Cần nghiêm cấm sản xuất, buôn bán thiết bị phòng cháy, chữa cháy giả, kém chất lượng

Thảo luận tại Tổ 5 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Nam, Lào Cai, Kiên Giang, Vĩnh Phúc) về dự thảo Luật Phòng không nhân dân; dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, các đại biểu đề nghị, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định để bảo đảm tính khả thi, tạo thuận lợi cho cơ sở, doanh nghiệp, người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính liên quan.

Quang cảnh thảo luận tại Tổ 5 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Nam, Lào Cai, Kiên Giang, Vĩnh Phúc)

Quang cảnh thảo luận tại Tổ 5 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Nam, Lào Cai, Kiên Giang, Vĩnh Phúc)

Làm rõ tính khả thi của việc huy động nhân lực cho phòng không nhân dân

Các ĐBQH tán thành với sự cần thiết xây dựng Luật Phòng không nhân dân với các lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, một số văn bản pháp luật hiện hành mới quy định những vấn đề chung mang tính nguyên tắc liên quan đến phòng không nhân dân mà chưa sát với nhiệm vụ của lực lượng này, nên đòi hỏi phải tạo khung pháp lý đầy đủ, toàn diện.

ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu

ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu

“Việc xây dựng, ban hành Luật Phòng không nhân dân góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng, có ý nghĩa thiết thực bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, đại biểu Trần Văn Tiến khẳng định.

ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn (Kiên Giang) phát biểu

ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn (Kiên Giang) phát biểu

Dù vậy, để bảo đảm tính thuyết phục về sự cần thiết phải ban hành Luật Phòng không nhân dân, ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn (Kiên Giang) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần bổ sung, làm rõ những vướng mắc, bất cập về khuôn khổ pháp lý cũng như thực tiễn tổ chức và hoạt động của phòng không nhân dân trong thời gian qua. Qua đó, bảo đảm cơ sở thực tiễn của việc ban hành Luật gắn bó thiết thực với nhu cầu thực tiễn hiện tại, không nên dẫn lại yếu tố lịch sử phòng không trước đó.

Mặt khác, việc phát triển các loại phương tiện, vũ khí công nghệ cao có ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ (trong đó có tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ) hiện đang được nghiên cứu điều chỉnh tại Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Do đó, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần chú ý rà soát để bảo đảm tính thống nhất, đặc biệt là các quy định về quyền, nghĩa vụ khai thác, sử dụng và các quy định về nguồn lực bảo đảm.

Về lực lượng phòng không nhân dân huy động được quy định tại Điều 11 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn cho rằng, đây là khái niệm mới có ảnh hưởng và liên quan chặt chẽ đến nguyên tắc tổ chức và hoạt động của phòng không nhân dân cũng như các chế độ, chính sách bảo đảm đối với lực lượng này. Do đó, việc xây dựng các quy định về lực lượng phòng không nhân dân cần dựa trên kết quả tổng kết việc thi hành Nghị định số 74/2015/NĐ-CP, đồng thời dựa trên đánh giá, tổng kết thi hành các quy định về lực lượng dân quân tự vệ phòng không được quy định tại Luật Dân quân tự vệ năm 2018.

Mặt khác, theo đại biểu Nguyễn Phương Tuấn, cơ quan chủ trì soạn thảo cần đánh giá tác động và tính khả thi của việc huy động nhân lực của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và quần chúng vào các nhiệm vụ phòng không nhân dân.

Lý lẽ là bởi, khác với các lực lượng vũ trang nhân dân khác, lực lượng phòng không phải thực hiện các nhiệm vụ tác chiến liên quan đến máy bay, radar, tên lửa, pháo phòng không… Việc huấn luyện các nghiệp vụ tác chiến phòng không cũng như sử dụng các trang thiết bị thuộc lĩnh vực này có nhiều đặc thù liên quan đến trình độ, thể chất, mất nhiều thời gian đào tạo, huấn luyện, đòi hỏi phải do lực lượng được đào tạo chuyên ngành thực hiện.

Thực tế hiện nay cũng cho thấy, các hoạt động bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cũng không có nhiều nội dung về hoạt động phòng không.

Cần thống nhất đầu mối thẩm định, nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy

Với dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, các ĐBQH tán thành với việc tăng cường các giải pháp, biện pháp, yêu cầu để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy cũng như sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan, đặc biệt là xây dựng Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn. Qua đó, kịp thời tạo cơ sở pháp lý nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy trong thực tiễn.

ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) đề nghị bổ sung vào Điều 11, dự thảo Luật quy định hành vi “cấm sản xuất, buôn bán thiết bị phòng cháy, chữa cháy giả, kém chất lượng”.

ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) phát biểu tại tổ

ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) phát biểu tại tổ

Bởi, thực tiễn cho thấy đang có tình trạng bình chữa cháy giả, kém chất lượng với giá khá hấp dẫn trên thị trường; cột chữa cháy dựng lên nhưng không cơ quan nào kiểm tra, dẫn đến khi xảy ra sự cố cần chữa cháy thì không có nước hoặc không hoạt động được. “Điều này rất nguy hiểm nếu nguy cơ cháy nổ xảy ra, không thể chủ động kịp thời dập tắc đám cháy, do đó phải đưa nội dung này vào điều cấm”, đại biểu đề nghị.

Dẫn các quy định tại Điều 14, 15 và Điều 45 của dự thảo Luật về thẩm tra, thẩm định thiết kế, nghiệm thu và kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, ĐBQH Lê Thu Hà (Lào Cai) nhận thấy, dự thảo Luật “chia” chức năng thẩm định, nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy đối với dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới cho nhiều đối tượng thực hiện.

Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa quy định rõ “cơ quan chuyên môn về xây dựng” là cơ quan nào hay “người quyết định đầu tư trong tổ chức thẩm định thiết kế phòng cháy, chữa cháy” là những cơ quan, tổ chức nào. Tương tự, cũng như chưa quy định cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức này.

ĐBQH Lê Thu Hà (Lào Cai) phát biểu tại tổ

ĐBQH Lê Thu Hà (Lào Cai) phát biểu tại tổ

Theo đại biểu Lê Thu Hà, ở nhiều quốc gia phát triển, quy trình cấp phép, thẩm định, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy chỉ do một cơ quan đầu mối thực hiện. Theo đó, một dự án, công trình để được cấp phép xây dựng sẽ chỉ do một cơ quan thực hiện thẩm định, nghiệm thu và ban hành giấy phép nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.

Tiếp thu kinh nghiệm thế giới, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật có thể quy định phân tách về chức năng, nhiệm vụ, nhưng nên tổng hợp một đầu mối thực hiện thẩm định, nghiệm thu và cấp phép về phòng cháy, chữa cháy, nhằm tạo thuận tiện cho các cơ sở, doanh nghiệp, người dân trong thực hiện các quy trình, thủ tục liên quan.

Các đại biểu Quốc hội cũng tán thành với yêu cầu được đưa ra tại khoản 3, Điều 26 của dự thảo Luật.

Theo đó, trên mạng lưới cấp nước tập trung hoàn chỉnh sẽ phải bố trí các trụ nước chữa cháy theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bảo đảm yêu cầu cấp nước phục vụ phòng cháy, chữa cháy. Tại các bể nước, ao, hồ, sông, suối, kênh... trong đô thị, khu chức năng, khu dân cư nông thôn tập trung bố trí các điểm, bến, bãi theo quy hoạch để xe chữa cháy, máy bơm chữa cháy lấy được nước phục vụ phòng cháy, chữa cháy.

ĐBQH Nguyễn Văn Hận (Kiên Giang) phát biểu tại tổ

ĐBQH Nguyễn Văn Hận (Kiên Giang) phát biểu tại tổ

Các ĐBQH Nguyễn Văn Hận (Kiên Giang), Lê Thu Hà (Lào Cai)… chỉ rõ, qua giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018 vừa qua đã đặt ra những vấn đề này.

Đại biểu Lê Thu Hà cho biết, tại các đô thị lớn ở nước ta đã có tình trạng phương tiện phòng cháy, chữa cháy không thể đi vào những ngõ nhỏ, phố nhỏ để tiếp cận căn hộ bị cháy của người dân. Nếu không có điểm lấy nước chữa cháy ở gần những khu vực này thì gần như không thể chữa cháy nhanh, “phải chấp nhận đám cháy cứ thế xảy ra”.

Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa quy định rõ quy hoạch những điểm, bến, bãi chứa nước này thể hiện ở bản quy hoạch nào?

TIn và ảnh: Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/y-kien-dai-bieu/can-nghiem-cam-san-xuat-buon-ban-thiet-bi-phong-chay-chua-chay-gia-kem-chat-luong-i376203/