Cần tích hợp giữa nguồn tài liệu điện tử với cải cách thủ tục hành chính

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 24/5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận.

Bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 8 chương với 65 điều.

Quang cảnh phiên thảo luận sáng 24/5 - Ảnh: Quochoi.vn

Quang cảnh phiên thảo luận sáng 24/5 - Ảnh: Quochoi.vn

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội quy định tài liệu lưu trữ vĩnh viễn của cấp xã thuộc nguồn nộp vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh (khoản 4 điều 10 của Dự thảo Luật); chỉnh lý quy định tại điều 18 về cơ quan, tổ chức nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước để bảo đảm tính thống nhất.

Về thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý quy định về thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử tối đa là 5 năm, nhưng tính từ năm tài liệu được nộp vào lưu trữ hiện hành và áp dụng thống nhất cho cả tài liệu giấy, tài liệu số.

Việc rút ngắn thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ. Hạn chế tình trạng thất thoát tài liệu lưu trữ vĩnh viễn và giúp bảo quản tài liệu lưu trữ tốt hơn.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo

Về lưu trữ tài liệu điện tử, Dự thảo Luật được thiết kế theo hướng quy định việc lưu trữ tài liệu giấy song song với lưu trữ tài liệu số và việc chuyển đổi từ lưu trữ tài liệu giấy sang lưu trữ tài liệu số được thực hiện theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và định hướng Chính phủ số, chính quyền số.

Mở rộng quyền tiếp cận tài liệu phục vụ hoạt động của cơ quan hành chính

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Trần Thị Khánh Thu (Đoàn tỉnh Thái Bình) cho rằng, các nội dung của Dự thảo Luật cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát để đảm bảo tính thống nhất với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các dự án luật trong lĩnh vực này như Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Công nghệ thông tin...

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu ý kiến. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu ý kiến. Ảnh: Quochoi.vn

Đối với điều 8 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trữ để xâm phạm lợi ích hợp pháp của quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; cản trở quyền sử dụng hợp pháp tài liệu lưu trữ của công dân, bởi hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trữ là một nội dung mới được quy định trong Dự thảo Luật này.

Quan tâm đến hành vi nghiêm cấm “Hủy trái phép tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt” tại khoản 3, điều 8, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị, cân nhắc xem xét đưa ra khỏi Dự thảo Luật hành vi này, để tránh trùng lắp vì tại khoản 1 Điều 8 của Dự thảo Luật đã quy định hành vi bị nghiêm cấm là hủy trái phép tài liệu.

Đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận sáng 24/5

Đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận sáng 24/5

Về trình tự, thủ tục công nhận tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nêu tại khoản 1 Điều 39 của Dự thảo Luật quy định: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức; người đứng đầu lưu trữ lịch sử và cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng lập hồ sơ đề nghị công nhận tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt”. Để thống nhất chủ thể và áp dụng luật thuận lợi, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo, cân nhắc làm rõ cụm từ “cộng đồng” trong trường hợp này.

Còn đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Đông (Đoàn tỉnh Bạc Liêu) cho rằng, để phát huy hiệu quả của việc lưu trữ tài liệu điện tử cần có sự tích hợp giữa nguồn tài liệu điện tử và vấn đề cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, cần mở rộng quyền tiếp cận đến tất cả mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội những tài liệu phục vụ cho hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước để họ xác định đúng quyền và nghĩa vụ trong quan hệ pháp luật hành chính cụ thể. Thông qua đó nhiều thủ tục hành chính rườm rà được cắt giảm, hiệu quả quản lý Nhà nước nâng lên đáng kể.

Vân Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/can-tich-hop-giua-nguon-tai-lieu-dien-tu-voi-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh.html