'Cánh tay nối dài' của biên phòng

Trong nhiều năm qua, những người có uy tín và Nhân dân khu vực biên giới phối hợp để bảo vệ đường biên, mốc giới của Tổ quốc. Họ chính là cánh tay nối dài của lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP), góp phần làm tốt công tác giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và ngày càng phát triển.

Anh Giàng A Chìa, dân tộc Mông, ở bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát) là một trong những tấm gương tự nguyện cùng BĐBP bảo vệ từng cột mốc biên giới.

Anh Giàng A Chìa, dân tộc Mông, ở bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát) là một trong những tấm gương tự nguyện cùng BĐBP bảo vệ từng cột mốc biên giới.

Được giao quản lý, bảo vệ đường biên giới dài hơn 213km và 92 cột mốc giới quốc gia giáp với nước bạn Lào và 102km bờ biển, lực lượng biên phòng Thanh Hóa luôn xác định, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ, cần phải huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và vai trò của quần chúng Nhân dân, nhất là ở khu vực biên giới. Do vậy, công tác dân vận luôn được các đơn vị biên phòng chú trọng, đặt lên hàng đầu. Đến nay, toàn bộ hệ thống đường biên, cột mốc và trên các vùng biển, đảo của tỉnh đều được người dân ký cam kết tự nguyện tham gia bảo vệ. Điều ý nghĩa nhất là người dân đã coi việc bảo vệ đường biên, cột mốc, vùng biển, đảo không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm tự hào của mình. Nhờ vậy, đã kịp thời phát hiện, xử lý hiệu quả các vụ việc vi phạm chủ quyền, an ninh biên giới, bảo vệ an toàn nguyên trạng hệ thống đường biên, cột mốc quốc gia.

Anh Giàng A Chìa, dân tộc Mông, ở bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát) là một trong những tấm gương bảo vệ cột mốc biên giới. Dù tuổi đời còn trẻ, nhưng Giàng A Chìa đã có thời gian hơn 20 năm tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Mặc cho thời tiết nắng nóng hay mưa rét, cứ mỗi tháng một lần, anh lại lên thăm, kiểm tra cột mốc. Dấu chân của anh đã quá đỗi thân quen, in đậm trên cung đường rừng. Anh Giàng A Chìa chia sẻ: "Sinh ra và lớn lên ở khu vực biên giới, tôi hiểu rõ giá trị của từng tấc đất biên cương. Việc bảo vệ cột mốc quốc gia là một nhiệm vụ thiêng liêng, đó là một niềm vinh dự và tự hào lớn đối với bản thân tôi và gia đình".

Toàn tỉnh hiện có 3.899 người có uy tín, trong đó có gần 1.000 người đang sinh sống ở các bản, làng khu vực biên giới. Thời gian qua, bằng uy tín và sự ảnh hưởng của mình, đội ngũ người có uy tín luôn gương mẫu đi đầu thực hiện, tuyên truyền, vận động, thuyết phục đồng bào chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trong năm 2024, BĐBP tỉnh đã trực tiếp, tranh thủ người có uy tín tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phong trào gìn giữ an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Người có uy tín đã tích cực tham gia, vận động người dân trên địa bàn xây dựng, triển khai nhiều mô hình “Tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn, làng, khu vực biên giới”, “Đấu tranh với hoạt động truyền đạo trái pháp luật”, “Phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc”... Các tổ hòa giải, tự quản thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng địa phương tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh biên giới, góp phần hỗ trợ lực lượng bảo vệ biên giới.

Trên cơ sở bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đảng ủy BĐBP tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế phối hợp với các huyện, thành phố biên giới, ven biển; giữa đảng ủy các đồn biên phòng với đảng ủy các xã, thị trấn biên giới và thực hiện tốt các quy chế, chương trình phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương theo phân cấp. Đồng thời, phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín; các hội, đoàn thể, hộ gia đình bản khu vực biên giới, vùng biển,... giúp BĐBP nắm chắc tình hình địa bàn, cả nội biên và ngoại biên, kịp thời giải quyết dứt điểm các vụ việc ngay từ cơ sở, không để trở thành điểm nóng. Họ cũng là “tai mắt” của các lực lượng vũ trang, bám nắm địa bàn, sẵn sàng cung cấp những thông tin có giá trị, góp phần đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, an ninh biên giới.

Đại tá Lê Văn Long, Chủ nhiệm Chính trị, BĐBP tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đội ngũ người có uy tín chính là “cánh tay nối dài” của BĐBP với Nhân dân, góp phần thắt chặt đoàn kết quân dân và cũng là cầu nối trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Trong thời gian tới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để đội ngũ người có uy tín phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, BĐBP Thanh Hóa sẽ tiếp tục cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có uy tín; tổ chức thăm hỏi, động viên và tập huấn nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho họ. Thông qua đó, người có uy tín đưa các nội dung cần tuyên truyền tới Nhân dân, góp phần cùng BĐBP củng cố an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Bài và ảnh: Hoàng Lan

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/canh-tay-noi-dai-cua-bien-phong-230178.htm