Chấp nhận tổn thất lớn để giành Donbass, liệu Nga có đi đúng hướng?
Chấp nhận tổn thất lớn về người và trang thiết bị để thu được lợi ích, dù nhỏ, trên chiến trường có thể khiến Nga phải trả giá về lâu dài.
Khi quân đội Nga tiến quân vào TP Avdiivka (tỉnh Donetsk, Ukraine) vào mùa thu năm ngoái, lực lượng Ukraine đã nhận thấy sự thay đổi trong chiến thuật của Nga, theo tờ The New York Times.
Lực lượng Nga đã chia đội hình bộ binh thành các đơn vị nhỏ hơn để tránh bị pháo kích, đồng thời tăng các cuộc không kích để cản trở lực lượng phòng thủ Ukraine ở trong thành phố. Tuy nhiên, việc đổi chiến thuật vẫn không thay đổi được thực tế rằng quân Nga sẵn sàng chấp nhận tổn thất lớn về quân số và trang thiết bị ngay cả khi chỉ thu được những lợi ích nhỏ.
Nga chấp nhận tổn thất lớn…
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, Nga đã sẵn sàng trả giá đắt để tiến quân vào khu vực Donbass, gồm tỉnh Donetsk và Luhansk, ở phía đông Ukraine.
Một số nhà phân tích quân sự cho rằng việc giành quyền kiểm soát hoàn toàn Donbass là điều tối thiểu mà Nga cần chứng minh chiến dịch quân sự đang đạt được thắng lợi, do đó, Moscow sẵn sàng chấp nhận những tổn thất lớn để đạt được những bước tiến, dù nhỏ ở khu vực này.
Những trận chiến khốc liệt mà Nga đã dốc toàn lực, chấp nhận tổn thất lớn có thể kể đến là những trận chiến ở tỉnh Donetsk: TP Bakhmut, TP Marinka và đặc biệt là TP Avdiivka. Sau nhiều tháng giao tranh đẫm máu, Nga đã giành được quyền kiểm soát những thành phố này.
Ở trận Avdiivka, ước tính thương vong của Nga từ nhiều nguồn, gồm các nhà phân tích quân sự, blogger thân Nga, quan chức Ukraine, dù chưa thống nhất với nhau về con số nhưng đều cho thấy Moscow đã mất nhiều quân hơn khi chiếm Avdiivka so với tổng cộng 10 năm chiến đấu ở Afghanistan vào những năm 1980, là 15.000 lính. Hiện Nga vẫn chưa chính thức công bố con số thương vong.
Ví dụ, trong một bài đăng trên ứng dụng Telegram vào ngày 18-2, blogger quân sự thân Nga Andrei Morozov đã trích dẫn một nguồn tin quân sự giấu tên cho biết rằng kể từ tháng 10, lực lượng Nga đã mất 16.000 lính và 300 xe bọc thép trong trận chiến giành Avdiivka. Còn Ukraine đã mất khoảng 5.000 đến 7.000 lính trong trận chiến này. Những con số này hiện chưa thể xác minh.
Ông Rob Lee, thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, có trụ sở tại TP Philadelphia (Mỹ), cho rằng dù chịu tổn thất nặng nề ở Avdiivka, Nga vẫn có lợi thế về nhân lực dọc các mặt trận và có thể tiếp tục tấn công theo nhiều hướng, theo The New York Times.
…nhưng sẽ thiệt hại về sau?
Ông Ruslan Pukhov, nhà phân tích quân sự Nga thân cận với ngành công nghiệp quốc phòng Nga, viết trên một tạp chí của Nga rằng cuộc tấn công vào Avdiivka là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Nga nhằm gây áp lực và làm kiệt quệ các lực lượng Ukraine dọc theo toàn bộ chiến tuyến dài hơn 960 km.
“Tuy nhiên, một chiến lược như vậy gây ra tổn thất khá lớn cho Lực lượng vũ trang Nga, có thể khiến lực lượng của Nga suy kiệt. Điều này có thể mang lại thế chủ động cho Ukraine một lần nữa” - ông Pukhov viết.
Tuần trước, Lãnh đạo Cơ quan Tình báo quốc phòng Ukraine – ông Kyrylo Budanov cho rằng lực lượng quân đội chuyên nghiệp của Nga phần lớn đã bị tiêu diệt trong năm đầu tiên của chiến dịch quân sự đặc biệt, theo tờ The Wall Street Journal.
Điều này có nghĩa là Nga giờ đây đã phải tung những lính nghĩa vụ chưa được huấn luyện vào các cuộc tấn công, chưa kể là Nga sử dụng nhiều đạn pháo hơn mức có thể sản xuất. Do đó, ông Budanov cho rằng Nga sẽ phải vật lộn để đạt được mục tiêu chiến lược chính là giành được Donbass trong năm nay.
Khi chiến tranh bước sang năm thứ ba, cả Nga và Ukraine đang phải vật lộn để tìm đủ quân số để tiếp tục chiến đấu. Dân số Nga lớn hơn nhiều, khoảng 144 triệu người, gấp ba lần dân số Ukraine, mang lại cho Nga lợi thế đáng kể về nhân lực. Tuy nhiên, việc Nga tổn thất lớn về nhân lực dường như đã khiến công chúng nước này không khỏi lo lắng.
Theo các cuộc thăm dò, quyết định huy động 300.000 nam giới vào tháng 9-2022, lần huy động quân lớn đầu tiên kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, đã gây sốc và khiến cả nước Nga lo lắng. Đó là chưa kể có hàng trăm, hàng ngàn nam giới đã rời khỏi nước Nga khi chiến sự bùng nổ, theo The New York Times.
Kể từ đó, Nga đã cố gắng trì hoãn một đợt huy động khác càng lâu càng tốt. Cạnh đó, Moscow tăng cường các biện pháp khuyến khích về mặt tài chính và pháp lý để thu hút những người bị kết án, những người nợ nần, người di cư và các nhóm xã hội dễ bị tổn thương khác ra mặt trận với tư cách là tình nguyện viên. Nga cũng đã bắt đầu thực thi nghiêm ngặt chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc vốn rất lỏng lẻo trước đây đối với nam thanh niên.
Một nghiên cứu gần đây của tổ chức nghiên cứu Royal United Services Institute có trụ sở tại London (Anh) cho rằng lực lượng Nga có thể sẽ đạt đỉnh cao vào cuối năm nay, sau đó sẽ ngày càng phải vật lộn với tình trạng thiếu đạn dược và xe bọc thép vào năm 2025.
Chiến sự sẽ giằng co, không có đột phá
Hiện tại, chiến dịch quân sự của Nga đã diễn ra theo hướng tương đối dễ đoán: Không bên nào có đủ khả năng mở các cuộc tấn công lớn chọc thủng phòng tuyến của đối phương và nhanh chóng giành được lợi thế trên chiến trường. Thay vào đó, các nhóm lính nhỏ, chủ yếu dựa vào pháo binh và máy bay không người lái (UAV), tiến lên phía trước để giành lấy từng tấc đất.
Bất chấp tổn thất lớn ở Avdiivka, các quan chức Mỹ cho rằng Nga sẽ tiếp tục gây áp lực lên các lực lượng Ukraine ở nhiều nơi trên chiến tuyến, nhằm làm lực lượng Ukraine dàn mỏng và suy yếu. Ukraine đang phải hứng chịu thất bại trên chiến trường và tinh thần sa sút hơn khi cạn nguồn viện trợ, không chắc phương Tây, dẫn đầu là Mỹ có tiếp tục hỗ trợ hay không.
Tuy nhiên, quân Nga không có lực lượng dự bị có thể lập tức khai thác sức mạnh phòng thủ suy yếu của Ukraine từ việc rút lui khỏi Avdiivka, các quan chức Mỹ nhận định. Các cơ quan tình báo Mỹ đánh giá rằng bộ chỉ huy quân sự Nga đã hy vọng tạo ra một lực lượng tấn công có khả năng tạo đột phá tiền tuyến nhanh chóng, nhưng kế hoạch này chưa thực hiện được do phải dồn lực tăng cường phòng thủ trước cuộc phản công của Ukraine năm ngoái.