Chàng tài xế mê sáng tạo ghe ngo và ghe cà hâu mini

Là tài xế xe tải chuyên chở hàng hóa giao cho khách trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, nhưng khi trở về nhà lại đam mê với việc sáng tạo những chiếc ghe ngo và ghe cà hâu mini của các chùa có đội ghe tham gia Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo truyền thống tỉnh Sóc Trăng hàng năm - đó là anh Kim Hưng, đang sinh sống tại xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành (Sóc Trăng).

Để đến nhà anh Kim Hưng, tôi phải men theo con đường nhỏ gập ghềnh trên bờ kênh thuộc ấp Trà Canh A2, xã Thuận Hòa. Gặp anh trong lúc đang chuẩn bị sơn phết, vẽ hoa văn cho những sản phẩm mô hình ghe ngo và ghe cà hâu thu nhỏ của mình. Khi hỏi thăm về niềm đam mê, anh Kim Hưng kể: “Hồi nhỏ, tôi rất thích môn đua ghe ngo. Thấy vậy, ông ngoại tôi bắt đầu kiếm cây điên điển khô tạo dáng cong như chiếc ghe ngo để cho con cháu có trò vui chơi. Được vài năm sau, ông ngoại tiếp tục sáng tạo mô hình chiếc ghe ngo mini bằng cây bình bát. Bởi loại cây này dễ kiếm, dễ đục đẽo và dễ tạo dáng ghe ngo thu nhỏ. Những sản phẩm ghe ngo mini của ông ngoại tôi làm ra cũng đơn giản chỉ sơn một màu đen, trắng. Từ đó, tôi bị cuốn hút và bắt đầu hứng thú tìm tòi, tự làm theo mô hình ghe ngo thu nhỏ”.

Anh Kim Hưng đang chăm chút vẽ những đường nét hoa văn trên sản phẩm chiếc ghe của mình. Ảnh: THẠCH PÍCH

Anh Kim Hưng hiện đang làm nghề tài xế xe tải cho một doanh nghiệp ở TP. Sóc Trăng, chuyên chở hàng hóa giao cho khách hàng trên địa bàn tỉnh. Với sự đam mê của mình, mỗi khi trở về nhà, anh tranh thủ thời gian đi kiếm chặt nguyên liệu là cây bình bát rừng để đem về phơi khô, đến công đoạn đục đẽo, tạo mô hình chiếc ghe ngo mini. Mỗi tác phẩm sáng tạo ra, anh luôn cố gắng tái hiện những chi tiết hoa văn thật nhất, đúng nhất với bản mẫu và giữ được trọn vẹn hồn cốt của chiếc ghe ngo thực ngoài đời của các chùa.

Đang sơn phết hoa văn để hoàn thiện cho chiếc ghe ngo mini, anh Kim Hưng giới thiệu: “Đây là mô hình chiếc ghe ngo của chùa Tum Pók Sók từng một thời “thống trị” ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, chiếc ghe cà hâu của chùa Bâng Kók và một chiếc ghe ngo ở tỉnh Kiên Giang do một số chùa đặt hàng. Để có được những tác phẩm đẹp như ngày hôm nay, bản thân tự mày mò, cách phối màu, chăm chút tỉ mỉ từng đường nét hoa văn. Sau những năm tháng kiên trì tự học và khoảng chục năm nay, sản phẩm của tôi làm ra được khoảng hơn 100 chiếc ghe ngo mini, với kích thước từ 80 - 120cm. Còn mô hình chiếc ghe cà hâu, tôi mới thực hiện khoảng 4 năm nay, được hơn 10 chiếc. Mỗi chiếc, khi đục đẽo xong, khâu quan trọng nhất cũng là phần vẽ họa tiết, phối màu sắc, đảm bảo được sự sắc sảo, tinh tế, tô lên nét đặc trưng, sinh động của từng chiếc ghe. Ban đầu, tôi làm trong thời gian rảnh cho thỏa niềm đam mê, sau đó chia sẻ lên trang “Hội người yêu thích ghe ngo” trên facebook. Ai ngờ nhận được hiệu ứng tích cực, nhiều người đặt mua nên làm bán theo đơn đặt hàng. Giờ tôi làm không kịp cho khách. Hiện chùa Ompuyear đặt tôi làm 10 chiếc ghe ngo để tặng phật tử. Tôi cảm thấy rất vui và vinh hạnh được nhiều sư sãi và khách hàng ủng hộ. Những sản phẩm của tôi ngoài bán ra cho một số chùa Khmer trong tỉnh, còn bán cho một số chùa ở các tỉnh, như: Trà Vinh, Kiên Giang, Hậu Giang và những người đam mê ở tỉnh Bình Dương, Đồng Nai…”.

Mỗi sản phẩm ghe ngo, hoặc ghe cà hâu thu nhỏ làm ra đều mang tính nghệ thuật, đòi hỏi người làm phải chăm chú, tỉ mỉ trong từng họa tiết, hoa văn. Tùy theo kích cỡ, anh Kim Hưng có thể hoàn thiện sản phẩm trong vòng nửa tháng/chiếc. Giá bán mỗi sản phẩm dao động từ 1 - 1,5 triệu đồng tùy kích cỡ, độ khó. Nhờ nghề “tay trái” này, anh Kim Hưng có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình.

Hiện nay, anh Kim Hưng mong muốn làm thêm nhiều mô hình ghe ngo, hoặc ghe cà hâu thu nhỏ đặc trưng ở từng chùa Khmer để giới thiệu cho những du khách gần xa và chia sẻ niềm đam mê của mình với nhiều người.

THẠCH PÍCH

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/chang-tai-xe-me-sang-tao-ghe-ngo-va-ghe-ca-hau-mini-58913.html