Cần lắm những 'ông bầu' tâm huyết

Thông tin về việc câu lạc bộ (CLB) bóng đá nữ Sơn La có nguy cơ giải tán vì khó khăn tài chính, cầu thủ chỉ được nhận lương 1,6 triệu đồng/tháng đã khiến người hâm mộ không khỏi ngậm ngùi, lo lắng. Khó khăn với đội bóng này không chỉ đến khi có dịch Covid-19 mà nó đã âm ỉ từ lâu khi thiếu nhà tài trợ tâm huyết.

Việc cầu thủ bóng đá nữ “vừa xay lúa vừa bế em” lâu nay không phải là chuyện hiếm. Một năm trước, bóng đá nữ Thái Nguyên cũng gặp cảnh tương tự khi nhiều cầu thủ nữ phải bỏ bóng đá đi làm công nhân để mong thoát cảnh túng thiếu. Rất may sau đó, khó khăn đã được giải quyết khi Tập đoàn T&T Group của “bầu” Hiển đứng ra tài trợ cho đội bóng ổn định lại tổ chức, yên tâm thi đấu với bản hợp đồng kéo dài 5 năm. Tất nhiên, đây chỉ là hành động giúp đỡ mang tính tạm thời và chẳng ai có thể bảo đảm đơn vị này sẽ tiếp tục đồng hành với CLB nữ Thái Nguyên sau khi giao kèo kết thúc. Về lâu về dài, bóng đá nữ Thái Nguyên vẫn cần những “ông bầu” tâm huyết, gắn bó lâu dài để phát triển đội bóng. Bởi, với bóng đá nữ hiện nay thì chỉ có thể nói chuyện tài trợ chứ chưa thể đầu tư để sinh lời.

 Câu lạc bộ nữ Sơn La đá tập tham dự Giải bóng đá nữ cúp quốc gia-Cúp LS 2019. Ảnh: NAM KHÁNH

Câu lạc bộ nữ Sơn La đá tập tham dự Giải bóng đá nữ cúp quốc gia-Cúp LS 2019. Ảnh: NAM KHÁNH

Trở lại câu chuyện với CLB nữ Sơn La, mọi thứ đang hết sức khó khăn. Trước đây, tiền công và tiền ăn của các cầu thủ ở mức 3 triệu đồng/tháng, nhưng hiện nay chỉ còn 1,6 triệu đồng/tháng. Năm 2019, đội nhận được tài trợ của một công ty với mức 100 triệu đồng/tháng. Số tiền đó được dùng để trả lương cầu thủ, mua sắm thêm trang thiết bị tập luyện... Việc nhà tài trợ dừng hỗ trợ vì khó khăn bởi dịch Covid-19 khiến đội bóng kiệt nguồn tiền. Một số cầu thủ đã tính tới việc đi làm công nhân, thậm chí là về quê lập gia đình để ổn định cuộc sống.

Trước những khó khăn của CLB nữ Sơn La, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cho biết đang tìm nguồn tài chính để hỗ trợ CLB. Trong khi đó, ngành thể thao Sơn La cam kết bằng mọi cách duy trì đội bóng. Dù vậy, nguồn tài chính đó từ đâu và duy trì hoạt động đội bóng bằng cách nào thì chưa được hai đơn vị này trả lời cụ thể.

Ban huấn luyện CLB nữ Sơn La mới đây cũng đã liên hệ với Công ty TNHH Thương mại Thái Sơn Nam để được hỗ trợ và bước đầu nhận được phản hồi tích cực. Một lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại Thái Sơn Nam nói: “Nếu CLB Sơn La có kế hoạch tốt, chúng tôi sẽ xem xét tài trợ, tạo điều kiện cho các cầu thủ tiếp tục thi đấu bởi bóng đá nữ vốn đều rất khó khăn”.

Mọi sự giúp đỡ, tài trợ với CLB nữ Sơn La lúc này thật trân quý. Với một đội bóng mới thành lập được 8 năm, chưa có thành tích như CLB nữ Sơn La thì rất khó thu hút các nhà tài trợ. Có được nguồn kinh phí, trước mắt các cầu thủ bớt lo về chuyện cơm áo gạo tiền. Bao lâu nay, cầu thủ đội bóng này nhận được đồng lương quá nhỏ so với chi phí lo toan cho cuộc sống gia đình mỗi lúc một tăng thêm. Cũng như Thái Nguyên và một số đội bóng nữ hiện nay, CLB nữ Sơn La rất cần sự hậu thuẫn, tài trợ của các nhà tài trợ, những "ông bầu" tâm huyết với bóng đá nữ.

Chúng ta chẳng thể đòi hỏi bóng đá nữ được tài trợ như bóng đá nam, bởi ngay chính bản thân người hâm mộ cũng chưa thật sự quan tâm đến giải đấu của các cô gái. Khán đài vẫn cứ trống trơn, các trận đấu được trực tiếp trên truyền hình vẫn ít được theo dõi... Những tấm lòng hào hiệp lúc này không chỉ giúp CLB nữ Sơn La vượt khó, mà nó còn giúp các cầu thủ nữ tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ với bóng đá.

HOÀI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/can-lam-nhung-ong-bau-tam-huyet-615569