Cần giải pháp đồng bộ chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ

chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch, theo các chuyên gia ngoài tuyên truyền, vận động các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương cần có định hướng về hiệu quả kinh tế từ phụ phẩm này thì chắc chắn người nông dân sẽ có thay đổi tích cực.

Đốt rơm rạ không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông mà còn làm lãng phí đi một nguồn lợi không nhỏ từ phụ phẩm nông nghiệp này

Đốt rơm rạ đã trở thành thói quen khó bỏ

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND với mục tiêu tới ngày 1/1/2021, 100% rơm rạ và phụ phẩm cây trồng phát sinh được thu gom, tái sử dụng hoặc xử lý đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật môi trường. Không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn thải sinh hoạt không đúng quy định trên địa bàn thành phố.

Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiến tiến, hiện đại trong công tác thu hoạch sản phẩm, thu gom, vận chuyển, xử lý rơm rạ và phụ phẩm cây trồng đảm bảo thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên trên thực tế khó có thể để đạt được mục tiêu không còn hoạt động đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp trong quá trình sản xuất trên địa bàn Thành phố Hà Nội vì thói quen của người dân tình trạng đốt rơm rạ vẫn diễn ra khá phổ biến.

Ghi nhận của PV vào chiều 21/9, tại các xã trên địa bàn huyện Sóc Sơn (Thành phố Hà Nội) đang vào thời điểm thu hoạch lúa vụ mùa. Tại cánh đồng thuộc thôn Bắc Hạ, xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn) giáp với sân bay Nội Bài sau khi thu hoạch xong, những đống rơm rạ lại được được người dân đốt ngay tại ruộng, khói bốc lên mịt mù.

Đốt rơm rạ đã trở thành thói quen khó bỏ của người nông dân

Theo anh Đông, một người nông dân đang châm bùng lên ngọn lửa của đống rơm mới được gom vào cho biết, do gia đình không có nhu cầu dùng đến rơm rạ nên sau khi thu hoạch xong hơn ba sào ruộng, anh đã phơi khô và đốt ngay tại đồng. Bây giờ nhà nào cũng đun bếp ga, bếp điện nên chẳng còn dùng rơm rạ để nấu nướng, mình không đốt thì người ta cũng đốt lấy tro bón lúa lại sạch ruộng.

Còn bác Chính, sống tại huyện Phúc Thọ cho rằng, trước đây rơm rạ được người dân thu về để đun nấu, làm chổi rơm, nón rơm… Thế nhưng cùng với sự phát triển của cuộc sống, hiện nay rơm rạ đã không còn được sử dụng vào những mục đích trên. Bên cạnh đó, việc kéo rơm lên bờ để ủ phân hay chế biến, xử lý rất mất sức, thời gian và chi phí mà cũng chẳng tiết kiệm được bao nhiêu.

Chính vì vậy, cứ mỗi buổi chiều, nhiều cánh đồng tại các huyện Sóc Sơn, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ,... lại trở thành "biển lửa và khói". Và từ những cánh đồng ấy, khói lửa theo gió bao trùm nhiều vùng quê, khiến không khí trở nên ngột ngạt. Việc đốt rơm rạ không chỉ làm ô nhiễm không khí (phát thải lượng lớn khí CO2, CO và NO ) mà còn gây hiện tượng khói mù làm cay mắt, hạn chế tầm nhìn của người và phương tiện tham gia giao thông.

Tận dụng rơm rạ đem lại hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường

Thông tin từ Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn Lê Thị Hải cho biết, do điều kiện kinh tế của người dân còn hạn chế nên việc triển khai các biện pháp xử lý rơm, rạ, nhất là việc dùng chế phẩm sinh học để phân hủy gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, việc dùng rơm rạ làm thức ăn chăn nuôi hoặc trồng nấm vẫn thiếu những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao để lan rộng trong cộng đồng. Việc phát hiện và chế tài xử phạt hành vi này còn nhiều vướng mắc nên mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức cho người dân.

Tháng 9/2019, Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã có văn bản đề nghị UBND huyện Sóc Sơn và 5 xã quanh sân bay ngăn chặn tình trạng người dân đốt rơm rạ gây ảnh hưởng đến hoạt động bay

Khói từ việc đốt rơm rạ khiến nhiều phương tiện bị hạn chế tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông

Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ước tính mỗi năm Thành phố phát sinh khoảng 1 triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp, rất nhiều trong số đó bị người dân đốt bỏ trên cánh đồng. Để hạn chế tình trạng này, thành phố Hà Nội đã triển khai mô hình “Thành phố không đốt rơm rạ” với nhiều giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ người dân thu gom và xử lý rơm rạ thành các sản phẩm vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả, tình trạng đốt rơm rạ tại các địa phương trong vụ Xuân 2020 có giảm đáng kể so với những năm trước. Tuy nhiên, chưa địa phương nào khẳng định là đã chấm dứt hoàn toàn việc đốt rơm, rạ sau thu hoạch. Tình trạng đốt rơm rạ trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn tái diễn theo mùa vụ.

Theo GS.TS.Nguyễn Hồng Sơn (Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong quá khứ rơm rạ được coi là một loại sản phẩm phụ đa mục đích đối với người nông dân Việt Nam (sử dụng để đun nấu, lợp mái nhà, làm thức ăn chăn nuôi…). Nhưng khi ngành trồng trọt phát triển mạnh, sản lượng lúa ngày càng gia tăng, rơm rạ lại dư thừa nhiều và trở thành nguồn chất thải cần xử lý.

Do tốn chi phí thu gom và vận chuyển, trong khi công nghệ xử lý rơm rạ còn nhiều hạn chế, hình thức đốt rơm rạ ngoài trời vẫn được nông dân áp dụng phổ biến ở hầu hết các vùng thâm canh lúa chính tại Việt Nam. Đây được coi là hình thức loại bỏ rơm rạ nhanh chóng và rẻ tiền, tiện lợi đối với nông dân.

Tuy nhiên, việc đốt rơm rạ ngoài trời đang gây ra các vấn đề môi trường, tăng phát thải khí nhà kính, làm thất thoát nguồn chất dinh dưỡng trả lại cho đất, đồng thời nông dân mất nguồn thu từ các sản phẩm được tạo ra từ phụ phẩm rơm rạ.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc người nông dân đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa đó là tập quán từ xưa đến nay, việc lên án là không đúng. Muốn người nông dân thay đổi thói quen thì các ban ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tuyên truyền, vận động và đặc biệt tìm giải pháp có lợi thì chắc chắn người nông dân sẽ có thay đổi tích cực về việc này.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-giai-phap-dong-bo-cham-dut-tinh-trang-dot-rom-ra-post98310.html