Canada và Đan Mạch kết thúc 'cuộc chiến rượu whisky' trên hòn đảo Bắc Cực

Canada và Đan Mạch vào hôm thứ Ba (14/6) cuối cùng đã giải quyết xong 'cuộc chiến rượu whisky' vốn đã diễn ra trong nhiều thập kỷ trên một vùng đất nhỏ bé, cằn cỗi và không có người ở Bắc Cực.

Hai bên đã chính thức công bố thỏa thuận chia tách Đảo Hans và tạo đường biên giới trên bộ đầu tiên giữa Canada và châu Âu tại lễ ký kết ở Ottawa giữa các ngoại trưởng Canada và Đan Mạch.

Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Jeppe Kofod và Bộ trưởng Ngoại giao Canada Mélanie Joly trao đổi quà tặng là rượu sau khi ký kết thỏa thuận về Đảo Hans ở Ottawa hôm thứ 14/6. Ảnh: AP

Việc chia đôi hòn đảo hình quả thận và giải quyết bế tắc lâu dài 49 năm được coi là mô hình để giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ. Bộ trưởng Ngoại giao Canada Melanie Joly cho biết: “Bắc Cực là một ngọn hải đăng cho sự hợp tác quốc tế, nơi pháp quyền chiếm ưu thế. Khi an ninh toàn cầu đang bị đe dọa, điều quan trọng hơn bao giờ hết đối với các nền dân chủ như Canada và Đan Mạch, cùng với những người bản địa, là giải quyết những khác biệt của chúng ta phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Người Đan Mạch và người Canada đã đến thăm hòn đảo này bằng máy bay trực thăng cách đây nhiều thập kỷ và tuyên bố chủ quyền với nó, dẫn đến các cuộc phản đối ngoại giao và thậm chí là lời kêu gọi của người Canada tẩy chay các loại bánh ngọt vốn nổi tiếng thế giới của Đan Mạch.

Trong các chuyến thăm cấp bộ đến hòn đảo này trước đây, mỗi bên sẽ cắm một lá cờ và để lại một chai rượu whisky hoặc rượu schnapps như để xác định chủ quyền của mình, cùng với những lời ghi chú hài hước.

“Bởi vậy, nhiều người đã gọi nó là cuộc chiến rượu whisky. Tôi nghĩ đó là cuộc chiến thân thiện nhất trong tất cả các cuộc chiến”, Joly nói về tranh chấp lãnh thổ - vốn đã thu hút không dưới 26 ngoại trưởng trong nhiều thập kỷ - tại một cuộc họp báo với người đồng cấp Đan Mạch Jeppe Kofod.

Thủy thủ đoàn của tàu chiến Đan Mạch thực hiện nghi lễ thượng cờ trên đảo Hans và để lại một chai rượu whisky vào tháng 8 năm 2002. Ảnh: AP

Kofod nói thêm: “Chúng tôi thấy những vi phạm nghiêm trọng đối với các quy tắc quốc tế đang diễn ra ở một nơi khác trên thế giới. Ngược lại, chúng tôi đã chứng minh rằng các tranh chấp lâu đời có thể được giải quyết một cách hòa bình bằng cách chơi theo luật như thế nào”.

Ông hy vọng rằng sự việc này sẽ “truyền cảm hứng cho các quốc gia khác đi theo con đường tương tự. Nó gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ: ngoại giao và pháp quyền thực sự hoạt động, và kết quả tuyệt vời có thể đạt được bằng cách tuân thủ các quy tắc”.

Mai Anh (theo SCMP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/canada-va-dan-mach-ket-thuc-cuoc-chien-ruou-whisky-tren-hon-dao-bac-cuc-post199231.html