Câu hỏi lớn sau khi Nga tuyên bố chiến thắng ở Luhansk

Quân đội Nga và Ukraine đều hứng chịu thiệt hại, đặt ra câu hỏi về việc họ có thể tiếp tục giao tranh trong bao lâu, đặc biệt là khi những người Ukraine phải rút lui liên tục.

Việc kiểm soát được Sievierodonetsk và Lysychansk là bước tiến quan trọng trong "chiến dịch đặc biệt" của Moscow. Điều này cho thấy sự thành công chiến lược của quân đội Nga dựa trên hỏa lực vượt trội và những tiến bộ trên thực địa, theo New York Times.

Những diễn biến này đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về việc một trong hai bên có thể tiếp tục chiến đấu trong bao lâu. Các lực lượng Ukraine liên tục bị đẩy lùi trong thời gian gần đây, buộc họ phải dựa vào lực lượng tân binh và chịu thương vong nặng nề.

Tinh thần của binh lính Ukraine chịu nhiều căng thẳng khi phải xoay vòng chiến đấu, rút lui và hứng chịu những cuộc pháo kích từ phía đối phương.

"Chiến dịch" của Nga cũng vấp phải không ít khó khăn, nhưng lực lượng này đang đạt được những bước tiến vững chắc trên đất Ukraine. Với việc kiểm soát Lysychansk, Nga đã nắm quyền kiểm soát toàn bộ tỉnh Luhansk và đang hướng tới các thành phố thuộc tỉnh Donetsk.

Tổng thống Vladimir Putin hôm 4/7 đã chúc mừng các lực lượng Nga "chiến thắng ở khu vực Luhansk", đồng thời yêu cầu các binh sĩ tham gia "chiến dịch" nghỉ ngơi và hồi phục khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Binh sĩ Ukraine ở Lysychansk hồi tháng 6. Ảnh: New York Times.

Chiến lược

Cách tiến công hiện tại của quân đội Nga phụ thuộc nhiều vào pháo tầm xa, phù hợp với địa hình bằng phẳng và khoảng cách tiếp tế. Tuy nhiên, cách này có thể khó phát huy hiệu quả ở những nơi khác.

Vẫn chưa rõ Moscow dự định gây áp lực tấn công đến mức nào. Quân đội Nga dự định tái thiết ra sao?

Phía Ukraine nói rằng chiến lược của mình là gây ra thiệt hại tối đa cho đối thủ. Kyiv tìm cách ép binh sĩ Nga phải tham gia chiến đấu để giành lấy các thành phố, giống như những gì đã xảy ra tại Sievierodonetsk và Lysychansk.

Tuy nhiên, khi cả hai thành phố đều đã thuộc về phía Nga, nhiều người nghi ngại về chiến lược của phía Ukraine. Nó cũng gây chia rẽ trong nội bộ quân đội Ukraine. Một số người tin rằng việc cố gắng giữ các thành phố là vô ích.

“Đối với tôi, cuộc sống của con người quan trọng hơn cái tên Lysychansk”, trung tá Yurii Bereza, một chỉ huy tiểu đoàn trong Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine, nói.

Volodymyr, một binh sĩ tình nguyện thuộc những người cuối cùng rút khỏi Sievierodonetsk, cho biết một nửa đại đội của anh thiệt mạng trong các cuộc giao tranh.

Xe tăng Ukraine và nhiều hệ thống tên lửa về Toshkivka. Ảnh: New York Times.

“Hỗ trợ nào? Không có lực lượng chi viện nào cả”, anh nói. Thực tế, các đơn vị xe tăng đã đến hỗ trợ binh lính phòng thủ, nhưng pháo binh thì không.

Đầu cuộc xung đột, các lực lượng Nga cố gắng kiểm soát thủ đô Kyiv nhưng đã bị đẩy lùi. Moscow sau đó chuyển trọng tâm sang khu vực công nghiệp Donbas và thay đổi chiến lược.

Giờ đây, quân đội Nga hiếm khi tiến công mà không có sự hậu thuẫn áp đảo của pháo binh. Binh sĩ Ukraine nói rằng các cuộc pháo kích kéo dài khoảng 5 ngày trước khi lực lượng Nga thử thách các phòng tuyến của Ukraine với bộ binh và xe tăng.

Chiến sự rõ ràng đã khiến cả hai bên hao tổn. Phía Ukraine ước tính rằng lực lượng nước này đang chịu hàng trăm thương vong mỗi ngày. Tình báo phương Tây cũng ước chừng con số của phía Nga ở mức tương tự.

Tinh thần mạnh mẽ

Lực lượng Ukraine đang ngày càng dựa vào những binh sĩ được huấn luyện sơ sài để bổ sung cho các đơn vị kiệt quệ ở tiền tuyến. Nga cũng chuyển sang sử dụng các đơn vị bán quân sự Wagner, lực lượng Chechnya và các chiến binh ly khai từ Luhansk, Donetsk để củng cố sức mạnh.

Hôm 4/7, Tổng thống Putin đã ra lệnh cho các binh sĩ tham gia giao tranh ở Lysychansk và Sievierodonetsk nghỉ ngơi trong khi các lực lượng khác tiếp tục chiến đấu.

Về phía Ukraine, ngay cả khi thương vong làm họ mệt mỏi, quân đội nước này vẫn cố gắng thể hiện sự sẵn sàng tiếp tục chiến đấu, bất kể cái giá phải trả là bao nhiêu.

Các phương tiện quân sự Nga bị phá hủy được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Quốc gia ở Kyiv. Ảnh: New York Times.

“Chúng tôi sẽ quay trở lại, đây là đất của chúng tôi. Nó luôn luôn như thế”, Volodymyr nói sau khi rút lui khỏi Sievierodonetsk.

Phương pháp chiến đấu bằng pháo binh có thể gây ra chấn thương tâm lý nghiêm trọng giống như trong Thế chiến thứ nhất, được gọi với cái tên “sốc vỏ đạn”. Các chỉ huy Ukraine lo lắng rằng một số binh sĩ đang bị căng thẳng trước nguy cơ bị thương hoặc thiệt mạng bởi hỏa lực đối phương.

“Trong cuộc pháo kích, những gì bạn có thể làm là nằm trong hầm trú ẩn và chờ đợi nó kết thúc. Một số người bị tổn thương tinh thần vì những cuộc pháo kích. Họ chưa sẵn sàng về mặt tâm lý để đối phó với những điều này”, Volodymyr, một trung đội trưởng Ukraine, nói.

Trung đội của Volodymyr đã có một người thiệt mạng và hai người phải rời khỏi vị trí vì chấn thương tinh thần.

Ukraine trông chờ vào vũ khí phương Tây

Trong bài phát biểu hàng đêm, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo rằng “người Nga hiện đã tích lũy được hỏa lực lớn nhất ở Donbas. Họ có thể sử dụng hàng chục nghìn quả đạn pháo mỗi ngày trên một phần của mặt trận”.

“Chúng tôi sẽ trở lại, nhờ vào chiến thuật và sự gia tăng cung cấp vũ khí hiện đại”, ông Zelensky tuyên bố trong phát biểu gần đây.

Ở phía nam, gần thành phố cảng Kherson do Nga kiểm soát, các lực lượng Ukraine đã đạt được một loạt bước tiến nhỏ trong tháng qua. Các nhà phân tích quân sự nói rằng những chiến thắng này là dấu hiệu của một cuộc phản công lớn sắp tới.

Dù vậy, các sĩ quan quân đội Ukraine không đánh giá cao điều này và thừa nhận rằng trọng tâm vẫn nằm ở phía đông.

Kyiv thường xuyên kêu gọi phương Tây cung cấp thêm vũ khí và đạn dược. Hệ thống pháo phản lực HIMARS của Mỹ đã chứng minh tác dụng, nhưng Ukraine vẫn cần nhiều hơn nữa.

Các binh sĩ Ukraine được huấn luyện y tế ở Kyiv. Ảnh: New York Times.

“Có một vấn đề với đạn dược. Đối với một phát bắn của chúng tôi, họ sẽ đáp trả lại gấp 50 lần. Làm sao để chúng tôi chống lại họ đây?”, trung tá Bereza nói.

Tình trạng thiếu đạn dược, đặc biệt là các khẩu pháo tầm xa thời Liên Xô, đã khiến lực lượng Ukraine phải chuyển đổi sang vũ khí do phương Tây cung cấp. Mỹ và các đồng minh đang triển khai các khóa đào tạo bên ngoài Ukraine.

Dù vậy, tốc độ đào tạo không đáp ứng được nhu cầu. Một số người được đào tạo cũng thiệt mạng hoặc bị thương.

Một sĩ quan Ukraine làm việc với các khẩu pháo M777 do Mỹ cung cấp cho biết một số sĩ quan và xạ thủ được đào tạo ở Latvia đã thiệt mạng hoặc bị thương trong các cuộc giao tranh.

“Pháo binh Nga hoạt động 24/7 trong khi chúng tôi chỉ có thể bắn ba hoặc bốn lần mỗi ngày. Sau đó, phát bắn có thể trượt mục tiêu. Có vấn đề với việc chỉnh thước ngắm”, Olena, một quân y, nói.

Đối với cả hai bên, lực lượng hỗ trợ trên không ít khi được sử dụng trong cuộc giao tranh ở Donbass. Nga và Ukraine đều có hệ thống phòng không hùng hậu ở phía đông. Hầu hết máy bay phản lực và trực thăng phải bay thấp để tránh radar và tìm cách hỗ trợ cho lực lượng mặt đất.

Các lực lượng Nga đã sử dụng tên lửa hành trình nhắm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng phía sau tiền tuyến Ukraine.

Phía Ukraine cho biết lực lượng nước này đã thực hiện trên 10 nhiệm vụ trên không ở phía nam và phía đông, phá hủy một số thiết bị của Nga. Tuần trước, một máy bay tấn công Su-24 của Ukraine đã bay về phía Lysychansk, một điều hiếm thấy ở Donbas.

Nga tung video đạn pháo Krasnopol phá hủy khẩu đội M777 của Ukraine Truyền thông Nga mới đây đăng video cho biết quân đội nước này đã dùng đạn pháo thông minh Krasnopol-M2 để phá hủy một khẩu đội pháo hạng nặng M777 của lực lượng Ukraine.

Tuấn Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cau-hoi-lon-sau-khi-nga-tuyen-bo-chien-thang-o-luhansk-post1332793.html