Cao huyết áp có thể chữa khỏi

Trong y khoa, bệnh cao huyết áp vẫn thường được ví von là 'kẻ giết người thầm lặng', bởi bệnh này không có triệu chứng nhưng khi có biểu hiện nhức đầu, đau ngực trong vòng 15 phút là có thể dẫn đến tử vong. Song bệnh này có thể chữa khỏi 100% chứ không cần uống thuốc suốt đời.

Bệnh cao huyết áp đang trẻ hóa

Cao huyết áp là căn bệnh ai cũng có nguy cơ mắc phải, và theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ mắc bệnh cao huyết áp sẽ tăng dần theo độ tuổi, tuổi càng cao khả năng bị bệnh cao huyết áp càng lớn. Song trong thời gian gần đây, nhiều thống kê đã chỉ ra rằng bệnh cao huyết áp đang trẻ hóa.

Cụ thể, trước đây nhóm người khoảng từ 40 tuổi trở đi mới có dấu hiệu cao huyết áp, nhưng nay người từ 20-25 tuổi đã có thể mắc bệnh này. Thực tế tôi đã từng biết một bệnh nhân cao huyết áp năm 25 tuổi, khi 28 tuổi đã bị những biến chứng nặng là nhồi máu cơ tim và khi đến bác sĩ đã có dấu hiệu của suy tim.

BS. Huỳnh Ngọc Long, Trưởng khoa tim mạch, Bệnh viện FV.

Vậy đâu là những yếu tố khiến bệnh cao huyết áp đến sớm hơn so với quy luật tuổi thông thường. Thứ nhất do yếu tố di truyền, nếu trong gia đình có cha mẹ hoặc anh chị bị cao huyết áp, nhóm người này có khả năng bị cao huyết áp sớm. Thứ hai, người mập thường bị cao huyết áp sớm hơn người ốm.

Tuy nhiên, cũng phải lưu ý hiện vẫn tồn tại một hiểu lầm tai hại rằng người ốm không bị cao huyết áp. Thứ ba do chế độ ăn. Những người hay ăn mặn khả năng bị bệnh cao huyết áp sớm hơn những người ăn nhạt. Thứ tư, do căng thẳng quá. Với những người thường xuyên lo lắng, buồn phiền, giận dữ, mất ngủ thì hệ thống thần kinh sẽ phải tăng tiết hoc-mon, gây ra co mạch và tăng huyết áp sớm hơn.

Những biến chứng của bệnh cao huyết áp

Như đã nói ban đầu, bệnh cao huyết áp không có bất cứ triệu chứng nào, người trên 30 tuổi nên bắt đầu đo huyết áp thường xuyên. Nếu huyết áp vượt chỉ số thông thường 135/85 (chỉ số mới do hiệp hội tim mạch châu Âu và Mỹ thống nhất đưa ra) được chẩn đoán là bệnh cao huyết áp, không cần đợi đến khi có triệu chứng. Khi bị bệnh cao huyết áp nếu không chú ý theo dõi thường xuyên có thể dẫn đến 2 biến chứng nguy hiểm vào não hoặc tim.

Kiểm tra huyết áp thường xuyên để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Với biến chứng ở não, người bệnh chỉ nhức đầu trong khoảng thời gian ngắn từ 5-10 phút, có thể hôn mê, bị liệt hoặc tử vong. Với tim khi xuất hiện triệu chứng đau ngực thì biến chứng đến cũng rất nhanh chỉ trong khoảng 15 phút, có thể nhồi máu cơ tim, đột tử. Biến chứng của cao huyết áp diễn tiến cực kỳ nhanh mà nhiều bệnh nhân không trở tay kịp. Thậm chí có những người cầm bịch thuốc trên tay chưa kịp uống đã tử vong.

Để tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh cao huyết áp, người bị bệnh phải lưu ý đến 2 việc: thứ nhất kiểm tra huyết áp thường xuyên. Mỗi ngày kiểm tra 3 lần sáng-trưa-chiều (những mốc thời gian mà huyết áp hay lên). Thứ hai, khi trong người có bất cứ biểu hiện khác lạ nào cũng cần phải đo huyết áp ngay như nhức đầu, chóng mặt (có thể biến chứng lên não), đau ngực (có thể biến chứng vào tim), nếu thấy không an tâm phải đến gặp ngay các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám.

5 cơ chế gây cao huyết áp

Cho đến nay hầu hết sách vở đều khẳng định, khi bị cao huyết áp bệnh nhân phải uống thuốc cả đời, thậm chí nếu có bác sĩ nào nói rằng cao huyết áp có thể chữa khỏi sẽ bị cho là hoang tưởng. Nhưng với kinh nghiệm và sự tìm tòi chữa trị cho bệnh nhân suốt nhiều năm trong nghề, tôi có thể khẳng định bệnh cao huyết áp có thể chữa khỏi hoàn toàn, bệnh nhân sẽ không phải uống thuốc cả đời, điều này hỗ trợ bệnh nhân giảm bớt chi phí chữa bệnh và an tâm vui sống.

Hiện nay nhiều người vẫn còn chủ quan với bệnh cao huyết áp, trước khi đo luôn khẳng định huyết áp mình thấp và vì thế thường bất ngờ khi được thông báo huyết áp cao. Hãy nhớ quy luật chỉ số huyết áp luôn thay đổi và tuổi càng lớn thì huyết áp càng cao.

Vậy làm sao để bệnh cao huyết áp có thể hết hoàn toàn? Trước hết phải nhìn vào 5 cơ chế gây bệnh cao huyết áp: thứ nhất do hệ thống thần kinh. Nếu bệnh nhân mất ngủ, lo lắng triền miên, hay nổi cáu hoặc giận dữ sẽ làm hệ thống thần kinh tăng tiết hoc-mon, và từ đó gây ra cao huyết áp.

Cơ chế thứ 2 là do thể tích cơ thể. Người ốm thể tích cơ thể nhỏ, tim chỉ cần bơm 1 lực nhỏ, đủ sức đưa máu đi khắp cơ thể. Đối với những người mập, thể tích cơ thể lớn, tim cần phải bơm lực mạnh hơn thì mới đủ sức đưa máu đi khắp cơ thể, do đó huyết áp tăng.

Cơ chế thứ 3, hệ thống mạch máu bị xơ cứng, động mạch chủ và các mạch máu dãn ra không đủ để chứa lượng máu lớn bơm ra từ tim, huyết áp cũng tăng.

Cơ chế 4, xơ vữa mạch máu, gây tắc nghẽn đường dẫn máu đến cơ quan.

Cơ chế 5, máu đến thận bị giảm, thận tiết ra hoc-mon giữ muối, giữ nước gây tăng huyết áp, nhằm bơm máu đến thận nhiều hơn. Nếu giải quyết được cả 5 cơ chế, đưa cơ thể về trạng thái lý tưởng cân nặng, giảm stress, chế độ ăn uống vừa đủ theo đúng khoa học là ít muối, chế độ tập luyện thật tốt, đủ sức chống lại xơ vữa, xơ cứng của mạch máu… thì có thể kiểm soát hoàn toàn bệnh. Nhưng phải lưu ý thêm các chế độ luyện tập thể dục thể thao không được dừng lại, mà phải phù hợp với từng người, từng mức độ bệnh, tình trạng của khớp để chống lại bệnh cao huyết áp mà không gây biến chứng. Suy nghĩ khi lớn tuổi phải nghỉ ngơi chính là nguyên nhân khiến bệnh tật xuất hiện nhanh hơn.

Hiện nay có một số ít bệnh nhân cao huyết áp để phòng chống biến chứng tai biến mạch máu não có sử dụng một loại thuốc được quảng cáo là thuốc chống đông, uống 1 viên phòng bệnh. Theo tôi, để phòng chống xuất huyết não, bệnh nhân cần uống thuốc hạ huyết áp để huyết áp <135/85 mmHg. Muốn chống lại sự tắc nghẽn mạch máu não cần phải uống thuốc chống đông. Và phòng cả 2 biến chứng mới đúng nghĩa toàn diện.

Tuy nhiên, một viên thuốc vào người cũng chỉ có tác dụng trong 1 khoảng thời gian ngắn, sau đó sẽ bị thải ra ngoài. Thuốc hạ huyết áp chỉ có tác dụng khoảng 24 giờ, do đó uống mỗi ngày. Thuốc chống đông như aspirin, plavix, ticagrelor… muốn có tác dụng chống đông tốt nhất, cũng phải uống đều mỗi ngày. Nếu không uống đều, biến chứng cũng xảy ra. Chính vì thế, không thể chỉ uống một viên mà có thể phòng ngừa tai biến mạch máu não suốt đời được, mà phải uống thuốc đều theo chỉ định của bác sĩ.

BS. Huỳnh Ngọc Long Trưởng khoa tim mạch, Bệnh viện FV

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/cao-huyet-ap-co-the-chua-khoi-67195.html