Căn nhà đẹp bất ngờ dù nội thất được làm từ gỗ cháy

Nhặt nhạnh những mảnh gỗ còn sót lại sau vụ cháy xưởng, anh Lê Ngọc Tùng (Hà Nội) đã tái tạo đời sống mới cho đồ nội thất trong nhà. Tất cả phối hợp với nhau tạo nên không gian đặc biệt, chứa đầy tình cảm và kỉ niệm của gia đình về những biến cố đã xảy ra.

Căn hộ liền kề với diện tích 75m2, 60m2 xây dựng và 3,5 tầng của gia đình anh Lê Ngọc Tùng nằm trong một khu đô thị ngoại thành Hà Nội nhiều cây xanh và ánh sáng tự nhiên. Với tâm niệm "nhà là nơi để về", anh Tùng luôn muốn xây dựng một ngôi nhà phải tình cảm và có nhiều kỉ niệm.

Mặc dù căn nhà đã có lợi thế hai mặt tiền sân trước, sân sau đều rất nhiều cây xanh và ánh sáng tự nhiên nhưng vì là nhà thô nên mọi công năng phân khu trong nhà đều không đúng với nhu cầu mà gia đình anh Tùng cần. Vì vậy, khi cải tạo lại, anh Tùng đã thay đổi rất nhiều, từnhư vị trí tiếp cận cầu thang, đảo lại vị trí phòng khách - bếp đến xử lý các trục nhà vệ sinh...

Gia đình anh Lê Ngọc Tùng nằm trong một khu đô thị nhiều cây xanh và ánh sáng tự nhiên, ấn tượng với cửa ra vào được hình tượng hóa bằng hình ảnh các con thành ba đứa bé cầm tay nhau.

Khi bắt tay vào xây dựng, phong cách thiết kế của ngôi nhà được anh Tùng hướng tới là đề cao ở cảm xúc và tính bản địa. Hai yếu tố này được thể hiện ở những viên gạch lót sàn ở cả ba tầng được nung thủ công và lên men tự nhiên để làm điểm nhấn.

“Nhà tôi ở gần làng gốm Bát Tràng nên tôi đã lựa chọn những viên gạch đất nung thủ công của các xưởng gần đó hoặc gạch xuất khẩu lỗi với giá mua khá rẻ. Sau khi kết hợp lại làm sàn và tường, ngôi nhà có màu sắc rất tự nhiên”, anh Tùng chia sẻ.

Phong cách thiết kế của ngôi nhà đề cao ở cảm xúc và tính bản địa. Hai yếu tố này được thể hiện ở những viên gạch lót sàn ở cả ba tầng được nung thủ công và lên men tự nhiên.

Điểm đặc biệt nhất của căn nhà này đó chính là kết cấu kì lạ của đồ nội thất và câu chuyện tái sinh của chúng. Anh Tùng cho biết, anh đã từng có một công ty về đồ gỗ. Tuy nhiên sau một vụ cháy xưởng, tất cả gỗ và những sản phẩm trong xưởng đều mất hết.

Từ những mảnh gỗ còn sót lại, anh nảy ra ý tưởng tái sinh một cuộc đời mới có giá trị hơn cho những thanh gỗ còn dùng được.

Điểm đặc biệt nhất của căn nhà này đó chính là kết cấu kì lạ của đồ nội thất và câu chuyện tái sinh của chúng.

Việc tái chế mới đầu khó khăn, vì đám cháy xong, cả một núi than gỗ lẫn vào nhau buộc gia chủ phải dành thời gian phân loại. Cái khó nhất là làm sao giữ được bề mặt than trên gỗ không bị biến dạng.

Sau đó, những thanh gỗ của nhiều loại gỗ được anh Tùng xếp với nhau để tạo ra những hiệu ứng độc đáo. Toàn bộ nội thất bằng gỗ cũng được phá vỡ cấu trúc vân bằng cách đánh vẩy cá cho đồng màu.

Những mảnh gỗ cháy được tạo hình trở thành những món đồ đầy tính nghệ thuật, phá vỡ cấu trúc vân và đánh vẩy cá.

“Chi phí cho việc vật liệu làm nội thất là hầu như là bằng không bởi tôi đã biến thứ lẽ ra vứt đi thành cái để dùng, mặc dù mất công sức nhiều hơn. Tôi muốn những vật vô tri vô giác cũng có cuộc đời mới rực rỡ hơn, đây cũng là cách nhắc nhở bản thân dù vấp ngã cũng không được nản chí thì mới thành công”, anh Tùng kể.

Ngoài ra, một biểu tượng được sử dụng xuyên suốt trong căn nhà anh Tùng là hình ảnh cá chép hóa rồng với ước muốn bay lên, cũng như là lời nhắc đến những việc gia chủ đã phải trải qua để cố gắng hơn cho tương lai.

Hình tượng cá chép được sử dụng xuyên suốt trong căn nhà với hàm nghĩa "cá chép hóa rồng".

Không gian bếp dành cho vợ và con gái là phần mà anh Tùng ưng ý nhất. Bếp không có nhiều thiết bị đắt tiền, chủ yếu là tận dụng một số đồ từ nhà cũ, đủ dùng cho gia đình năm người. Điểm nhấn của bếp là chiếc hút mùi do anh tự chế, bên ngoài là gỗ, bên trong là tôn và ống nhựa, được nối với quạt sên trên mái để triệt tiêu tiếng ồn.

Thay vì đặt sau nhà, bếp được đưa lên phía trước để đón nắng, hạn chế vi khuẩn sinh sôi. Với anh Tùng, gian bếp không phải là nơi giam cầm phụ nữ. Anh luôn muốn các con sẽ là những cô gái của một thế kỉ mới. Tương lai các con là bên ngoài kia, không phải phía sau căn bếp nên không gian này anh để cửa số lớn nhìn ra ngoài, như niềm mong muốn các con sẽ bay ra biển lớn, nhưng vẫn nhớ về tuổi thơ bên gia đình.

Bếp được đưa lên phía trước để đón nắng.

Bên cạnh đó, căn bếp cũng là nơi vợ anh hằng ngày chăm lo cho gia đình, ấp ủ hoài bão riêng và có cả những ước muốn giản dị mong chồng con về đúng giờ ăn cơm.

Đối với phòng tắm, anh Tùng sử dụng gạch men và các vật liệu tự nhiên để tạo nên sàn betong mài, tường đất và kết hợp các vật liệu gỗ với nhựa thông minh để phòng luôn sạch sẽ, đồng thời giảm giá thành. Ví trí bồn tắm được đặt ở nơi có thể đón ánh nắng tốt nhất. Tạo cảm giác thư thái, dễ chịu cho các thành viên trong gia đình.

Phòng tắm kết hợp các vật liệu gỗ với nhựa thông minh để phòng luôn sạch sẽ. Ví trí bồn tắm được đặt ở nơi có thể đón ánh nắng tốt nhất.

Để hoàn thiện ngôi nhà này, anh Tùng đã chi khoảng 1,4 tỷ đồng và thi công trong vòng 2,5 tháng. Nơi để lại kỷ niệm đáng nhớ nhất với anh Tùng đó là cánh cửa ra vào, hình ảnh các con gái được hình tượng hóa thành ba đứa bé cầm tay nhau thể hiện đầy đủ sự hồn nhiên, trong sáng như những thiên thần.

Anh muốn mỗi ngày các con đi đâu về cũng sẽ nhìn thấy sự trong trẻo ở đó, để sau này dù có lớn lên và đi xa, các con luôn nhớ về cánh cửa, về ngôi nhà - nơi có cha mẹ luôn ngóng đợi.

P.Ngân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/can-nha-dep-ba-t-ngo-du-no-i-tha-t-duo-c-la-m-tu-go-cha-y-115436.html