Cầu nối tín dụng chính sách đến phụ nữ nghèo

Thời gian qua, hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách giữa Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã giúp hàng chục triệu lượt phụ nữ có nhu cầu vay vốn được tiếp cận nhanh nhất với nguồn vốn ưu đãi. Đến nay, tổng dư nợ NHCSXH mà Hội Phụ nữ nhận ủy thác quản lý chiếm 39,61% tổng dư nợ của bốn tổ chức chính trị - xã hội.

Hỗ trợ vốn giúp phụ nữ thoát nghèo

Trước đây, cuộc sống của gia đình chị Hoàng Thị Dung, xóm Pác Nà, xã Hồng Định (huyện Quảng Uyên, Cao Bằng) rất khó khăn, do không có vốn phát triển kinh tế. Thông qua Hội Phụ nữ, chị được vay 20 triệu đồng từ NHCSXH để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Có vốn cùng với sự cần cù, chịu khó, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đến nay, gia đình chị đã tạo dựng được hướng đi trong phát triển kinh tế gia đình. Chị tập trung chăn nuôi lợn, gà, mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng, kinh tế gia đình dần ổn định và thoát nghèo.

Cũng thông qua tổ chức Hội Phụ nữ, gia đình chị Tô Hồng Niêm, xóm Nà Po, xã Lang Môn (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) được vay vốn NHCSXH cùng với số vốn tích lũy, chị xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn hơn 200 m2, có thể nuôi được 20 con lợn nái, 120 con lợn thịt. Mỗi năm gia đình thu nhập từ chăn nuôi lợn hơn 300 triệu đồng. Chị Niêm chia sẻ: Nhờ sự quan tâm và tận tình hướng dẫn của cán bộ Hội Phụ nữ, gia đình chị được vay vốn NHCSXH để làm ăn, từ đó có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Trong thời gian vay vốn, cán bộ Hội thường xuyên đến kiểm tra, động viên gia đình sử dụng đồng vốn có hiệu quả, bảo đảm trả được lãi và gốc đúng hạn cho ngân hàng.

Có thể nói, nhiều năm qua, Hội Phụ nữ các cấp đã làm tốt vai trò trách nhiệm của mình, thật sự là cầu nối tín dụng thiết thực cho phụ nữ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách. Để bảo đảm nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng phụ nữ nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay để phát triển kinh tế, Hội Phụ nữ chỉ đạo các cấp Hội tập trung tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội; quy định của Ngân hàng về cho vay đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác đến các tầng lớp phụ nữ và nhân dân.

Trong hoạt động, các cấp Hội Phụ nữ cũng phối hợp NHCSXH hướng dẫn cán bộ Hội, cán bộ Tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) thực hiện đúng quy trình, các bước ủy thác cho vay. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các Tổ trưởng Tổ TKVV được thực hiện nghiêm túc, có chất lượng. Tổ trưởng Tổ TKVV Vi Thị Kiều Thơm (thôn Nhàng, xã Luận Khê, Thường Xuân, Thanh Hóa) khẳng định, với ý thức trách nhiệm của mình, chị luôn trực tiếp giám sát việc sử dụng vốn vay, sản xuất, kinh doanh, thu nhập trả nợ ngân hàng của các tổ viên. Thông báo kịp thời cho NHCSXH, chính quyền địa phương những trường hợp tổ viên sử dụng vốn vay sai mục đích, thay đổi chỗ ở ra ngoài địa bàn xã và các trường hợp khác ảnh hưởng đến hoạt động của Tổ và chất lượng tín dụng. Nhờ vậy, chất lượng tín dụng của tổ tương đối tốt, hiện không có nợ quá hạn và lãi thu đều, đạt 100%, không có nợ bị chiếm dụng.

Nối dài “kênh” dẫn vốn

Với nhiều cách làm mạnh dạn, sáng tạo, Hội Phụ nữ các cấp đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho phụ nữ trong phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo trên cơ sở phát huy nội lực, coi trọng tính hiệu quả, bền vững. Theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lào Cai Lê Thị Thu Hà, nhiều năm qua, việc khai thác, quản lý các nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là nguồn vốn của NHCSXH đã được đẩy mạnh và có hiệu quả. Không chỉ là “cầu nối” hỗ trợ vốn hiệu quả, để tăng cường nguồn vốn cho vay, đồng thời tạo ý thức thói quen tiết kiệm cho hội viên, Hội Phụ nữ các cấp đã phối hợp NHCSXH tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ viên thực hành tiết kiệm mỗi tháng từ 10 đến 50 nghìn đồng để gửi vào NHCSXH.

Cùng NHCSXH trong việc dẫn vốn ưu đãi đến tận tay bà con, các cấp Hội luôn tạo điều kiện cho chị em tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, phương pháp quản lý nguồn vốn... Nhiều chị đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đầu tư chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh; chú trọng nuôi, trồng cây, con có giá trị kinh tế cao theo hướng trang trại và phát triển các ngành nghề truyền thống, từng bước cải thiện và nâng cao mức sống gia đình, góp phần tích cực trong thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ sẽ tiếp tục chủ động, sáng tạo, đổi mới trong cách làm, tiếp tục tăng cường khai thác các nguồn vốn, chú trọng hướng dẫn sử dụng vốn tín dụng chính sách chặt chẽ và có hiệu quả, kết hợp cho vay vốn với dạy nghề chuyển giao khoa học - kỹ thuật hướng dẫn kinh nghiệm làm ăn, bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh tế hộ, tăng cường đào tạo nghề giới thiệu việc làm cho phụ nữ. Tuyên truyền thay đổi nhận thức, quan niệm, định hướng nghề nghiệp và học nghề cho phụ nữ, con em phù hợp với yêu cầu thị trường lao động trong nước và xuất khẩu lao động. Chú trọng đối tượng phụ nữ nghèo, phụ nữ nông thôn khu vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Duy trì phong trào giúp nhau thường xuyên trong sản xuất, đời sống giúp chị em vượt lên những khó khăn, thách thức để ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/31451402-cau-noi-tin-dung-chinh-sach-den-phu-nu-ngheo.html