CDC Đà Nẵng thông tin về kết quả điều tra, xử lý ca bệnh do virus gây bệnh đầu nhỏ

Sáng 26/5, Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) đã thông tin về kết quả điều tra, giám sát, xử lý ca bệnh do virus Zika trên địa bàn quận Liên Chiểu (Đà Nẵng).

Theo CDC Đà Nẵng, bệnh nhân mắc virus Zika là N.H.N. (sinh năm 1995, quê ở huyện Thăng Bình, Quảng Nam; hiện ở trọ một mình trên đường Tôn Đức Thắng, tổ 3, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), là công nhân một nhà máy thép trong KCN Hòa Khánh (quận Liên Chiểu). Bệnh nhân khởi phát bệnh ngày 28/4; hôm sau đi khám tại Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu với các biểu hiện sốt 38,5 độ, đau khớp, đau cơ, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.

CDC Đà Nẵng phối hợp với quận Liên Chiểu phun hóa chất diệt muỗi, lăng quăng phòng chống bệnh do virus Zika và bệnh sốt xuất huyết

Bệnh nhân được chỉ định lấy mẫu máu xét nghiệm theo dõi Zika, kê đơn thuốc và hẹn 2 ngày sau tái khám. Mẫu xét nghiệm đã được CDC Đà Nẵng gửi vào Viện Pasteur Nha Trang ngày 13/5; đến ngày 19/5, Viện Pasteur Nha Trang thông báo kết quả xét nghiệm bằng kỹ thuật Trioplex Den-Chik_Zika, Singplex Real-time RT-PCR Zika cho thấy bệnh nhân N.H.N. dương tính với virus Zika.

Trong khi đó, bệnh nhân N.H.N. về nhà uống thuốc, 2 ngày sau hết sốt, cảm thấy đỡ nên không đến tái khám. Bệnh nhân này cho biết có thấy ban đỏ và tê ngón tay út sau khi hết sốt 2 ngày. Trong báo cáo số 548/BC-TTKSBT gửi Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế Đà Nẵng ngày 21/5, CDC Đà Nẵng cho biết sức khỏe của bệnh nhân N.H.N. đã bình thường.

BS Tôn Thất Thạnh cho biết, ngay sau khi phát hiện trường hợp dương tính với virus Zika, CDC Đà Nẵng đã tổ chức giám sát cộng đồng tại phường Hòa Khánh Bắc (mật độ dân cư 5.114 người/km2, dân số gần 50.000 người với hơn 9.000 hộ gia đình), giám sát tại khu vực ổ dịch (bán kính 200m kể từ nhà bệnh nhân với 120 hộ gia đình); đồng thời giám sát tại nhà máy mà bệnh nhân này làm việc (có 600 công nhân).

“Kết quả giám sát không ghi nhận các trường hợp có triệu chứng tương tự trong khoảng thời gian từ lúc khởi phát ca bệnh đến nay. Đặc biệt, virus Zika chỉ thực sự gây nguy hiểm cho phụ nữ mang thai, nhưng kết quả giám sát không có phụ nữ mang thai trong phạm vi bán kính 200m kể từ nhà bệnh nhân; cũng không phát hiện phụ nữ mang thai trong nhà máy mà bệnh nhân này làm việc!” – BS Tôn Thất Thạnh cho biết.

Theo ông, bệnh do virus Zika gây ra là bệnh có chung véc tơ truyền với sốt xuất huyết. Virus Zika có thể làm tổn thương não bộ, tiêu diệt các tế bào não bộ đang phát triển, gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh do truyền từ mẹ sang con. Ngoài ra, virus Zika cũng gây ra hội chứng Guillain Barre, tổn thương thần kinh có thể gây liệt.

Do vậy, ngày 20/5 vừa qua, CDC Đà Nẵng, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu đã phối hợp với UBND phường Hòa Khánh Bắc và các ban ngành, đoạn thể địa phương vận động người dân diệt lăng quăng, bọ gậy phòng bệnh do virus Zika tại khu vực bán kính 200m tính từ nhà bệnh nhân; phun hóa chất diệt muỗi ở các khu vực lân cận. Đồng thời chiều cùng ngày đã phun hóa chất diệt muỗi tại khu vực này cũng như tại nhà máy mà bệnh nhân này làm việc.

"Dự kiến trong 1 – 2 ngày tới sẽ phun hóa chất diệt muỗi lẫn 2 tại các khu vực này, và sẽ tiếp tục phun hóa chất diệt muỗi xử lý ổ dịch lần 3 nếu tiếp tục có bệnh nhân Zika mới trong vòng 14 ngày, hoặc chỉ số điều tra mật độ muỗi DI ≥ 0,2 con/nhà hoặc chỉ số lăng quăng/bọ gậy Breteau ≥ 20. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ lấy mẫu lần 2 trên bệnh nhân N.H.N. theo chỉ đạo của Viện Pasteur Nha Trang!” – BS Tôn Thất Thạnh nói.

Theo ông, bệnh Zika có chung véc tơ truyền với sốt xuất huyết và rất nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai. Để phòng tránh có hiệu quả, người dân cần tích cực diệt lăng quăng, bọ gậy và phối hợp trong hoạt động phun hóa chất diệt muỗi xử lý ổ dịch. Đồng thời khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, đặc biệt là phụ nữ có thai, người dự định có thai.

Bên cạnh đó, BS Tôn Thất Thạnh cho biết đã đề xuất Sở Y tế Đà Nẵng báo cáo UBND TP chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống bệnh do virus Zika và bệnh sốt xuất huyết” theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Y tế; đồng thời chỉ đạo các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sang cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

HẢI CHÂU

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/cdc-da-nang-thong-tin-ve-ket-qua-dieu-tra-giam-sat-xu-ly-ca-benh-do-virus-zika-253481.html