CH Bắc Macedonia có thủ tướng đầu tiên là người Albania

Quốc hội Bắc Macedonia đã bỏ phiếu thông qua việc ông Talat Xhaferi sẽ làm quyền Thủ tướng, qua đó đưa chính trị gia 61 tuổi trở thành người dân tộc Albania đầu tiên lãnh đạo chính phủ quốc gia Tây Balkan này.

Thủ tướng Talat Xhaferi phát biểu trước Quốc hội. Ảnh: AFP

Thủ tướng tạm quyền Xhaferim nhận được 65 phiếu ủng hộ trong tổng số 120 ghế tại cơ quan lập pháp. Nội các do ông Xhaferim đứng đầu sẽ bao gồm các bộ trưởng do phe đối lập chỉ định. Trước đó, ông Xhaferi là Chủ tịch Quốc hội và đã từ chức hôm 24.1 để chuẩn bị cho cương vị mới. Ông sẽ lãnh đạo chính phủ trong 100 ngày cho đến cuộc bầu cử dự kiến vào ngày 8.5.

Tuy nhiên, các nghị sĩ của phe đối lập chính là "Tổ chức Cách mạng Bắc Macedonia nội bộ-Đảng Dân chủ thống nhất Bắc Macedonia" (VMRO-DPMNE) không tham gia bỏ phiếu. Đảng này đã đề xuất ứng cử viên của riêng mình và phản đối việc ông Xhaferi ứng cử.

Phát biểu sau khi được Quốc hội lựa chọn, quyền Thủ tướng Xhaferi tuyên bố, sẽ ủng hộ sự cân bằng sắc tộc và sự hòa hợp giữa các cộng đồng ở CH Bắc Macedonia.

Khoảng một phần tư trong tổng số 1,8 triệu cư dân CH Bắc Macedonia là người dân tộc Albania. Quyền Thủ tướng Xhaferi là thành viên đảng lớn nhất của người dân tộc Albania tại CH Bắc Macedonia là "Liên minh Dân chủ vì hội nhập" (DUI). Đảng này là đối tác trong liên minh cầm quyền tại Bắc Macedonia trong hơn 20 năm qua.

Hôm 25.1, Thủ tướng Bắc Macedonia khi đó là ông Dimitar Kovacevski, thành viên đảng Liên minh Dân chủ Xã hội (SDSM) thuộc liên minh cầm quyền DUI-SDSM, đã thông báo từ chức theo "luật pháp yêu cầu".

Theo Thỏa thuận hòa giải sắc tộc Przyn đạt được vào tháng 6.2015 để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị lúc bấy giờ ở Bắc Macedonia, chính phủ phải từ chức trước ngày bầu cử 100 ngày và sau đó, một chính phủ chuyển tiếp sẽ được thành lập để tiến hành cuộc tổng tuyển cử. Các điều khoản của Thỏa thuận này là một phần của Luật Chính phủ, trong đó một số chức vụ cấp bộ cũng được dành cho phe đối lập.

Kể từ khi Thỏa thuận Przyn được ký kết, hai cộng đồng này đã sống trong hòa bình tương đối mà không có biến cố lớn nào xảy ra trong những năm gần đây. Và đây là lần thứ ba kể từ năm 2016, Bắc Macedonia có chính phủ chuyển tiếp hoặc kỹ thuật.

Trong ngày 8.5, các cử tri Macedonia sẽ vừa đi bầu Quốc hội vừa đi bầu Tổng thống vòng hai. Vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 24.4.

Bắc Macedonia bắt đầu đàm phán về tư cách thành viên với Liên minh châu Âu vào năm 2022. Quốc gia Balkan nhỏ bé này phải đáp ứng một số tiêu chí nhất định để gia nhập tổ chức lá cờ xanh, bao gồm việc thay đổi hiến pháp để công nhận người thiểu số Bulgaria - một vấn đề gây nhiều tranh cãi vì lịch sử và văn hóa chồng chéo của Bulgaria và Bắc Macedonia.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/ch-bac-macedonia-co-thu-tuong-dau-tien-la-nguoi-albania-i358909/