Chất lượng sống của người già - phụ thuộc vào ai?
Những vụ bạo hành cha mẹ già động trời được hé lộ, những bi kịch cô đơn tuổi xế bóng và nhiều câu chuyện khác cho thấy, có không ít nỗi niềm chung quanh cuộc sống của người già, và người già thời đại hiện nay rất cần những chính sách mới chăm lo cuộc sống của họ.
Những câu chuyện buồn
Mới đây, sự việc cô con gái đánh đập mẹ tàn nhẫn, đổ rác lên người mẹ đã khiến dư luận phẫn nộ. Trả lời truyền thông lý do đánh đập mẹ, người phụ nữ đã giải thích: vì mẹ để lại tài sản cho con gái ít hơn cháu ngoại, vì chăm mẹ vất vả, vì áp lực…
Buồn thay, đó không phải là sự việc con bạo hành cha mẹ duy nhất, cũng chắc chắn không phải sự việc cuối cùng. Cứ thi thoảng, dư luận lại sục sôi vì một vụ bạo hành cha mẹ đến tàn nhẫn. Như vụ người còn gái ở miền Tây tắm rửa mẹ già bằng bàn chải chà sân, vừa tắm vừa đánh đập, kéo lê mẹ khắp nơi.
Như một cặp vợ chồng, cũng ở miền Tây, vừa thay quần áo cho mẹ, vừa đánh đập, chửi rủa người mẹ không tiếc lời. Hay người con trai tàn ác, cha nằm liệt giường, liên tục mắng chửi, tát vào mặt cha, người mẹ cũng già, yếu, nằm bên cạnh vừa khóc vừa lấy thân thể đỡ cho chồng khỏi những cú đánh của con trai mình...
Những hình ảnh ấy khiến người ta xem vừa đau đớn, phẫn nộ mà vừa xót xa. Nhưng, đó chỉ là “bề nổi”, là những cảnh được vô tình hay hữu ý quay lại, tung lên mạng. Trên thực tế còn biết bao cảnh tình như thế.
Người già sống với con cái, người được may mắn thì có con hiếu thảo, chăm sóc yêu thương cha mẹ, có cháu ngoan ngoãn, hiếu kính ông bà. Nhưng không may mắn thì một là bị bỏ rơi, cô đơn trong căn nhà của con mình, hoặc chịu sự hờn tủi với thái độ không mấy thiện chí của dâu, rể, cháu chắt hỗn hào.
Và kém may mắn hơn nữa là bị hắt hủi, bạo hành. Người già, với sẵn mặc cảm “ăn không ngồi rồi”, nếu gặp con cái có thái độ không tốt, coi cha mẹ là “ăn bám con cái”, thì sẽ càng hờn tủi, tự ti. Đã có nhiều trường hợp, các ông bà cụ bị trầm cảm, rối loạn tâm lý sau khi về hưu, sống với con cái.
Ông Nguyễn Văn Lệ, hiện ở một mái ấm dành cho người già ở quận Thủ Đức kể, ngày còn trẻ, vợ chồng bươn chải đi bán nước ở cổng bến xe miền Đông, nuôi 4 đứa con. Sau đó dựng vợ gả chồng cho con, đời sống ổn định. Vợ mất, gia sản có căn nhà nhỏ và mảnh đất, ông bán đất chia tiền hết cho con.
Còn cậu con út nhận nuôi cha nên căn nhà dành cho nó. Lúc mới về, vợ chồng nó cũng thương bà, chăm ông. Nhưng dần dà, con dâu coi ông như cái gai trong mắt. Cháu chắt chê ông phiền. Đỉnh điểm, họ lấy cớ sửa nhà, gửi ông sang nhà con trai cả rồi đến khi nhà xây xong, kiên quyết không nhận lại cha nữa. Chứng kiến các con chửi nhau để đẩy việc nuôi mình cho nhau, ông chán nản, quyết định lấy số tiền dành dụm cuối đời vào nhà dưỡng lão ở.
Cần “tính chuyện” về già
Tại Việt Nam, do sự biến đổi về cơ cấu tuổi của dân số theo xu hướng tỷ trọng của trẻ em dưới 15 tuổi giảm và tỷ trọng của dân số từ 60 tuổi trở lên tăng đã làm cho chỉ số già hóa có xu hướng tăng lên nhanh chóng trong hai thập kỷ qua.
Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2019, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi; trong đó, tuổi thọ của nam giới là 71 tuổi, của nữ giới là 76,3 tuổi. Từ năm 1989 đến nay, tuổi thọ trung bình của Việt Nam liên tục tăng, từ 65,2 tuổi năm 1989 lên 73,6 tuổi năm 2019.
Sự già hóa về dân số đã đặt ra cho xã hội Việt Nam một số vấn đề, như cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và hệ thống an sinh xã hội, chính sách lao động cho người cao tuổi, tạo điều kiện cho người cao tuổi tiếp tục tham gia hoạt động kinh tế giúp giải quyết các vấn đề về xã hội, nâng cao mức sống… Hiện nay, Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong tổng thể của Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 đang được xây dựng.
Tuy nhiên, từ việc nghiên cứu, khảo sát, xây dựng đến triển khai các đề án là cả một con đường dài. Trước mắt, làm sao để xã hội nâng cao nhận thức về vấn đề già hóa dân số, khiến người dân chủ động hơn trong việc chuẩn bị cho tuổi già là điều cần làm.
Từ trước đến nay, một bộ phận đông người Việt vẫn có quan niệm, cha mẹ dành cả tuổi trẻ để làm lụng, lo lắng cho con cái, có con là để trông chờ vào con nuôi dưỡng, nhờ cậy chăm nom tuổi già. Tuy nhiên, giờ đây đã có những nhận thức mới về xu hướng sống “chuẩn bị cho tuổi già” như các nước phát triển được đặt ra. Bản thân mỗi người nên có sự chuẩn bị cho tuổi già từ trẻ, không dồn hết mọi lợi ích cũng như trách nhiệm cho con về sau.
Những sự chuẩn bị ấy bao gồm bảo vệ sức khỏe bản thân, đóng bảo hiểm, chuẩn bị tiền “phòng thân” để khi đau ốm, các con bận rộn có thể thuê người chăm sóc. Thậm chí, nếu cảm thấy không phù hợp sống cùng con, có thể chọn cho mình nhà dưỡng lão chất lượng, phù hợp để trải qua những ngày tháng cuối đời.
Quan trọng nhất vẫn là cởi thoát tâm lý cũ, không đặt trách nhiệm cao cho con, không phụ thuộc con. Có sự chuẩn bị kĩ càng cả về sức khỏe, vật chất lẫn tâm lý, người già sẽ không bị thụ động cũng như mặc cảm, tự ti lúc về già.
Tất nhiên, bên cạnh sự chuẩn bị của cha mẹ, những người con cũng cần có nghĩa vụ, trách nhiệm, bằng tình thương yêu của mình có sự lo lắng, chuẩn bị chu toàn để đời sống của cha mẹ về già được bình yên, vui vẻ, dù sống chung với con cái hay không.
Làm thế nào để giải “bài toán” chất lượng sống cho người già, làm thế nào để cha mẹ già và con cái được trọn tình vẹn nghĩa, không nảy sinh những bất hạnh, điều này cần sự nỗ lực của bản thân mỗi “người già”, cần tình thương và trách nhiệm ở con cái, và cần những chính sách, kế hoạch đường dài của xã hội.
Xuất phát từ mối quan hệ cha mẹ - con cái là yếu tố cơ bản trong đời sống gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình có quy định: “Cha mẹ có nghĩa vụ thương yêu, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo cho việc học tập và giáo dục để giúp con phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội. Ngược lại, con cái phải có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ; chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, không được có hành vi xúc phạm, ngược đãi, hành hạ cha mẹ”.
Trên cơ sở pháp luật và đạo đức xã hội, Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình của Bộ VH-TT&DL cũng phân tích rất rõ các yếu tố quyền và nghĩa vụ giữa hai bên mà nếu đảm bảo, sẽ tạo nên một gia đình trọn vẹn hạnh phúc.
Theo đó, mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái còn thể hiện ở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con cái. Những nghĩa vụ và quyền lợi này xuất phát từ lợi ích tinh thần, tình cảm thiêng liêng và gần gũi giữa cha mẹ và con trên nền tảng đạo lý được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.