Cấp bằng tạm thời cho lái xe mới: Lo tiêu cực

Nếu ngay trong đào tạo, cấp bằng tạm thời đã có tiêu cực, đến lần cấp bằng chính thức lại thêm một lần tiêu cực nữa là hai.

Hai lần tiêu cực

Liên quan tới những đề xuất sửa đổi nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo sát hạch lái xe, trong đó Tổng Cục đường bộ có đề cập tới việc bổ sung nhiều ứng dụng mới, tăng bộ câu hỏi thi tuyển, không cấp bằng cho lái xe mới... chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Thiện Tống chia sẻ nhiều vấn đề.

Cấp bằng tạm thời: Lo hai lần tiêu cực. Ảnh: minh họa

Trước hết, TS Nguyễn Thiện Tống khẳng định, đề xuất chỉ cấp bằng tạm thời cho lái xe mới thực tế đã thực hiện từ lâu và các nước trên thế giới cũng đang làm như vậy. Vị TS cho rằng, đây là quy định rất đúng, nhằm bổ túc thêm kinh nghiệm cho người mới có bằng lái, bảo đảm an toàn khi tham gia gia thông.

Hiện nay trên thực tế, có nhiều trường hợp vừa mới được cấp bằng, thiếu kinh nghiệm nhưng rất ẩu, gây lo ngại cho người đi đường.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, chất lượng bằng lái không chỉ phụ thuộc vào người tham gia thi bằng mà phụ thuộc phần lớn vào quá trình đào tạo và công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của các cơ quan thực thi pháp luật. Do đó, muốn nâng cao chất lượng bằng lái thì đòi hỏi phải thực hiện nghiêm túc ngay từ đầu, ngăn chặn, lên án, phê phán tiêu cực ngay từ đầu. Nếu không làm được việc này, quy định hai lần cấp bằng chỉ là cái cớ tạo ra thêm một lần tiêu cực nữa.

"Điều đáng buồn nhất mà dư luận lâu nay vẫn đề cập ở Việt Nam là tiêu cực, nhũng nhiễu nhiều quá, ở đâu cũng thấy có tiêu cực, lĩnh vực nào cũng có.

Nhìn ngay từ vụ việc thi tốt nghiệp THPT 2018 vừa qua sẽ thấy mức độ nghiêm trọng tới thế nào. Thật ra, không phải chỉ có một địa phương làm sai, cũng không phải bây giờ mới sai, nhưng khi tiêu cực lộ liễu quá, bức xúc quá, dư luận không chịu được người ta mới phải lên tiếng.

Trong thi tuyển bằng lái xe cũng vậy, dư luận cũng nói nhiều lắm, từ việc nộp hồ sơ, thi lý thuyết cho tới thi thực hành, rồi chờ đợi cấp bằng... ở khâu nào cũng có kẽ hở, khâu nào cũng có thể có tiêu cực xảy ra. Như vậy, ngay trong đào tạo rồi cấp bằng tạm thời đã có tiêu cực, đến lần cấp bằng chính thức lại thêm một lần tiêu cực nữa là hai.

Vì vậy, dù nói ngay từ đầu là rất ủng hộ việc cấp bằng tạm thời, song tôi luôn nhấn mạnh việc cấp bằng phải làm tốt ngay từ đầu, dù là cấp bằng tạm thời hay chính thức thì hiệu quả mới tốt được", TS Nguyễn Thiện Tống phân tích.

Nhấn mạnh yêu cầu phải ngăn chặn tiêu cực ngay từ đầu vì TS Nguyễn Thiện Tống lo ngại, việc tồn tại những tiêu cực trong công tác đào tạo, cấp bằng cũng sẽ tạo ra tâm lý xuê xoa, cẩu thả với chính người được cấp bằng.

"Tiêu cực trong khâu đào tạo càng lớn thì người lái xe vi phạm càng nhiều. Về nguyên tắc, khi phát hiện một người lái xe có nhiều vi phạm, lái xe không an toàn... thì phải quay lại xử lý ngay nơi đào tạo, cấp bằng, nhưng ở Việt Nam chưa làm tốt việc này", ông Tống nói.

Trên cơ sở đó, vị chuyên gia tiếp tục đề cập tới vấn đề thứ hai, đó là công tác quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng nhà nước.

"Tôi cũng cho rằng, đối với những trung tâm đào tạo nếu để lặp lại quá nhiều vi phạm hoặc có quá nhiều trường hợp học viên bị vi phạm thì phải rà soát lại chất lượng, trình độ đào tạo, thậm chí có thể đóng cửa, rút giấy phép, không cho thực hiện công tác đào tạo nữa.

Nếu quá trình đào tạo, quản lý không được làm tốt, "sạch sẽ" ngay từ đầu, thì mọi quy định không những sẽ gây khó, gây khổ cho người dân mà còn gây ra những hệ lụy, những hậu quả tai hại cho xã hội, cho cả nền kinh tế", TS Nguyễn Thiện Tống chỉ rõ.

Kiến nghị chỉ cấp bằng tạm thời cho lái xe mới đỗ

Giải pháp nào?

Vị TS cho hay, cùng với việc đưa ra những quy định mới, yêu cầu nâng cao chất lượng quản lý cũng là yêu cầu bức thiết, cần phải nghiêm túc thực hiện.

Theo đó, ông đề xuất ngành giao thông đường bộ cũng cần áp dụng hình thức kỷ luật đối giống như trong lĩnh vực hàng không.

"Theo thống kê, số người chết vì tai nạn giao thông đường bộ rất lớn, cao hơn gấp nhiều lần các lĩnh vực khác. Ở đây, có nguyên nhân có ý thức tham gia gia thông, do người đi đường nhưng cũng không thể phủ nhận có cả lỗi của người lái xe ẩu nữa. Rõ ràng, đó là lỗi của phía cơ quan quản lý đường bộ.

Tôi lấy ví dụ, trong hàng không, việc kiểm tra an toàn cho phương tiện trước khi xuất bánh là yêu cầu quan trọng hàng đầu, phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật, không bao giờ được phép bay. Tuy nhiên, trong lĩnh vực đường bộ, nhiều phương tiện tham gia giao thông với tình trạng cũ, nát, hết đăng kiểm, không bảo đảm an toàn nhưng vẫn không bị xử lý, rất nguy hiểm. Để một phương tiện không bảo đảm an toàn vẫn được lưu thông ngoài đường là trách nhiệm của cơ quan quản lý đường bộ.

Do đó, phía cơ quan quản lý đường bộ cũng phải tự nhìn nhận, nâng cao trách nhiệm trong lĩnh vực mình quản lý", ông Tống nói.

Đối với lái xe mới, ông Tống yêu cầu lái xe mới được phép sử dụng bằng tạm thời khi di duyển, nhưng phải dán ngay bảng P lên trước xe và sau xe để cảnh báo cho người đi đường biết. Việc này nhằm giúp người lái xe phải thận trọng hơn, đồng thời cũng là để nhắc nhở người đi đường phải tránh xa họ ra.

Hồng Lam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/cap-bang-tam-thoi-cho-lai-xe-moi-lo-tieu-cuc-3363896/