẽ được gọi tiếp viện một lần nữa.

Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo lệnh phong tỏa toàn khu vực England khi số ca tử vong theo ngày do Covid-19 tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5, đồng thời cảnh báo các bệnh viện sớm có nguy cơ quá tải.

Na Uy cũng áp đặt các quy định mới nhằm hạn chế sự lây lan dịch Covid-19. Thủ tướng nước này, Erna Solberg kêu gọi người dân tránh đi lại trong nước và thay vào đó ở nhà càng nhiều càng tốt như một phần của loạt các khuyến cáo và hạn chế mới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Số ca nhiễm tăng tại nhiều khu vực của Na Uy, đạt mức kỷ lục trong tuần trước khi ghi nhận 3.118 ca mới.

Chính phủ Hy Lạp quyết định đóng cửa toàn quốc trong 3 tuần. Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis cho biết, những hạn chế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 7-11.

Cùng ngày, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã ra chỉ thị với lực lượng biên phòng ngăn chặn không cho công dân nước này từ nước ngoài trở về Belarus, nhằm phòng, chống dịch Covid-19 lây lan. Tuy nhiên, theo ông Lukashenko, lệnh cấm không áp dụng đối với công dân Belarus trở về từ Nga do những thỏa thuận về biên giới giữa hai nước.

Châu Á

Tại châu Á, trong 24 giờ qua, Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm mới vi rút SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 trong 1 ngày vượt 1.000 ca. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 21-8, số ca nhiễm mới tại Nhật Bản trở lại mức 4 con số.

Trong khi đó, một số quốc gia Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia và Philippines tiếp tục ghi nhận thêm hàng nghìn ca nhiễm mới Covid-19 trong ngày.

Indonesia tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng nhất tại Đông Nam Á với 4.065 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 lên 425.796 người, trong đó 14.348 người đã tử vong.

Liên quan đến việc Trung Quốc cấm người từ Anh và Bỉ nhập cảnh nước này do làn sóng dịch bệnh thứ hai bùng phát tại châu Âu, giới chức Trung Quốc khẳng định, lệnh cấm các cá nhân không phải công dân Trung Quốc đến từ Anh, Bỉ và Philippines là hợp lý và công bằng để bảo đảm khống chế dịch bệnh.

Trước đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Bỉ và Anh đã phát thông báo về quyết định tạm thời dừng nhập cảnh đối với du khách từ hai nước này. Tuy nhiên, quy định này sẽ không áp dụng đối với những người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ. Các kiều dân Trung Quốc và người nước ngoài tới Trung Quốc từ những quốc gia trên sẽ phải thực hiện hai đợt xét nghiệm chẩn đoán nhanh Covid-19 (dựa trên kháng nguyên - RDT và dựa trên kháng thể - PCR) 2 ngày trước chuyến bay và phải xác nhận kết quả xét nghiệm này thông qua Đại sứ quán Trung Quốc tại nước sở tại.

Châu Phi

Ngày 6-11, bà Matshidiso Moeti, Giám đốc khu vực châu Phi của Tổ chức Y tế thế giới cho biết, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn đáng kể việc cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu ở châu Phi, bao gồm việc tiêm chủng cho trẻ em và sinh sản tại các bệnh viện. Việc phải dồn hầu hết các nguồn lực y tế cho công tác đối phó với đại dịch và áp đặt các lệnh phong tỏa đang khiến cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương bị ảnh hưởng sâu sắc. Đó là chưa kể tới những tác động khác từ việc các chính phủ phải cơ cấu lại nguồn lực tài chính cũng như nguồn nhân lực để đối phó với đại dịch.

Trong một khảo sát mới đây do WHO thực hiện tại 14 quốc gia châu Phi, toàn bộ 5 chỉ số quan trọng (gồm khám bệnh ngoại trú, nhập viện, trợ giúp chuyên biệt cho sinh nở, điều trị sốt rét và cung cấp vắc xin 5 trong 1) trong 9 tháng năm 2020 đã giảm mạnh so với các năm trước. Cũng theo thống kê, đã có thêm 1,37 triệu trẻ em châu Phi không được tiêm vắc xin lao; 1,32 triệu trẻ em dưới 1 tuổi bị bỏ lỡ mũi tiêm vắc xin phòng sởi đầu tiên.

WHO lo ngại, nếu xảy ra một làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới ở châu Phi, việc cung cấp các dịch vụ y tế quan trọng sẽ bị gián đoạn hơn nữa. Vì thế, khi dịch bệnh chưa quay lại và nhiều nước đang cho nới lỏng các biện pháp phòng dịch, chính phủ các nước cần đẩy nhanh việc thực hiện các chiến dịch tiêm chủng bổ sung. Ngoài ra, để ngăn chặn tình trạng này tái diễn trong tương lai, các nước cần đầu tư tốt hơn cho hệ thống y tế, nâng cao năng lực của đội ngũ nhân viên, tăng cường giám sát dịch bệnh và tiến hành thu thập dữ liệu toàn diện.

Tính đến 6h ngày 6-11, thế giới đã có 48.970.846 ca mắc Covid-19, 1.238.349 trường hợp tử vong.

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/982885/chau-au-tiep-tuc-la-tam-dich-cua-the-gioi