Cần 'hạ nhiệt' khi vi phạm giao thông

Thời gian qua, tình trạng chống người thi hành công vụ nói chung và lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) nói riêng, diễn biến phức tạp, với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, manh động và liều lĩnh hơn.

Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TP.Biên Hòa kiểm tra nồng độ cồn đối với một trường hợp khi điều khiển phương tiện. Ảnh: Hải Dương

Người vi phạm không chỉ thể hiện sự coi thường pháp luật mà còn nóng nảy gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông và bức xúc trong dư luận xã hội.

* Manh động, liều lĩnh

Theo Bộ Công an, tình trạng chống người thi hành công vụ trên lĩnh vực giao thông ngày càng manh động. Trước đây, người vi phạm thường “xin xỏ” để được bỏ qua vi phạm, rồi ngăn cản việc thi hành công vụ sau đó mới đến chống đối, nhưng hiện nay người vi phạm tấn công thẳng lực lượng CSGT. Việc chống, tấn công lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ không những đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ mà còn thể hiện sự coi thường pháp luật, làm giảm hiệu lực quản lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự.

Thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an) cho thấy, năm 2019 toàn quốc xảy ra 25 vụ chống lại lực lượng CSGT đang thi hành nhiệm vụ, làm 1 chiến sĩ hy sinh, 18 chiến sĩ bị thương. Trong năm 2020, toàn quốc xảy ra 24 vụ chống người thi hành công vụ, làm 11 cán bộ, chiến sĩ CSGT bị thương. Đáng lo ngại, một số người vi phạm giao thông ngay khi CSGT ra tín hiệu dừng xe đã lao vào tấn công người thực thi công vụ. Đặc biệt, khi lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý các chuyên đề vi phạm giao thông như: nồng độ cồn, ma túy, chở quá tải trọng cho phép… thì tình trạng chống đối càng nghiêm trọng và dễ xảy ra hơn.

Luật sư Trần Trọng Hiếu (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích, nhận thức và ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế, thiếu hiểu biết về pháp luật nói chung và pháp luật về trật tự, an toàn giao thông nói riêng. Người dân cần tuân thủ các quy định của pháp luật, nếu CSGT sai, người vi phạm có quyền khiếu nại quyết định hành chính của lực lượng chức năng, thậm chí khởi kiện ra tòa, nhưng không có quyền chống lại lực lượng làm nhiệm vụ.

“Việc vi phạm giao thông chỉ là vi phạm hành chính, người vi phạm đừng vì một phút thiếu suy nghĩ, bức xúc mà có hành vi dẫn đến việc xử lý hình sự, hậu quả nghiêm trọng hơn” - luật sư Hiếu cảnh báo.

Mới đây, vào tối 16-3, Tổ Tuần tra kiểm soát giao thông thuộc Công an H.Nhơn Trạch đã phát hiện P.X.B. (quê tỉnh Thanh Hóa) điều khiển xe mô tô vi phạm quy định điều khiển xe mà trong hơi thở có nồng độ cồn mức 0,56mg/lít khí thở. Tổ công tác đã lập biên bản theo quy định. Sau khi bị lập biên bản B. đã có lời nói lăng mạ tổ công tác và dùng tay làm vỡ gương xe mô tô tuần tra của lực lương chức năng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ công tác đã khống chế đối tượng B. và bàn giao cho lực lượng chức năng để điều tra giải quyết.

Trước đó, vào rạng sáng 12-12-2020, Tổ Tuần tra kiểm soát giao thông do thiếu tá Đoàn Văn Kiên (thuộc Trạm Tuần tra kiểm soát giao thông 51, Phòng CSGT Công an tỉnh) làm Tổ trưởng, đang làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý giao thông tại Km28+90, trên quốc lộ 51 (thuộc xã An Phước, H.Long Thành) thì bị một xe máy đi sai làn đường tông vào làm gãy tay phải và chân trái.

Vào sáng 20-11-2020, Chế Văn Bò (quê tỉnh Đồng Tháp) điều khiển xe tải ben lưu thông trên quốc lộ 1, hướng từ TP.Biên Hòa đi TP.HCM. Khi đến khu vực cầu Đồng Nai, Tổ công tác thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh đi tuần phát hiện xe tải này có dấu hiệu chở quá tải nên yêu cầu dừng xe nhưng tài xế không những không chấp hành mà còn lái xe tông thẳng vào tổ tuần tra rồi tăng ga bỏ chạy hướng về TP.HCM. Khi thấy lực lượng CSGT đuổi theo, đối tượng đã lái xe lạng lách để chèn ép hòng tẩu thoát nhưng đã bị lực lượng công an chặn bắt.

Đại tá Lê Quang Nhân, Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết, ý thức chấp hành quy định về giới hạn nồng độ cồn khi tham gia giao thông của người dân chưa thực sự tự giác. Một số trường hợp người vi phạm khi bị lực lượng chức năng dừng xe kiểm tra có thái độ không hợp tác, có trường hợp quá khích, chống đối, lăng mạ cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý.

* Ngăn chặn hành vi chống đối CSGT

Theo phân tích của các cơ quan chức năng, các quy định của pháp luật về xử lý các hành vi chống người thi hành công vụ hiện nay còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe và các vụ gây hậu quả ít nghiêm trọng thường chỉ xử phạt vi phạm hành chính, do đó tính giáo dục, răn đe và phòng ngừa còn hạn chế.

Lực lượng Cảnh sát giao thông Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh làm việc với người vi phạm giao thông. Ảnh: Hải Dương

Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, thời gian qua đơn vị đang sử dụng thiết bị có kết nối công nghệ thông tin như camera giám sát để ghi lại quá trình làm nhiệm vụ của CSGT, vừa để kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, chiến sĩ, vừa ghi lại hình ảnh chống đối của người vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định.

Đối với các chuyên đề kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng chất kích thích, nếu lực lượng chức năng không giữ xe của người say rượu, sử dụng ma túy ngay từ đầu khi phát hiện thì nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông sẽ rất cao. Trong khi đó, người vi phạm giao thông tinh thần không tỉnh táo, thường tỏ thái độ bức xúc mà không nghĩ rằng, lực lượng chức năng đang xử lý vi phạm là để đảm bảo an toàn cho chính bản thân họ và những người xung quanh.

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho hay, Bộ Công an đang khẩn trương hoàn thiện, đề xuất xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để tạo hành lang pháp lý vững chắc, đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm giao thông. Cùng với đó là tăng thẩm quyền cho người thi hành công vụ được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để bảo vệ mình trong những trường hợp, tình huống cụ thể được pháp luật quy định.

Theo thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, có những trường hợp người vi phạm giao thông, vi phạm các hành vi phạm pháp hình sự khác chống đối quyết liệt lực lượng chức năng, nhưng các quy định pháp luật để ngăn chặn, xử lý các đối tượng chống đối lực lượng CSGT chưa đủ mạnh và thiếu nên việc xử lý chưa quyết liệt. Các đối tượng càng manh động, thể hiện sự coi thường pháp luật.

Để hạn chế việc người vi phạm chống đối, tấn công CSGT, ngoài tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức, kiến thức pháp luật cho người tham gia giao thông, yêu cầu đặt ra là cán bộ, chiến sĩ CSGT phải có nghiệp vụ giỏi, tư thế, tác phong đúng mực, kỹ năng xử lý tình huống đúng pháp luật, ứng xử có văn hóa khi tiếp xúc với người dân. Việc dừng phương tiện, kiểm tra, xử lý phải đảm bảo đúng quy trình, quy định của pháp luật.

Hải Dương

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202103/can-ha-nhiet-khi-vi-pham-giao-thong-3049429/