Chẳng may chia tay V-League…

Sau trận thua Hoàng Anh Gia Lai 1-4 ở vòng đấu cuối V-League 2019, trợ lý huấn luyện viên HLV Nguyễn Văn Đồng nói: 'Sanna Khánh Hòa BVN sẽ nỗ lực hết sức ở giải hạng Nhất để tìm đường quay lại V-League trong thời gian sớm nhất.

Nhưng rất nhiều khó khăn đang chờ đón không chỉ với Sanna Khánh Hòa BVN mà với bất kỳ đội nào chẳng may chia tay V-League”.

Là chẳng may, là không may, là vận đen, vận rủi với bất kỳ đội bóng nào bị xuống hạng. Đã qua rồi cái thời các đội bóng năm nay xuống hạng Nhất, năm sau giành quyền thăng hạng. Đồng Tháp là ví dụ rõ nhất, khi đội bóng xứ bưng biền có giai đoạn xuống hạng-lên hạng đều như mùa nước lũ về. Nhưng mấy năm nay, Đồng Tháp vẫn lặn ngụp ở giải hạng Nhất và trôi nổi chưa biết ngày nào mới trở lại V-League.

Cầu thủ Thanh Hóa thi đấu lăn xả trước cầu thủ Becamex Bình Dương. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG.

Không phải vô cớ mà trong giai đoạn khó khăn của mùa giải V-League 2019, cầu thủ Thanh Hóa đã khóc sau khi thua trận. Xuống hạng đồng nghĩa với việc giảm lương, thưởng, cuộc sống bấp bênh, gia đình khó khăn… và còn bao nhiêu rủi ro không thể dự đoán. Nhưng điều có thể dự đoán dễ hơn cả, nếu như nhìn vào cảnh các đội bóng xuống hạng trong những năm qua, đó là gần như một đi không trở lại. XSKT Cần Thơ từng “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” đến mức thay nguyên cả đội hình mỗi mùa giải thì nay cũng “hết hơi” ở giải hạng Nhất.

Đó là chưa kể hàng loạt các đội bóng miền Tây sau khi xuống hạng Nhất cũng chấp nhận tụt thêm hạng nữa để "vui thú" hạng Nhì. Theo tính toán, để chơi ở giải hạng Nhì, một đội bóng có 5-6 tỷ đồng/năm là sống khỏe; ở hạng Nhất cần ít nhất gấp đôi con số trên nhưng để thăng hạng thì phải có rất nhiều tiền.

Xuống hạng đồng nghĩa với cắt giảm tài trợ, ngân sách tỉnh nhà rót xuống cho đội cũng giảm. Thế nên trợ lý huấn luyện viên HLV Nguyễn Văn Đồng của Sanna Khánh Hòa BVN mới bảo “rất nhiều khó khăn đang chờ đón không chỉ với Sanna Khánh Hòa BVN mà với bất kỳ đội nào chẳng may chia tay V-League”.

Sanna Khánh Hòa BVN có sự ổn định bậc nhất trên băng ghế huấn luyện ở V-League, có dàn cầu thủ nội khá ngon nhưng cái “chết” của đội bóng thành phố biển Nha Trang là họ không có tiền để chiêu mộ ngoại binh. Nhìn vào mức lương cho ngoại binh tầm 5.000USD/tháng ở Sanna Khánh Hòa BVN đủ để biết chất lượng cầu thủ hay, dở thế nào. Xuống hạng, không khéo ngoại binh gia nhập Sanna Khánh Hòa BVN chỉ còn nhận lương 3.000USD/tháng. Ấy là tính toán trên bàn giấy, còn đội bóng có tiền trả lương cho ngoại binh hay không lại là chuyện khác.

Trợ lý HLV Nguyễn Văn Đồng chua xót tâm sự: “Làm lại từ đầu không hề đơn giản bởi nhiều trụ cột hết hợp đồng, họ sẽ tìm bến đỗ mới ở các đội bóng thi đấu ở V-League có thu nhập cao hơn. Nhiều cựu binh luống tuổi cũng sẽ ra đi hoặc giải nghệ. Cái khó lớn nhất chính là việc đi tìm nhà tài trợ. Không có kinh phí hoặc kinh phí không dồi dào là rào cản mà nhiều câu lạc bộ không thể vượt qua…”. Người trong cuộc luôn hiểu rõ hoàn cảnh nhất. Vừa mới xuống hạng thôi mà các thành viên Sanna Khánh Hòa BVN đã thấy gian nan ngày trở về V-League.

Thanh Hóa không hề may mắn khi tạm trụ hạng (sẽ đấu play-off trụ hạng với Phố Hiến), bởi đội bóng của bầu Đệ đã có một mùa giải thất bại toàn tập. Đội bóng xứ Thanh giành quyền đá play-off trụ hạng là vì họ dở ít hơn đội dở nhiều Sanna Khánh Hòa BVN . Giả dụ Thanh Hóa xuống hạng Nhất, cũng sẽ là muôn trùng khó khăn bủa vây đội trong hành trình trở lại giải đấu đỉnh cao nhất của bóng đá nước nhà.

Các thành viên của đội bóng Thanh Hóa đang lo mất ăn, mất ngủ. Nhìn cảnh Đình Tùng, Văn Thắng cùng đồng đội chào người hâm mộ xứ Thanh trên sân Gò Đậu như muốn khóc, sau trận hòa 1-1 trước Becamex Bình Dương ở vòng đấu cuối, mới thấy họ đã phải sống trong nỗi sợ xuống hạng suốt thời gian dài vừa qua. Thắng trận play-off, Thanh Hóa sẽ trụ hạng thành công hay tiếp tục sống trong nỗi sợ hãi khác?

CẨM TÚ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/chang-may-chia-tay-v-league-598218