Chân dung 'đại gia điếu cày' Lê Thanh Thản vừa bị truy tố tội lừa dối khách hàng
Khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng, 'đại gia điếu cày' Lê Thanh Thản trở thành 'ông trùm' trong giới bất động sản giá rẻ, sở hữu 60 khách sạn trên toàn quốc.
"Ông trùm" bất động sản giá rẻ
Ông Lê Thanh Thản (73 tuổi, quê Diễn Châu, Nghệ An), Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP sản xuất, xuất nhập khẩu Bemes (Công ty Bemes), Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, thường được gọi với cái tên "đại gia điếu cày".
Thời gian đầu chuyển từ công chức sang kinh doanh, ông Thản lập nghiệp bằng nghề đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở miền núi (công ty tư nhân đầu tiên thành lập năm 1987).
Đến đầu những năm 1990, ông Thản thành lập Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu (sau đổi thành Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 Lai Châu và nay là Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên), có trụ sở tại Điện Biên.
Sau ngày thành lập, doanh nghiệp tư nhân của ông Thản mở rộng thị trường xây dựng ở nhiều tỉnh khác trong nước và cả Lào.
Năm 1997, khách sạn đầu tiên mang thương hiệu Mường Thanh được thành lập tại TP Điện Biên. Từ đó đến nay, hàng loạt khách sạn mang thương hiệu Mường Thanh đã lần lượt xuất hiện trên khắp các tỉnh thành cả nước.
Khi đã có trong tay một số vốn, ông Thản về Hà Nội để phát triển sự nghiệp thông qua kinh doanh bất động sản. Xác định chiến lược kinh doanh mua rẻ - bán rẻ”, “đại gia điếu cày” cho ra đời hàng loạt các dự án nhà giá rẻ tại Hà Nội như khu đô thị Xa La (Hà Đông), Linh Đàm (Hoàng Mai), Kim Văn Kim Lũ (Hoàng Mai), Đại Thanh (Thanh Trì),...
Tháng 10/2012, Công ty CP Tập đoàn Mường Thanh được đăng ký kinh doanh lần đầu với vốn điều lệ 200 tỷ đồng.
Tính đến 2015, Công ty Tập đoàn Mường Thanh đều thuộc sở hữu của gia đình ông Lê Thanh Thản. Trong đó ông Lê Thanh Thản nắm 70%, bà Lê Thị Hoàng Yến, con gái của ông Lê Thanh Thản nắm giữ 20% và ông Đỗ Trung Kiên (chồng bà Yến) nắm giữ 10%.
Năm 2013, bà Lê Thị Hoàng Yến chính thức trở thành Tổng Giám đốc chuỗi khách sạn Mường Thanh. Ngược với bất động sản, mảng khách sạn, nghỉ dưỡng của ông Thản lại được xây dựng với tiêu chuẩn từ 3-5 sao. Đến nay, chuỗi khách sạn này đã có 60 đơn vị thành viên, chia làm 4 phân khúc gồm Mường Thanh Luxury, Mường Thanh Grand, Mường Thanh Holiday và Mường Thanh.
"Ngã ngựa" vì tội lừa dối khách hàng
Mới đây, ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP sản xuất, xuất nhập khẩu Bemes (Công ty Bemes), Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh vừa bị Viện KSND TP Hà Nội truy tố về tội "Lừa dối khách hàng" quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 198 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Ông Thản bị truy tố do liên quan đến những sai phạm xảy ra tại dự án CT6 Kiến Hưng (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội)
Tại dự án này, ông Thản đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng sai phạm nghiêm trọng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với khối nhà cao tầng đã tăng diện tích xây dựng, tăng chiều cao công trình, thay đổi công năng sử dụng; xây dựng tăng căn hộ và xây thêm có 438 căn hộ; khu nhà thấp tầng được quy hoạch 15 căn 3 tầng đã được tăng lên thành 38 căn 4 tầng, xây chồng lấn lên phần đất quy hoạch xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo.
Ngoài ra, phần diện tích từ tầng 2 đến tầng 4 vốn là khu dịch vụ, thương mại nhưng đã được chuyển thành căn hộ để bán.
Cơ quan điều tra kết luận, các căn hộ mà ông Lê Thanh Thản tổ chức xây dựng bất hợp pháp, không đúng quy hoạch được duyệt, đã được bàn giao, nhưng 520 khách hàng không được Nhà nước công nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất. Thiệt hại về tài sản gây ra cho 520 khách hàng là hơn 56 tỷ đồng.
Số tiền ông Thản thu lời bất chính sau khi đối trừ tiền thuế giá trị gia tăng là 481,2 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ án này, các bị can Đỗ Văn Hưng, cựu Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng, quận Hà Đông; 2 cựu Phó chủ tịch phường gồm Nguyễn Duy Uyển và Bùi Văn Bằng; Nguyễn Văn Năm, cựu Chánh thanh tra Xây dựng quận Hà Đông; Vương Đăng Quân, cựu Phó chánh thanh tra và cựu cán bộ thanh tra Mai Quang Bài cùng bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Không chỉ dự án CT6 Kiến Hưng, nhiều dự án do doanh nghiệp của "đại gia điếu cày" cũng được phát hiện là có nhiều sai phạm.
Tập đoàn Mường Thanh đầu tư 12 dự án tại TP Hà Nội. Thanh tra TP Hà Nội thanh tra 9 dự án, gồm: CT5 Tân Triều; VP6 Linh Đàm; HH1, HH2, HH3, HH4 thuộc ô CC6 khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm; CT6 Kiến Hưng, VP5 Linh Đàm và VP3 Linh Đàm. Ba dự án còn lại (gồm khu đô thị Xa La; dự án CT11, CT12 khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ, quận Hoàng Mai; dự án Đại Thanh, huyện Thanh Trì) đã được Thanh tra Chính phủ thanh tra.
Qua thanh tra cho thấy, 9 dự án đều có nhiều vi phạm nghiêm trọng luật Đầu tư, luật Đất đai, luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản, luật Quản lý thuế.
Đối chiếu quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 thì 9/9 dự án có tình trạng vi phạm quy hoạch nghiêm trọng như: tăng chiều cao công trình; tăng diện tích xây dựng khối đế, khối tháp, tầng hầm; chuyển đổi mục đích sử dụng từ văn phòng, dịch vụ thương mại thành căn hộ ở; xây dựng tăng số lượng căn hộ với số lượng lớn, có dự án tăng gấp 6 lần số căn hộ được phê duyệt.
Không những vậy, các dự án này không thực hiện các thủ tục chuyển nhượng dự án theo quy định; không tiếp tục hoàn thành các thủ tục pháp lý của dự án như: thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất; chưa nộp đầy đủ nghĩa vụ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; chưa được cấp phép xây dựng đã tiến hành khởi công xây dựng công trình;...