Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ

Sư đoàn 377 (Quân chủng PK-KQ) có nhiệm vụ HLSSCĐ, quản lý, bảo vệ vững chắc vùng trời Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Trường Sa thân yêu của Tổ quốc... Sư đoàn đã đẩy mạnh tăng gia, chăn nuôi, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống bộ đội, góp phần xây dựng Sư đoàn vững mạnh toàn diện 'Mẫu mực, tiêu biểu', hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thượng tá Đỗ Kim Đoàn, Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 377 chia sẻ: “Nhận thức rõ vai trò của việc bảo đảm tốt đời sống đối với sức mạnh chiến đấu của đơn vị, để nâng cao chất lượng công tác bảo đảm hậu cần nói chung, đời sống bộ đội nói riêng, Phòng Hậu cần chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn và hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó tập trung đột phá nâng cao chất lượng công tác nuôi dưỡng, cải thiện điều kiện sinh hoạt và chăm sóc sức khỏe bộ đội”.

 Phát triển tăng gia sản xuất tại Trạm Ra đa 20, Trung đoàn 292, Sư đoàn 377.

Phát triển tăng gia sản xuất tại Trạm Ra đa 20, Trung đoàn 292, Sư đoàn 377.

Được biết, xuất phát từ đặc thù nhiệm vụ, các đơn vị thuộc Sư đoàn đóng quân phân tán trên 05 tỉnh ven biển, miền núi và hải đảo. Phần lớn địa bàn đơn vị đứng chân ở vùng kinh tế - xã hội chưa phát triển mạnh; thời tiết, khí hậu khắc nghiệt; đất đai cằn cỗi; nguồn nước ngọt khan hiếm, nhiễm mặn… gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo đảm đời sống bộ đội. Nhằm chủ động tạo nguồn thực phẩm tại chỗ vững chắc, chủ trương của Sư đoàn là huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh tăng gia sản xuất theo hướng “Tập trung, cơ bản, đẹp, thống nhất, hiệu quả, vững chắc”. Phòng Hậu cần đã tham mưu, đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn quy hoạch lại tổng thể mặt bằng doanh trại, khu vực chăn nuôi, trồng trọt và xác định mô hình tăng gia sản xuất của từng đơn vị.

Theo đó, những đơn vị đóng quân có địa hình bằng phẳng như khối cơ quan, đơn vị trực thuộc Sư đoàn; cơ quan Trung đoàn 292...., tập trung củng cố doanh trại và tổ chức nạo vét, đào mới thêm ao thả cá, vừa mở rộng quy mô nuôi cá vừa duy trì nguồn nước tưới cho cây trồng; tổ chức tăng gia sản xuất theo mô hình vườn - ao - chuồng. Những đơn vị đóng quân trong bán đảo gặp rất nhiều khó khăn về nước nên chủ yếu tổ chức theo mô hình vườn - chuồng. Một số đơn vị đóng quân ở vùng Tây Nguyên, đất đai rộng, thời tiết khí hậu thuận lợi, tổ chức phát triển mạnh vườn - chuồng - trồng cây cà phê và các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao.

Trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, cùng với nguồn kinh phí của trên, trích quỹ vốn, toàn Sư đoàn đã huy động hàng ngàn ngày công bộ đội để san gạt lớp đất bạc màu bên trên, khai thác đất màu, bùn ao, trấu… kết hợp với ủ phân xanh, phân chuồng hoai mục để cải tạo tầng canh tác, góp phần tăng năng suất, hiệu quả trồng trọt. Căn cứ vào điều kiện thực tế, các tiểu đoàn tên lửa, trạm ra-đa, đại đội pháo phòng không… đóng quân độc lập đều lựa chọn khu vực hợp lý để xây dựng vườn rau có mái che bằng lưới với diện tích từ 50 - 100 m2 nhằm hạn chế tác động bất lợi của thời tiết, áp dụng công nghệ cao để trồng rau cao cấp và ươm rau giống.

Đặc biệt, để khắc phục khó khăn về nước tưới, cùng với quy hoạch lại khu vực vườn, giàn, các đơn vị trực thuộc sư đoàn, cơ quan Trung đoàn 292 huy động công sức bộ đội để nạo vét, đào trên 3.200 m2 ao ở khu vực thấp, trũng để tích trữ nước tưới rau trong mùa khô, đồng thời tổ chức chăn thả cá vào mùa mưa. Các đơn vị đóng quân trên đảo xây dựng vườn trồng rau trong nhà lưới với diện tích mỗi vườn khoảng 100 m2, xây tường bao xung quanh để chắn gió, hơi muối mặn. Với phương châm vừa trồng, vừa cải tạo và mở rộng diện tích, đến nay, toàn Sư đoàn có trên 90.000 m2 vườn, giàn, trên 10.000 m2 vườn trồng rau trong nhà lưới. Vườn rau các đơn

vị được phân lô, chia thửa hợp lý, đường nội đồng, mương tưới tiêu nước được xây dựng cơ bản, tạo thành hệ thống vườn tăng gia cơ bản, khoa học.

 Thường xuyên kiểm tra công tác chế biến, bảo đảm bữa ăn cho bộ đội.

Thường xuyên kiểm tra công tác chế biến, bảo đảm bữa ăn cho bộ đội.

Cùng với việc duy trì và phát triển hệ thống vườn, giàn, các đơn vị còn tích cực củng cố hệ thống chuồng chăn nuôi; tổ chức chăn nuôi lợn, bò, dê, các loại gia cầm và nuôi cá nước ngọt. Do đặc thù các đơn vị đóng quân phân tán, nên hình thức chăn nuôi lợn quy mô nhỏ cấp tiểu đoàn, đại đội, trạm gắn với bếp ăn tập trung là chủ yếu; duy trì đầu lợn theo chỉ tiêu 3 - 3,5 người/con. Mỗi đầu mối cấp tiểu đoàn nuôi từ 02 - 05 con lợn nái để tự bảo đảm một phần con giống. Kết hợp chăn nuôi bằng thức ăn công nghiệp với tận dụng thức ăn thừa, phụ phẩm của nhà bếp. Ngoài chăn nuôi lợn, các đơn vị có điều kiện diện tích mặt nước, đẩy mạnh chăn nuôi thủy cầm; các đơn vị có diện tích đất đai rộng, tổ chức chăn nuôi bò, lợn rừng…, đào ao nuôi cá. Riêng khu chăn nuôi tập trung của Sư đoàn, Trung đoàn 292, Trung đoàn 591 tổ chức chăn nuôi bò, dê để chủ động nguồn thực phẩm bảo đảm bữa ăn ngày lễ, tết và khi gặp khó khăn trong tạo nguồn.

Bên cạnh những nỗ lực phát triển tăng gia sản xuất, Sư đoàn 377 đã có nhiều biện pháp bảo đảm nước sinh hoạt cho bộ đội trong điều kiện nguồn nước ngọt khan hiếm. Vào mùa khô, nguồn nước quốc doanh cung cấp cho các đơn vị đóng quân ở khu vực duyên hải thuộc tỉnh Khánh Hòa không ổn định. Năm 2019, Sư đoàn đã chủ động lấy mẫu nước giếng khoan trong bán đảo Cam Ranh, gửi Viện Y học dự phòng Quân đội phía Nam kiểm tra, đánh giá, xác định chất lượng nước đảm bảo cho sinh hoạt. Trên cơ sở đó, Sư đoàn đề xuất và được cấp trên phê duyệt phương án đầu tư cải tạo hệ thống giếng khoan, lắp đặt 20 km đường ống dẫn nước và xây dựng các bể chứa, trạm bơm trung chuyển để chủ động nguồn nước bảo đảm cho các đơn vị thuộc khu vực thành phố Cam Ranh. Năm 2021, hệ thống đi vào hoạt động đã khắc phục cơ bản tình trạng thiếu nước, nhất là nước sinh hoạt trong mùa khô ở các đơn vị đóng quân trên khu vực này.

Đối với các đơn vị đóng quân ở khu vực thành phố Phan Rang Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận), chưa có điều kiện sử dụng nước quốc doanh, nguồn nước giếng khoan của đơn vị bị nhiễm mặn, Sư đoàn đã chủ động liên hệ, đầu tư lắp đặt hệ thống máy bơm, đường ống để khai thác nguồn nước từ Trung đoàn 937/ Sư đoàn 370 để bảo đảm. Đồng thời, đề nghị cấp trên quan tâm, đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống khai thác nước quốc doanh cho đơn vị trong thời gian tới.

Đối với các đơn vị đóng quân trên đảo, được trang bị hệ thống máy lọc nước biển, song lượng tiêu thụ điện cao, trong khi nguồn điện còn khó khăn nên bộ đội triệt để thu, tích trữ nước mưa, bảo đảm đủ nhu cầu sinh hoạt thường xuyên.

 Theo dõi, vận hành trạm bơm nước của khối cơ quan Sư đoàn 377.

Theo dõi, vận hành trạm bơm nước của khối cơ quan Sư đoàn 377.

Do địa bàn đóng quân của Sư đoàn rộng, nhiều khu vực còn lưu hành dịch sốt rét, sốt vi rút nguy cơ dịch bệnh bùng phát cao… Để bảo đảm tốt sức khỏe bộ đội, ngành Hậu cần, trực tiếp là ngành Quân y chủ động hiệp đồng chặt chẽ với hệ thống y tế dự phòng ở từng địa phương, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn và thường xuyên tiến hành các biện pháp phòng dịch bệnh. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, hướng dẫn bộ đội hình thành nếp sống vệ sinh, khoa học. Duy trì nền nếp chế độ vệ sinh doanh trại theo quy định. Duy trì chặt chẽ công tác quản lý sức khỏe bộ đội, chế độ khám sức khỏe định kỳ; qua đó, nắm chắc tình trạng sức khỏe từng đồng chí, tăng cường theo dõi, tư vấn với các trường hợp bệnh nặng, bệnh mạn tính. Do cường độ huấn luyện cao, điều kiện thời tiết nắng nóng nên ngành Quân y Sư đoàn luôn chú ý vấn đề phòng chống say nắng, say nóng cho bộ đội. Lực lượng quân y các đơn vị luôn bám sát hoạt động huấn luyện của bộ đội tại thao trường, kịp thời xử trí khi có tình huống xảy ra. Nền nếp chính quy ngành Quân y được củng cố; trình độ tay nghề, năng lực khám chữa bệnh của y sĩ, bác sĩ, y tá ở các tuyến được nâng lên rõ rệt, đáp ứng yêu cầu quản lý, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bộ đội.

Nhờ thực hiện quyết liệt các biện pháp trên, những năm gần đây, các đơn vị đóng quân trên đất liền đã bảo đảm được hơn 95% nhu cầu rau xanh, nhiều đơn vị bảo đảm đủ 100% nhu cầu; 85% nhu cầu thịt các loại, 70% trứng gia cầm, 60% cá tươi. Sản phẩm tăng gia sản xuất đưa vào bữa ăn bộ đội đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giá rau xanh thấp hơn giá thị trường từ 15 - 20%, các loại thực phẩm khác thấp hơn từ 5 - 10%. Năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ quân số khỏe toàn Sư đoàn đạt 99,08% vượt 0,58% so với chỉ tiêu quy định.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Văn Nam, Phó Sư đoàn trưởng chia sẻ: Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, những biện pháp được Sư đoàn tổ chức thực hiện đã đem lại những kết quả tích cực, giữ vững đời sống bộ đội. Kết quả đó tuy chưa thực sự nổi trội so với các đơn vị trong toàn quân nhưng đã khẳng định ý chí, nghị lực vượt khó đi lên của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Phòng không 377 anh hùng./.

Bài, ảnh: Vũ Văn Tường

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/quoc-phong-an-ninh/cham-lo-doi-song-vat-chat-tinh-than-cho-bo-doi-gop-phan-hoan-thanh-tot-nhiem-vu-648702.html