Cần Thơ tăng tốc phát triển kinh tế

Năm 2019, theo báo cáo của UBND TP Cần Thơ, trong tổng số 13 chỉ tiêu kinh tế-xã hội, ước có 11 chỉ tiêu vượt và đạt 100% kế hoạch, còn 2 chỉ tiêu (xuất khẩu và thu thuế Hải quan) chưa đạt kế hoạch. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2019 ước tăng 7,51% so với năm 2018 (năm 2018 tăng 7,02%) và tăng cao hơn so với mức tăng bình quân của cả nước. Đây là tiền đề quan trọng để thành phố hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2015-2020 trong năm tới.

Những điểm sáng

Theo đánh giá của UBND thành phố, cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng khu vực nông-lâm- thủy sản, tăng công nghiệp-xây dựng và dịch vụ. Năm qua, nông-lâm- thủy sản ước tăng 0,44% (chiếm 7,7% GRDP); công nghiệp-xây dựng tăng 8,26% (chiếm 32,96%); dịch vụ tăng 8,19% so với năm 2018 và chiếm tỷ trọng 59,34% trong cơ cấu GRDP của thành phố.

Để phát triển kinh tế, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo và cùng với các sở, ngành đối thoại gỡ khó, đồng hành cùng DN, tạo điều kiện tối đa cho DN phát triển. Thông qua đó để huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển trên địa bàn. Ước năm qua, tổng vốn đầu tư trên địa bàn ước thực hiện hơn 52.000 tỉ đồng, vượt 0,17% kế hoạch và tăng 14,4% so với năm 2018. Thành phố hiện có 86 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), vốn đăng ký trên 748 triệu USD, vốn thực hiện 460 triệu USD; doanh thu của các DN FDI năm qua ước đạt 960 triệu USD. Ngoài ra, thành phố còn có 103 dự án đầu tư trong nước đang triển khai thực hiện, vốn đầu tư 63.325 tỉ đồng, đầu tư trên các lĩnh vực: thương mại- dịch vụ, đô thị…

Năm 2019 cũng là năm chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của khởi sự DN. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, ước cả năm thành phố cấp mới đăng ký kinh doanh cho 1.500 DN các loại hình, vốn đăng ký 11.500 tỉ đồng, nâng tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn thành phố lên khoảng 10.000 DN. Ông Trương Quốc Trạng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, cho biết: “So với năm 2018, số vốn DN thành lập mới tăng gần 47% về vốn đăng ký và 7,37% về số DN. Điều này đã tạo thêm niềm tin cho các nhà đầu tư, nhiều DN trong và ngoài nước đối với môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố. Những khó khăn, vướng mắc của DN được các sở, ngành kịp thời tháo gỡ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng cho DN hoạt động”.

Vẫn còn khó khăn cần tháo gỡ

Mặc dù đạt nhiều kết quả trên cả 3 khu vực kinh tế, nhưng trên thực tế chất lượng tăng trưởng, chuyển biến kinh tế của thành phố còn chậm so với yêu cầu đề ra. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương thành phố, nêu thực tế: “Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ cả năm 2019 ước thực hiện hơn 2,16 tỉ USD, đạt 98,31% kế hoạch. Trong đó xuất khẩu thực hiện đạt hơn 1,71 tỉ USD. Đây là chỉ tiêu bị ảnh hưởng rất lớn bởi thị trường trong những năm vừa qua. Gạo và thủy sản là hai mặt hàng xuất khẩu chiến lược, chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu nhưng những năm vừa qua, không có đầu tư phát triển ngành công nghiệp mới để thay thế hai mặt hàng này. Vì vậy, hai mặt hàng này gặp khó sẽ kéo chỉ tiêu xuất khẩu giảm”.

Theo ông Nguyễn Minh Toại, năm 2019, giá lúa gạo sụt giảm, bán ra thị trường nước ngoài cũng rất là khó khăn, đời sống người dân bị ảnh hưởng. Còn đối với thủy sản, người nuôi cá tra từ đầu năm đến nay lỗ 3.000-4.000 đồng/kg, thậm chí là 6.000 đồng/kg cá nguyên liệu, do giá bán thấp hơn giá thành nuôi. Năm 2020 sẽ có rất nhiều người nuôi cá và DN có thể phải ngưng nuôi nếu thị trường không khả quan hơn.

Ông Trương Quốc Trạng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, cho biết, năm 2020 một số chỉ tiêu phải tăng gấp đôi để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2015-2020. Vì vậy, cần tập trung nâng cao tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó, phát triển công nghiệp theo hướng tăng cao chất lượng giá trị hàng hóa, giảm tỷ lệ hàng tồn kho; nông nghiệp dựa vào công nghệ mới để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; quan tâm công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư để lấp đầy các khu công nghiệp nhưng có chọn lọc, ưu tiên công nghiệp công nghệ cao, kết nối và có sức lan tỏa. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại; cơ cấu lại đầu tư, tập trung đầu tư các dự án trọng điểm, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực từ Nhà nước.

Cần Thơ đang nỗ lực kêu gọi đầu tư hạ tầng logistics tại cảng để thúc đẩy xuất khẩu. Trong ảnh: Cảng Cái Cui. Ảnh: N.Hào

Ngoài ra, để đảm bảo đạt thu ngân sách nhà nước, ông Lê Tấn Nẫm, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế thành phố, cho biết: “Từ nay đến cuối năm, kế hoạch nước rút của ngành thuế là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống nhất thu. Cục Thuế sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và địa phương rà soát, đôn đốc các dự án hoàn thành, chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế để bổ sung vào nguồn thu ngân sách cho thành phố. Đồng thời tăng cường xử lý nợ đọng thuế; khai thác thêm các nguồn thu khác để bù đắp các nguồn thu còn thiếu hụt”.

Theo ông Lê Tấn Nẫm, năm 2020, chỉ tiêu kế hoạch Bộ Tài chính giao thu nội địa là 11.082 tỉ đồng, tăng so với dự kiến ước thực hiện năm 2019 khoảng 8%. Trong đó, thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh, năm tới Bộ giao 2.435 tỉ đồng, thành phố dự kiến thu khoảng 2.000 tỉ đồng. Đây là chỉ tiêu mà 4-5 năm liền, thành phố thu không hoàn thành, do chỉ tiêu giao cao so với tốc độ tăng trưởng công thương nghiệp của thành phố; do vậy cần khai thác các nguồn khác để bù đắp và hỗ trợ DN hoạt động hiệu quả hơn.

Gia Bảo

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/can-tho-tang-toc-phat-trien-kinh-te-a115760.html