Cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn về vũ khí thô sơ

Cho ý kiến về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tại phiên thảo luận tổ chiều nay, 24.5, các đại biểu Quốc hội tại Tổ 10 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Thái Bình, Bạc Liêu, Tiền Giang) đề nghị, quy định về vũ khí thô sơ cần cụ thể, rõ ràng, hợp lý hơn để bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa các điều khoản.

Làm rõ quy định về vũ khí thô sơ

Tham gia thảo luận tại Tổ 10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và tán thành với các nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.

Các đại biểu cũng nhất trí việc sửa đổi Luật này để tăng cường công tác quản lý; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các giấy tờ không cần thiết nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân; tạo hành lang pháp lý vững chắc trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về lĩnh vực này; khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thi hành, áp dụng Luật thời gian qua.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Dương (Tiền Giang) phát biểu tại Tổ 10. Ảnh: Thái Bình

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Dương (Tiền Giang) phát biểu tại Tổ 10. Ảnh: Thái Bình

Băn khoăn về quy định tại khoản 4 Điều 3 về vũ khí thô sơ, ĐBQH Nguyễn Văn Dương (Tiền Giang) đề nghị ban soạn thảo làm rõ nội dung này, vì liên quan đến Điều 32 dự thảo Luật về khai báo vũ khí thô sơ; nếu không khai báo sẽ bị xử phạt, còn nếu khai báo thì không biết khi nào là vũ khí khi nào không phải là vũ khí?

Cũng quan tâm đến quy định khai báo vũ khí thô sơ tại Điều 32, ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) cho rằng, việc quy định như vậy là cần thiết, nhằm tăng cường quản lý vũ khí thô sơ cũng như quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao để phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sử dụng các loại vũ khí này.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) phát biểu tại Tổ 10. Ảnh: Thái Bình

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) phát biểu tại Tổ 10. Ảnh: Thái Bình

Trong đó, tại điểm a khoản 1 Điều 32 quy định: Tập thể, cá nhân sở hữu vũ khí thô sơ dùng làm hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo phải khai báo với Công an xã, phường, thị trấn nơi đặt trụ sở hoặc cư trú. Theo đại biểu Nguyễn Văn Huy, mặc dù đây là quy định kế thừa từ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 và theo giải trình của cơ quan soạn thảo thì trong quá trình thực hiện không phát sinh khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, vũ khí thô sơ cần được khai báo có phạm vi như thế nào thì không được quy định cụ thể, vì vậy có thể phát sinh khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thực hiện. Đại biểu đề nghị cần làm rõ phạm vi vũ khí thô sơ cần được khai báo.

Ngoài ra, với quy định vũ khí thô sơ dùng làm hiện vật để trưng bày, triển lãm ở các khu di tích lịch sử văn hóa, bảo tàng, đại biểu Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh, cần rà soát các quy định về quản lý, bảo quản, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị của hiện vật trong Luật Di sản văn hóa hiện hành và dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Cần thiết bổ sung quy định “Trường hợp vũ khí thô sơ dùng làm hiện vật để trưng bày, triển lãm ở các khu di tích lịch sử văn hóa, bảo tàng thì ngoài việc thực hiện theo quy định của luật này, còn phải thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa và luật khác có liên quan” vào dự thảo Luật.

Bổ sung quy định các biện pháp cảnh vệ là cần thiết

Cho ý kiến về quy định liên quan đến các biện pháp cảnh vệ tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, các đại biểu tại Tổ 10 cho rằng việc sửa đổi nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác cảnh vệ thời gian qua, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác cảnh vệ trong tình hình mới; góp phần bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Quang cảnh thảo luận Tổ 10 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Thái Bình, Bạc Liêu, Tiền Giang). Ảnh: Thái Bình

Quang cảnh thảo luận Tổ 10 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Thái Bình, Bạc Liêu, Tiền Giang). Ảnh: Thái Bình

Tại quy định ở điểm b khoản 1 Điều 1Dự thảo Luật đã bổ sung giải thích một số biện pháp cảnh vệ, như: biện pháp kiểm tra an ninh, an toàn; biện pháp kiểm nghiệm thức ăn, nước uống; biện pháp sử dụng thẻ, phù hiệu. Theo đại biểu Nguyễn Văn Huy, việc bổ sung quy định các biện pháp cảnh vệ là cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cảnh vệ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đồng thời, luật hóa các quy định đã được thực hiện ổn định trong thời gian qua.

Tuy nhiên, để bảo đảm rõ ràng, dễ theo dõi, dễ thực hiện, một số đại biểu đề nghị thiết kế một điều riêng trong Chương II quy định về các biện pháp cảnh vệ, bao gồm các nội dung bổ sung ở phần giải thích từ ngữ và các biện pháp cảnh vệ khác đã được nêu trong Luật; sau đó quy định biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với từng đối tượng cảnh vệ đang được thiết kế theo các quy định tại Chương II.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/can-quy-dinh-cu-the-ro-rang-hon-ve-vu-khi-tho-so-i372750/