Câu hỏi khơi gợi sự đồng cảm giữa trẻ nhỏ với cha mẹ

Ích kỷ là bản tính trong mỗi con người, sẽ thay đổi theo thời gian, môi trường sống và cách dạy dỗ. Rèn luyện tính thấu cảm cho trẻ là cả một quá trình nhưng không hề gian khổ như mọi người vẫn nghĩ. Hãy luôn luôn hỏi chúng câu đơn giản này: 'Con muốn ba mẹ làm gì?'

Đây là một câu hỏi rất có giá trị đối với lũ trẻ cho thấy sự thấu hiểu của người lớn trước những phản ứng từ con cái. Quan trọng hơn, bố mẹ đã thể hiện rõ sự quan tâm tới suy nghĩ của con cái. Đó là cách kết nối cảm xúc hiệu quả , mặc dù câu trả lời không hẳn như những gì chúng ta mong đợi. Có thể là “Bố quá nghiêm khắc”, “Mẹ mâu thuẫn lắm”. Nhưng ít nhất câu hỏi đó đã cho chúng thấy bố mẹ quan tâm tới cảm xúc, suy nghĩ của trẻ nhỏ và nhận lại được phản hồi.

Tâm sự của một người cha: “Tất nhiên, không phải lúc nào tôi cũng hỏi chúng câu hỏi đó. Bây giờ con tôi đã trưởng thành và kết hôn. Tôi không hỏi nữa và chuyển sang cách đưa ra lời khuyên khi được hỏi mặc dù lời khuyên đó có thể sai lầm. Khi chúng còn nhỏ, tôi thường hỏi chúng cảm thấy thế nào? Hay giả sử khi được làm người lớn, chúng muốn làm gì? Những câu hỏi này không giúp chúng trưởng thành hơn nhưng là cách tốt nhất để thể hiện sự thấu cảm, giao tiếp cảm xúc mạnh mẽ hơn”.

Ngoài câu hỏi trên, người lớn cũng có thể hỏi trẻ sau mỗi giờ đến trường với những câu hỏi sau: “Hôm nay đi học điều gì làm con vui nhất? ” “Điều gì làm con buồn nhất?” hay “Điều gì khiến con cảm thấy tự hào nhất?”. Từ những câu hỏi này sẽ khơi gợi trẻ biết cách chia sẻ mọi câu chuyện, cảm xúc thật sự của bản thân. Đồng thời thể hiện sự quan tâm của bố mẹ tới suy nghĩ của trẻ nhỏ.

Từ đó, trẻ sẽ rèn luyện tính đồng cảm với bạn bè, người thân, biết yêu mọi người nhiều hơn, biết suy nghĩ cho người khác. Trong khi đó, nắm bắt suy nghĩ của đối tác, thấu hiểu cảm xúc của đối phương, là những yếu tố quan trọng để tạo một tương lai thành công của mỗi người.

Hương Nguyên

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/cau-hoi-khoi-goi-su-dong-cam-giua-tre-nho-voi-cha-me-79377.html