'Chân dung' tự bạch của các họa sĩ vẽ chân dung

Với nhiều họa sĩ, vẽ chân dung giống nhân vật mẫu là yếu tố cần, nhưng chưa đủ. Ở tranh chân dung, người họa sĩ vừa phải làm bật lên thần thái của nhân vật, vừa thể hiện rõ 'chân dung' của chính mình, là phong cách, bút pháp và quan điểm hội họa.

Tìm “chân dung” họa sĩ trong các tác phẩm không vẽ mình

Triển lãm điêu khắc, tranh “Chân dung” của các họa sĩ nhóm G39 đang diễn ra tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Xoay quanh chủ đề chân dung, với đa dạng bút pháp, cách thể hiện, chất liệu, các họa sĩ đã mang đến 38 tác phẩm nghệ thuật gồm điêu khắc và tranh để giới thiệu đến công chúng Thủ đô cũng như người yêu nghệ thuật.

Khán giả trong ngày khai mạc triển lãm

Dù khác biệt về ngôn ngữ hội họa và cách thể hiện, nhưng ở thể loại chân dung, các họa sĩ lại gặp nhau ở quan niệm chung. Họ đều cho rằng: Vẽ tranh chân dung không nhất thiết phải vẽ tỉ mỉ, chi tiết bên ngoài nhân vật cho thật giống. Cốt yếu là vẽ sao cho “nảy” lên thần thái của nhân vật và bức tranh phải mang giá trị nghệ thuật.

Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, chân dung là thể loại phổ thông, quen thuộc trong hội họa. Trước đây, nhóm họa sĩ G39 đã bàn bạc và quyết định làm series triển lãm gồm có tĩnh vật, phong cảnh và chân dung. Nhưng cuối cùng, chân dung là triển lãm đầu tiên trong series bộ ba này vì nó rất lạ.

Giấy, màu, bút được chuẩn bị sẵn để các họa sĩ vẽ tặng khách tham quan trong ngày khai mạc

Họa sĩ Lê Thiết Cương nói: “Trong bức tranh chân dung bao giờ cũng có hai chân dung: chân dung người mẫu và chân dung tác giả. Nếu bức chân dung không đạt được hai cái đó thì thất bại”. Anh giải thích, chân dung tác giả chính là phong cách, quan điểm hội họa của người họa sĩ ẩn sau tranh vẽ của họ. Ngoài việc vẽ chân dung sao cho giống mẫu, họa sĩ phải cho thấy phong cách của họ, chân dung của họ thì mới đảm bảo đó là bức chân dung đẹp.

Các họa sĩ vẽ tặng khách ngay tại chỗ

Họa sĩ Phương Bình đang vẽ tặng khách

Thể loại chân dung giúp bộc lộ cá tính của từng họa sĩ, vì chân dung rất khắt khe, đòi hỏi phải vẽ giống nhân vật, phải “ra” được người họa sĩ, Lê Thiết Cương nhận định. Anh cũng cho rằng: Nếu bức tranh chỉ đơn thuần vẽ giống mẫu, thì mới dừng lại ở mức độ tranh truyền thần.

Phạm Trần Quân với những nét vẽ thẳng băng, tung hoành ngang dọc, mạnh mẽ

Chung quan điểm trên, họa sĩ, võ sư Phạm Trần Quân cũng coi trọng chất nghệ thuật hơn là tỉ mẩn vẽ sao cho giống khi thể hiện chân dung. “Tranh chân dung cần nghệ thuật chứ không cần chân dung. Tức là ngoài việc thể hiện nhân vật mẫu, thì nó phải là tranh nghệ thuật. Nếu không, chỉ cần ra Hàng Đường vẽ truyền thần hoặc bấm máy ảnh là xong. Thực ra, người họa sĩ vẽ là vẽ mình, cái tác phong, suy nghĩ, tính cách mình”, anh Quân chia sẻ.

Chiêm nghiệm cuộc sống từ những khuôn mặt người

Gần 40 tác phẩm nghệ thuật về chân dung, nhưng thông điệp mà mỗi họa sĩ muốn mang đến không hoàn toàn là sự lột tả hay khắc họa cụ thể về những con người xuất hiện trong tranh của họ. Ẩn sau khuôn mặt người, những gương mặt bị xóa nhòa các đường nét, chi tiết đặc tả, nhiều bức chỉ còn là một hình người, bóng người... là những suy tư, trăn trở của các họa sĩ về cuộc sống.

Tác phẩm của họa sĩ Lê Thiết Cương

Dựng chân dung qua các mảnh gốm ghép trên cốt composit, với phong cách tối giản đã xây dựng và theo đuổi từ lâu, họa sỹ Lê Thiết Cương bỏ qua các chi tiết trên mặt người, chỉ còn lại khung hình người chẳng rõ nam, nữ. Nhưng những mảnh gốm to, nhỏ đủ hình thù, góc cạnh được sắp đặt cạnh nhau, hoặc chừa ra vài lỗ hổng mở ra không gian tối đen, sâu thẳm trong lõi tượng cũng đủ khiến nhiều người liên tưởng đến sự đa diện, phức tạp ẩn trong mỗi con người.

Họa sĩ Lê Thiết Cương nhắn nhủ: Khi xem tranh chân dung hãy xem tác phẩm đừng tò mò cô này, ông kia trong tranh là ai. Tranh là đích cuối cùng, còn nhân vật mẫu chỉ là ga khởi hành, cảm hứng ban đầu để người họa sĩ thăng hoa và bộc lộ và truyền cảm xúc của mình vào tranh.

Nhiều họa sĩ mải mê thể hiện tâm tư, tình cảm bằng nguồn cảm hứng ngoại sinh, từ chân dung người khác, thì nhiều họa sĩ cũng bộc bạch bản thân qua chân dung của chính mình. Hoàng Thị Phương Liên là một trong những họa sĩ như vậy. Điểm đặc biệt ở nữ họa sĩ này là làm tranh xé giấy, thể loại Phương Liên đã theo đuổi từ lâu và cũng gặt hái được nhiều thành công từ đó.

Nữ họa sĩ bộc bạch: “Mọi người vẽ rất nhiều chân dung người khác, còn tôi vẽ chân dung tôi. Tôi chuyên xé giấy và vẽ cũng nhiều đề tài. Ở triển lãm lần này, trước đề tài mình ước mơ, tôi như đứng ở giữa sa mạc, nơi có những cây xương rồng mạnh mẽ vươn lên từ đất đai khô cằn. Thông điệp tôi muốn nhắn gửi là cần giữ vững tinh thần, đừng ngại khó. Càng khó khăn, càng phải vượt lên”.

Tác phẩm điêu khắc của họa sĩ Phương Bình

Tranh vẽ của Phương Bình

Còn Phương Bình, nữ họa sĩ dường như dành cả đời mỹ thuật để vẽ và làm điêu khắc về đề tài phụ nữ khỏa thân vẫn mải mê theo đuổi hình tượng người đàn bà trong các sáng tác nghệ thuật của mình. Cô dựng tượng tôn vẻ đẹp đường cong người phụ nữ, đồng thời khắc họa tâm lý ưu tư, nhiều xáo trộn của họ trong các bức tranh.

Trong khi đó, họa sĩ Nguyễn Minh lại soi chiếu chân dung con người trong “chân dung” cuộc sống để gợi lên nhiều suy tưởng trong người xem về môi trường sống, thiên nhiên và cảnh quan đô thị. Tham gia triển lãm với hai bức tranh vẽ mang tên Face 2, Face 3, Nguyễn Minh dùng ngôn ngữ hội họa lập thể để tái hiện sinh động những trăn trở của anh về sự biến đổi không ngừng của cuộc sống.

Họa sĩ Nguyễn Minh tâm sự: “Tôi muốn biết giới trẻ bây giờ sẽ nghĩ gì về sự đổi mới của xã hội, trong đó có phố cổ và sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin khiến cuộc sống đổi khác liên tục thì chúng ta cần làm gì, sống chậm lại hay như thế nào”.

Những suy tưởng về sự biến đổi của phố cổ trong tranh chân dung của Nguyễn Minh

Nguyễn Minh dùng hình ảnh phố, sự lồng ghép, đan xen giữa mới và cũ, hiện đại và truyền thống ẩn cài trong những gương mặt người để gợi lên những trăn trở: Trước mỗi giá trị cuộc sống, giá trị truyền thống đang cần lưu giữ, người trẻ suy nghĩ gì? Ở bức tranh khác, anh dùng hình ảnh những cái cây để bàn đến vấn đề môi trường.

Bên cạnh những trăn trở về giá trị truyền thống, môi trường cũng được Nguyễn Minh đưa vào các tác phẩm của mình. Dùng những gam màu nóng, chiếm phần lớn diện tích bức tranh, anh như muốn gióng lên hồi chuông cảnh báo về biến đổi khí hậu và môi trường thiên nhiên xung quanh.

Họa sĩ Nguyễn Minh trầm tư: “Hình ảnh chính trong bức chân dung gần như nóng rực lên. Nó như suy nghĩ, trăn trở của một người bất kỳ, giống tôi, về môi trường. Tôi lồng ghép 3 hình ảnh cây, đan xen vào nhau, cái ẩn cái hiện, đằng sau đó còn có nhiều lớp cây khác thể hiện cho nhiều thế hệ chúng ta, nhiều con người chúng ta. Hãy tưởng tượng nếu mỗi chấm màu là một chân dung của ta, thì ta sẽ suy nghĩ gì về chân dung chính mình?”

Với Nguyễn Minh, thể hiện chân dung, không chỉ là khắc họa một khuôn mặt, một hình dáng của một con người cụ thể, mà là chân dung con người, suy nghĩ của những người trẻ trong sự biến chuyển của xã hội, đời sống. Nói cách khác là soi chiếu chân dung con người trong “chân dung” đời sống xã hội.

Nhóm G39 Hà Nội quy tụ khoảng 20 họa sỹ thuộc nhiều độ tuổi khác nhau: Trịnh Tú, Đỗ Dũng, Tào Linh, Lê Thiết Cương, Nguyễn Hồng Phương, Doãn Hoàng Lâm, Nguyễn Hồng Phương, Ngô Bình Nhi… Mỗi họa sĩ đều mang một phong cách riêng, độc đáo. Kể từ khi thành lập, nhóm họa sỹ G39 đã cùng thực hiện nhiều triển lãm, thu hút được sự quan tâm rộng rãi của công chúng và giới làm nghề mà tiêu biểu là Triển lãm “Bột màu báo cũ” (2015) nhằm tôn vinh loại chất liệu cũ, gắn liền với những họa sỹ thuộc thế hệ 6X, 7X; vẽ trực họa làng Cự Đà, tôn vinh giấy dó hay triển lãm “Khói trời mênh mông” (2016) nhân kỷ niệm 15 năm ngày mất của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. “Chân dung” là sự tiếp nối của chuỗi hoạt động nhóm G39 trong năm 2017.

Minh Minh

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/chan-dung-tu-bach-cua-cac-hoa-si-ve-chan-dung-79310.html