Chậm chuyển mình, lỡ cơ hội
Vấn đề thiếu quỹ đất phát triển công nghiệp của TPHCM đã được đề cập nhiều năm nay, nhưng dường như vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Không ít nhà đầu tư khi tìm hiểu biết rằng, TPHCM có nhiều ưu thế về vị trí, thị trường, nhưng không có quỹ đất đủ lớn để triển khai dự án nên... đắn đo!
Năm 1991, TPHCM là địa phương đi đầu cả nước trong thành lập Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận; ngay sau đó là KCX Linh Trung. Trong nhiều năm, các KCX-KCN của TPHCM liên tiếp ra đời và tạo ra những bước đột phá mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, là niềm tự hào của thành phố. Cho đến những năm gần đây, TPHCM mất dần ưu thế về lao động giá rẻ, quỹ đất dần trở nên cạn kiệt.
Tháng 4-2023, TPHCM phê duyệt đề án Định hướng phát triển các KCX-KCN TPHCM giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó giao cho các cơ quan xây dựng đề án chuyển đổi thí điểm 5 KCN. Tuy nhiên, khi mà các KCX- KCN dần đi đến nửa sau của thời hạn sử dụng đất, thậm chí chỉ còn chưa đầy hai chục năm nữa là hết hạn, nhiều nhà đầu tư không khỏi đặt câu hỏi là dường như có sự loay hoay, chậm trễ trong việc chuyển hướng phát triển công nghiệp cho phù hợp với tình hình mới? Vì vậy, bên cạnh cụ thể hóa chủ trương chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tuần hoàn, việc rà soát, đề xuất thêm 11 khu đất để bổ sung gần 4.200ha đất công nghiệp cho TPHCM là điều cần làm cho tương lai. Còn hiện tại, TPHCM được phê duyệt 22 KCX-KCN và tháng 5-2023 được bổ sung KCN Phạm Văn Hai I và Phạm Văn Hai II. Như vậy, đến nay mới có 3 KCX và 16 KCN được thành lập. Khoảng 80% diện tích tại các KCN đang khai thác đã lấp đầy, phần còn lại manh mún, da beo, không đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư; một số KCN thì chậm triển khai giai đoạn mở rộng theo quy hoạch…
Việc triển khai KCN Phạm Văn Hai I và II cần làm nhanh, bởi đây là nguồn bổ sung quý giá cho quỹ đất công nghiệp của thành phố, cũng được kỳ vọng là KCN kiểu mới so với KCN truyền thống. Cùng với đó là giải pháp phát huy diện tích công nghiệp hiện có, mô hình nhà xưởng cao tầng rất đáng được quan tâm phát triển. Mô hình này theo nghiên cứu là có nhu cầu lớn, phù hợp với TPHCM nhưng chưa được tập trung phát triển tối đa. Theo lãnh đạo Ban Quản lý Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM, muốn thu hút đầu tư thì phải có quỹ đất mà hiện quỹ đất của TPHCM cho công nghiệp thiếu, không đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư. Giải bài toán quỹ đất một cách thỏa đáng sẽ giúp TPHCM không bỏ lỡ cơ hội thu hút đầu tư!
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cham-chuyen-minh-lo-co-hoi-post751803.html