Cần có phương án quản lý vùng trồng sa nhân tím
Mặc dù Lào Cai có điều kiện thuận lợi để mở rộng diện tích cây sa nhân tím nhưng đây là loại cây trồng gây hại đến rừng tự nhiên, đầu ra phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và giá cả bấp bênh… nên các địa phương cần có phương án quản lý phù hợp.
Cách đây gần chục năm, gia đình ông Chảo Díu Kiêm (thôn Sải Duần, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát) đầu tư hơn chục triệu đồng mua giống, phân bón để trồng gần 1 ha sa nhân tím. Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi, chưa đầy 2 năm, diện tích cây sa nhân tím của gia đình ông đã phát triển lên gần 3 ha. Ông Kiêm cho biết, cây sa nhân tím dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, được canh tác dưới tán rừng trồng, rừng tự nhiên và nương trồng ngô kém hiệu quả. Những năm được mùa, được giá, cây sa nhân tím đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình ông.
Xã Phìn Ngan có khoảng 180 ha sa nhân tím, trong đó 160 ha đã cho thu hoạch. Ông Tẩn A San, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phìn Ngan cho biết: Trước đây, cây sa nhân tím được giá nên người dân liên tục mở rộng diện tích. Nhiều gia đình ở xã Phìn Ngan đã thoát nghèo, có của ăn của để nhờ cây sa nhân tím. Tuy nhiên, những năm gần đây, giá bán giảm mạnh, hiện còn khoảng 60 nghìn đồng/kg quả tươi nên người dân không còn mặn mà với loại cây này. Diện tích cây sa nhân tím trên địa bàn xã Phìn Ngan những năm qua cơ bản giữ nguyên và người dân đã phá bỏ một số diện tích kém hiệu quả để canh tác những cây trồng khác.
Huyện Bát Xát hiện có khoảng 308 ha sa nhân tím, tập trung chủ yếu ở các xã Phìn Ngan, Bản Qua, Mường Vi, Tòng Sành… với 734 hộ trồng. Phần lớn diện tích được trồng dưới tán rừng tự nhiên. Huyện đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân không mở rộng diện tích cây sa nhân tím.
Mường Khương là địa phương có diện tích cây sa nhân tím lớn nhất tỉnh (khoảng 1.367 ha), trong đó có khoảng 838 ha đã cho thu hoạch. Cây sa nhân tím được trồng nhiều ở các xã: Nậm Chảy, Tung Chung Phố, Thanh Bình và thị trấn Mường Khương. Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết, những năm qua, nhiều diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả được người dân trong huyện chuyển đổi sang trồng cây sa nhân tím. Những năm được mùa và được giá, 1 ha cây sa nhân tím đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng cho người trồng. Tuy nhiên, do đầu ra phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, giá bấp bênh nên địa phương không khuyến khích người dân mở rộng diện tích. “Huyện Mường Khương hiện đã có quy hoạch vùng trồng cây sa nhân tím, vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến rừng, vừa giúp người dân phát triển kinh tế. Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương sẽ phối hợp với các cấp, ngành tìm kiếm đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm bao tiêu sản phẩm sa nhân tím cho người dân” - ông Hoa nói.
Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 2.100 ha sa nhân tím, tập trung ở các huyện Mường Khương, Bát Xát, Văn Bàn và thị xã Sa Pa. Trước đây, giá trị của quả sa nhân tím rất cao, thường ở mức 150 - 250 nghìn đồng/kg quả khô, thậm chí có thời điểm đạt gần 300 nghìn đồng/kg. Nhờ đó, hàng nghìn hộ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở các thôn, bản vùng cao đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá, giàu. 3 năm gần đây, giá sa nhân tím rất thấp (khoảng 50 - 60 nghìn đồng/kg), trong khi thời tiết cực đoan, thường xuất hiện băng tuyết dẫn đến năng suất sa nhân tím giảm đáng kể, nhiều hộ đã không còn mặn mà.
Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Cây sa nhân tím nếu trồng dưới tán rừng tự nhiên, rừng phòng hộ sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của rừng. Sở đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh yêu cầu hạt kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố tích cực tuyên truyền, vận động để người dân không mở rộng diện tích; kiên quyết phá bỏ diện tích cây sa nhân tím trồng mới dưới tán rừng tự nhiên, rừng phòng hộ.
Cũng như cây thảo quả, cây sa nhân tím có tốc độ phát triển rất nhanh, chỉ cần trồng một diện tích nhỏ, sau thời gian ngắn có thể lan rộng lên hàng héc-ta. Để cây sa nhân tím không còn trồng dưới tán rừng trồng và rừng phòng hộ, các cấp, các ngành, các địa phương cần tích cực tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng; thường xuyên tuần tra, kiểm soát để phát hiện cây sa nhân trồng mới dưới tán rừng tự nhiên, rừng phòng hộ nhằm kịp thời xử lý; tạo sinh kế để người dân sinh sống gần khu vực rừng tự nhiên, rừng phòng hộ có thu nhập bền vững.