Chặt cánh tay, phá tan đồn địch

Nghe chỉ huy thông báo sẽ có Đại tá, Anh hùng LLVT La Văn Cầu về thăm đơn vị, kể chuyện truyền thống, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174 (Sư đoàn 316, Quân khu 2) rất háo hức.

Trong bộ quân phục đã ngả màu thời gian cùng nụ cười hiền, Đại tá, Anh hùng LLVT La Văn Cầu đứng giữa cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174. Ai cũng muốn ngắm ông thật lâu, một con người bằng da bằng thịt mà chiến công, tên tuổi đã đi vào lịch sử. Dù đã 90 tuổi nhưng tác phong của anh hùng La Văn Cầu vẫn khá nhanh nhẹn, hoạt bát, giọng nói sang sảng.

Đại tá, Anh hùng LLVT La Văn Cầu kể chuyện truyền thống với chiến sĩ trẻ Trung đoàn 174 (Sư đoàn 316, Quân khu 2).

Nhắc về một thời trận mạc, anh hùng La Văn Cầu rành mạch kể lại từng trận đánh lớn, nhỏ. Trong đó, ông nhớ nhất là đợt tấn công vào đồn Đông Khê, trong Chiến dịch biên giới Thu-Đông, từ ngày 16 đến 18-9-1950. Khi ấy, ông là tiểu đội phó, thuộc Trung đội 2, Tiểu đoàn 671, Trung đoàn 174. Trong trận đánh sinh tử ấy, cánh tay phải của ông đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường.

Bước vào trận đánh, ông được phân công làm tổ trưởng tổ bộc phá, có nhiệm vụ phá hàng rào lô cốt của địch để mở đường cho các hướng mũi đột phá. Trận đánh diễn ra ác liệt. Quá trình chiến đấu, nhiều cán bộ, chiến sĩ bị thương vong, nhưng đơn vị chưa đánh chiếm được mục tiêu. Nghĩ đến nhiệm vụ được giao, chứng kiến sự hy sinh của đồng đội, La Văn Cầu hết sức nóng ruột, chỉ muốn ôm bộc phá lao lên phía trước, nhưng ông đã bị thương, cánh tay cứ lủng lẳng, vướng víu. Không chờ đợi thêm được nữa, ông nhờ đồng đội chặt phăng phần cánh tay bị thương, rồi cắn răng ôm bộc phá nặng 12kg, lao lên đặt quả bộc phá áp sát lô cốt của giặc, nhanh chóng giật nụ xòe. Ông bị sức ép của quả bộc phá làm ngất đi. Khi tỉnh lại ông đã thấy lô cốt của giặc bị phá tan tành, giúp ta làm chủ trận địa.

Sau trận đánh ấy, tinh thần gan dạ cùng tấm gương chiến đấu anh dũng của chiến sĩ La Văn Cầu đã cổ vũ phong trào thi đua giết giặc lập công trong toàn quân, trở thành lá cờ đầu trong phong trào thi đua sử dụng bộc phá công đồn, một hình thức chiến thuật mới của quân đội ta từ Chiến dịch Biên giới năm 1950. Tổng kết chiến dịch Biên giới Thu-Đông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biểu dương chiến sĩ trẻ La Văn Cầu là một trong những “lá cờ đầu trong phong trào giết giặc lập công”. Sau đó, ông cùng một số chiến sĩ vinh dự được gặp Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc.

Với thành tích xuất sắc đó, La Văn Cầu là một trong 7 chiến sĩ được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân tại Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần I, năm 1952. Cùng năm đó, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Thi đua ái quốc.

Bài và ảnh: HỒNG SÁNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/chat-canh-tay-pha-tan-don-dich-651059