Cha mẹ quản thúc càng ít, trẻ càng giỏi

Để trẻ phát triển toàn diện, cha mẹ cần cho sự tự do. Tự do không có nghĩa phóng túng, mà là cho trẻ lựa chọn, thử, quyền sai lầm để có kinh nghiệm sống.

Doãn Kiến Lợi là chuyên gia, thạc sĩ giáo dục. Sau nhiều năm làm công tác giảng dạy, hiện nay bà tập trung cho công việc tư vấn giáo dục gia đình. Các tác phẩm của Doãn Kiến Lợi đã được xuất bản tại Việt Nam như: Giáo dục: Tuyệt vời nhất = Đơn giản nhất, và Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt đã bán hơn 50.000 bản. Tại Trung Quốc, Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt bán được hơn 10 triệu bản và được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Trong suốt mấy năm sau khi cuốn sách được xuất bản, tác giả Doãn Kiến Lợi đã nhận gần 200.000 bức thư từ độc giả, mong muốn được bà tư vấn về nhiều vấn đề trong quá trình nuôi dạy con. Và cuốn sách Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt 2 là tập hợp các bức thư có tính đại diện trong số này, được Doãn Kiến Lợi chọn lọc, giải đáp cụ thể, rõ ràng.

Các câu hỏi mà độc giả đặt ra cho tác giả bao gồm nhiều khía cạnh, từ giáo dục gia đình đến giáo dục trường học, giáo dục xã hội; từ việc học tập các môn giáo khoa tới những vấn đề tâm sinh lý trẻ và giáo dục giới tính.

Trẻ tự do là trẻ tự giác nhất

Khái quát vai trò và nhiệm vụ của tình mẹ, tác giả Doãn Kiến Lợi viết: “Tình mẹ không phải là sự chiếm hữu vĩnh hằng đối với con trẻ mà là một sự rút lui hợp lí. Nhiệm vụ đầu tiên của tình mẹ chính là thân mật với trẻ, bảo vệ cho trẻ trưởng thành; nhiệm vụ thứ hai chính là rời xa trẻ, thúc đẩy trẻ độc lập”. Tinh thần này được khái quát qua lời đề của cuốn sách: “Trẻ tự do là trẻ tự giác nhất”.

Thông qua việc trả lời các câu khỏi của độc giả, chuyên gia giáo dục Doãn Kiến Lợi phân tích điểm đúng, sai trong các tình huống cụ thể các cha mẹ đang vướng mắc. Bà đưa ra các định hướng rõ ràng giúp phụ huynh xử lí vấn đề.

Theo tác giả, giữa người lớn và trẻ con luôn có sự bình đẳng, “quản thúc càng ít, trẻ càng giỏi”. Vì vậy, sự quan tâm đối với trẻ cần đúng mực, cần dựa trên nhu cầu của trẻ. Tuyệt đối không nên vì “mẹ nghĩ con lạnh” mà yêu cầu trẻ mặc thêm áo.

Sách Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt 2.

Với trẻ nhỏ, cha mẹ cũng không nên đặt ra quy tắc quá sớm. Bởi điều này có thể sinh ra tâm lí đối kháng của trẻ đối với cha mẹ, lòng đồng cảm và khả năng tự kiềm chế không được phát triển đầy đủ. Tác giả cho rằng, “nuông chiều lại chính là mô hình chung sống lí tưởng" giữa các thành viên trong gia đình.

Đừng nghĩ rằng sự nuông chiều sẽ khiến trẻ hư, mà thực tế “Sinh mệnh của một người chịu đựng ít cản trở, thì càng có thể sống đúng bản tính của chính mình, càng có thể trường thành một cách lành mạnh”.

Nhưng, “yêu và quá yêu là hai việc tương phản”. Quá yêu vốn không phải là yêu mà chỉ là sự độc chiếm và khống chế “khoác chiếc áo tình yêu bên ngoài, do người lớn quản lý con cái theo ý muốn của riêng mình”.

Để trẻ phát triển toàn diện về tâm, sinh lý, trí tuệ thì cha mẹ cần thiết phải cho trẻ sự tự do. Tự do ở đây “không phải là phóng túng, mà là cho trẻ quyền lựa chọn, quyền thử, quyền sai lầm, để cho trẻ có được kinh nghiệm sống cần thiết trong quá trình trưởng thành”.

Bên cạnh đó, bà cũng chỉ ra rằng, tình yêu thương của mẹ vốn “được định sẵn là một quá trình từ từ phân li, khi con cái trưởng thành rồi, tự nhiên sẽ dần dần giữ khoảng cách về không gian với mẹ”. Vì vậy, cách tốt nhất lưu luyến người thân là phải biết trân trọng cuộc sống trước mắt.

Linh hoạt trong giáo dục trẻ về tiền bạc

Một trong những chủ đề lớn được đề cập trong cuốn sách, cũng là thắc mắc của nhiều bậc phụ huynh, đó là cách giáo dục tiền bạc cho trẻ.

Theo tác giả, người lớn thường để tâm đến việc trẻ con nhặt được tiền rồi sẽ làm thế nào, điều này “xuất phát từ quán tính tư duy qua nhiều năm”. Tuy nhiên, cha mẹ cần xem xét tình huống để xử lí phù hợp thay vì một mực cho rằng “nhặt được của rơi tìm người trả lại”.

Thông qua giáo dục về tiền bạc, cha mẹ có thể hướng dẫn con nhiều kỹ năng sống.

Doãn Kiến Lợi dẫn chứng trong trường hợp trẻ nhận được một số tiền lớn hoặc đồ vật có giá trị, những vật bị đánh mất này có ảnh hưởng vô cùng lớn đối với cuộc sống của một người, vì vậy cần phải “tích cực liên lạc với các ban ngành liên quan, nỗ lực đi tìm người đánh mất”.

“Bất luận thế nào, chỉ cần có khả năng tìm được người đánh mất đồ, thân phận của chúng ta không thể là người chiếm hữu, mà chỉ là người bảo quản tạm thời".

Tình huống trẻ nhặt được số tiền nhỏ như câu chuyện thực tế được dẫn trong sách, theo tác giả, nếu nhận định có thể tìm được người đánh mất, thì nhất định không giữ. Nhưng với số tiền nhỏ này, nếu không có khả năng tìm lại người làm mất thì có thể coi tiền thuộc về trẻ.

“Trung thực và lương thiện là điều kiện đầu tiên để đạo đức tồn tại. Đầu tiên là trung thực, đánh mất điều này, lương thiện cũng trở thành giả vờ lương thiện, đạo đức trở thành đạo đức giả dối. Lúc này nếu cưỡng ép con trẻ từ bỏ số tiền rất nhỏ này, đó mới là không nhân tình và giả dối, chẳng có chút lợi gì đối với sự trưởng thành về mặt đạo đức của trẻ”.

Các vấn đề đặt ra trong cuốn sách, hầu hết đều thiết thực với phụ huynh. Những lời khuyên từ tác giả có giá trị tham khảo đối với cha mẹ trong nhiều tình huống diễn ra trong gia đình, ở trường học và ngoài xã hội.

Phan Phan

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/cha-me-quan-thuc-cang-it-tre-cang-gioi-post1012760.html